Xu hướng học viết chữ đẹp của giới trẻ Sài Gòn

Các lớp học luyện viết chữ đẹp tại TP.HCM phát triển do nhu cầu 'rèn nét chữ, luyện nết người' của sinh viên, nhân viên văn phòng ngày càng nhiều.

Cầm cây bút máy nắn nót từng nét, Trần Quỳnh Anh (25 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) chăm chỉ viết theo chữ cái mẫu của giáo viên. Trong phòng học nhỏ, hàng chục học viên khác cũng cặm cụi viết từng chữ như các em cấp một.

Quỳnh Anh là dược sĩ, công việc yêu cầu cô thường xuyên phải viết đơn thuốc hay nhập sổ sách. Chữ quá xấu, cô rất mất tự tin, nhất là viết cho cấp trên, đối tác.

Không phải ai trong quá trình học phổ thông cũng được uốn nắn từng nét, khiến chữ viết cẩu thả, khó đọc, ảnh hưởng công việc. Vì vậy, nhiều người dù đang học đại học, đi làm cũng phải luyện viết chữ từ đầu.

Tại TP.HCM, thời gian gần đây, nhiều trung tâm luyện viết chữ đẹp cho người lớn được mở ra. Những người viết đẹp cũng nhận dạy kèm tại nhà.

Nhiều người dù đã đi làm, vẫn đến trung tâm luyện viết chữ đẹp. Ảnh: Minh Nhật.

Nhiều người dù đã đi làm, vẫn đến trung tâm luyện viết chữ đẹp. Ảnh: Minh Nhật.

Môn học đặc biệt

Tại Sài Gòn, các lớp luyện viết chữ đẹp được tổ chức ở Trung tâm luyện viết chữ đẹp Tân Bình (Cách Mạng tháng 8, quận Tân Bình), Chữ Đẹp Nét Việt (Lê Thị Riêng, quận 1), Chữ đẹp miền Nam (Lý Chính Thắng, quận 3), Luyện chữ Ánh Dương (Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp)... và nhiều lớp do thầy cô giáo mở.

Các khóa học đặc biệt này thường kéo dài 10 buổi, khai giảng mỗi tháng 2 lần và học xen kẽ hầu hết các ngày trong tuần.

Cô Đoàn Khuyên – giảng viên ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết: “Luyện chữ đẹp được xem là môn học khó bởi đòi hỏi sự kiên nhẫn cao, tĩnh tâm, chú ý từng đường nét, không gian luyện chữ phải yên tĩnh".

Nữ giáo viên chia sẻ luyện chữ phải viết có quy tắc, nét trước, nét sau, có người hướng dẫn mới hiệu quả. Việc này đòi hỏi thời gian và sự kiên trì của người học.

Không chỉ học tại trung tâm, nhiều bạn trẻ thuê gia sư luyện chữ tại nhà. Duy Mỹ (24 tuổi, nhân viên ngân hàng) chia sẻ: “Mình thích viết những lúc thấy thoải mái, ví dụ ban đêm, khi không phải suy nghĩ công việc”.

Mỹ thường đến các quán cà phê yên tĩnh, đôi khi tìm tới nhóm bạn cùng sở thích để luyện viết. Ngày nào trước khi đi ngủ, cô cùng dành khoảng 30 phút luyện tập, duy trì thành thói quen.

Để luyện viết chữ đẹp, học viên không thể xem thường vai trò của bút, mực, giấy. Việc lựa chọn bút phù hợp, loại giấy tốt để luyện viết không dễ.

Cô Ly - gia sư luyện chữ đẹp - cho hay bút luyện viết thường là bút máy, không nên quá dài hoặc ngắn (khoảng 13 cm). "Bút phải cầm vừa tay, trọng lượng nên từ 8 – 10 gam, đường kính khoảng 7 mm. Không chỉ vậy, để luyện chữ nét thanh nét đậm, ngòi bút phải được cải tiến".

Học viên phải luyện chữ từ các chữ in mẫu trước khi được tự viết. Ảnh: Minh Nhật.

Cô Ly thường mua bút cho học viên, sau đó tự mài hết hạt gạo, sao cho ngòi mỏng dẹt. Ngòi bút không quá trơn để điều khiển được bút theo ý người viết, không quá sắc gây rách giấy, nhòe mực.

Giấy dùng luyện chữ phải đảm bảo chất lượng, tốt nhất là loại vở ô ly có dòng kẻ carô nhỏ.

Thú vui luyện chữ

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người có công việc bận rộn, thời gian eo hẹp vẫn dồn tâm sức luyện chữ đẹp. Từ lúc điện thoại thông minh, laptop trở nên phổ biến, việc ghi chép ít hơn. Sinh viên cũng không còn phải ghi chép nhiều, chữ viết dễ xấu.

Một số công việc như kế toán, thư ký, giáo viên… đòi hỏi chữ phải rõ ràng, dễ nhìn buộc nhiều người phải đi luyện viết.

Đỗ Minh Trí (sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM) cho hay bạn luyện chữ vì "chữ lũn cũn như trẻ con, hồi học trung học không ít lần bị trừ điểm kiểm tra vì chữ xấu".

Bên cạnh đó, nhiều người thực sự thích và coi việc viết chữ như một thú vui, giảm căng thẳng.

“Luyện chữ cũng là cách để mình tĩnh tâm, học cách tập trung, giúp thư thái hơn. Chữ đẹp, mình có thể viết thư tay, bưu thiếp gửi đến người mình quý mến”, Nguyễn Ngọc (19 tuổi, sinh viên ĐH Bách Khoa TP.HCM) tâm sự.

Cô Đoàn Khuyên giải thích: “Dù làm công tác giảng dạy, từ lâu, mình không còn phải viết bảng nhiều. Mình vui khi nhìn từng con chữ dần hiện ra dưới bàn tay. Mình thường viết những câu thơ, châm ngôn yêu thích, coi như đó là cách tìm lại cảm xúc cho bản thân”.

Cô cho rằng nếu việc luyện chữ xuất phát từ chính niềm yêu thích và được duy trì như một thói quen tốt thì nên khuyến khích.

"Luyện nét chữ từ nhỏ cũng là cách uốn nắn tính cách như ông bà ta vẫn thường làm, nhưng nếu không thích thì không nên ép buộc, nhất là các em nhỏ”, nữ giáo viên nêu quan điểm.

Minh Nhật

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/xu-huong-hoc-viet-chu-dep-cua-gioi-tre-sai-gon-post693437.html