Xứ bò

Trước đây, cái danh hiệu “thủ phủ” bò ở phía Nam, thường thuộc về Bình Thuận. Bây giờ cái danh hiệu đó đã chuyển về xứ dừa Bến Tre, với tổng đàn khoảng 160 ngàn con đến hết năm 2011. Trong đó, riêng huyện Ba Tri chiếm tới gần một nửa (trên 70 ngàn con). Vì thế, có gọi Ba Tri là xứ xở bò.

1. “Uống vài ly rượu Phú Lễ đã rồi nói chuyện sau”, ông Trần Văn Hòa, một người nuôi bò ở ấp 1, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, vừa đặt bình rượu xuống bàn, vừa nói. Tôi và mấy anh em ngành thú y đi cùng, chỉ tính ghé nhà ông Hòa một lát để hỏi về nghề nuôi bò. Nhưng ông đã mang rượu ra và nói thế, thì chắc phải ngồi lâu thêm rồi. Người Nam Bộ là vậy, họ đã nhiệt tình mang rượu ra mời mà chưa uống ly nào thì đừng hòng hỏi han gì tới bò bê.

À, mà rượu Phú Lễ đâu phải là thứ vô danh tiểu tốt. Từ lâu, nó đã được xếp ngồi chung chiếu với các loại rượu danh tiếng khác ở Nam Bộ như Gò Đen ở Long An hay rượu Xuân Thạnh ở Trà Vinh... Thậm chí, nhiều người sành rượu còn quả quyết rằng rượu Phú Lễ cùng với rượu Bàu Đá ở Bình Định và rượu Làng Vân ở Bắc Giang là 3 loại rượu hàng đầu của đất Việt ta.

Thấy tôi đã bắt đầu ngấm rượu Phú Lễ, ông Hòa mới thủng thẳng vào chuyện bò bê, nhưng lại vẫn bắt đầu từ thứ rượu đặc sản quê nhà “Rượu Phú Lễ không chỉ ngon cho người mà còn tốt cho bò nữa…”. Tôi hỏi: “Tốt thế nào?”. Ông Hòa không trả lời ngay mà lại hỏi: “Từ sáng tời giờ cậu đã đi xem nhiều con bò ở Phú Lễ phải không? Cậu có để ý thấy có thấy nhiều con có đôi mắt đỏ như mắt người say rượu không?”. Rồi chẳng đợi tôi trả lời, ông cười: “Mấy con bò mắt đỏ lừ là do được cho ăn bã hèm nấu rượu đấy. Rượu Phú Lễ ngon có tiếng, thì bã hèm cũng… ngon. Bò ăn bã hèm đó, cũng nhanh lớn, căng da, mượt lông lắm”.

Một trại bò ở Phú Lễ, Ba Tri

Đúng là từ khi về Phú Lễ, tôi đã gặp khá nhiều con bò có vóc dáng lực lưỡng mà lại có đôi mắt đỏ ngầu. Thì ra chúng có men rượu. Tôi chợt giật mình, bò ấy mà thả rông ngoài đường, lỡ mình mặc cái áo đỏ đi ngang qua, chẳng biết thế nào… Dường như hiểu nỗi lo của tôi, ông Hòa trấn an: “Rượu Phú Lễ nặng nhưng êm. Nên mấy con bò ăn bã hèm không quậy phá đâu”.

2. Ông Đào Công Văn, Phó chủ tịch UBND xã Phú Lễ, giở sổ, cho hay, cả xã hiện khoảng 1.700 hộ với trên 8.000 nhân khẩu, mà đất lúa chưa tới 500 ha. Dân đông, ruộng ít, nên từ lâu, ngoài việc làm lúa, dân Phú Lễ đã phải xoay xở làm thêm các nghề phụ khác như: nấu rượu, đan đát.

Nghề nuôi bò xuất hiện ở Phú Lễ cũng đã lâu. Trước đây, dân Phú Lễ nuôi bò bằng cách tận dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp như: rơm rạ, thân lá cây bắp… Vài năm trở lại đây, nghề nuôi bò ở Phú Lễ được chuyên nghiệp hóa hơn khi đàn bò vàng dần được loại bỏ, thay vào đó là bò lai máu Zebu. Số lượng đàn bò ở Phú Lễ cũng tăng nhanh, hiện đã đạt khoảng trên dưới 5.000 con, cao nhất huyện Ba Tri. Có tới 70% hộ dân Phú Lễ có đàn bò trong nhà. Trong đó, số hộ có đàn bò trên 10 con không phải là ít. Hộ nuôi nhiều bò nhất là hộ ông Nguyễn Trung Thụy ở ấp Phú Thạnh, khi trong chuồng đang có gần 40 con bò.

Và để nuôi được đội quân bò hùng hậu ấy, dân Phú Lễ đã tận dụng gần như mọi chỗ đất trống để trồng cỏ nuôi bò. Đó là những bờ ruộng, ven hàng rào… Ông Hòa bảo: “Trước đây, mô hình quen thuộc của môt ngôi nhà nông dân là trước cau sau chuối. Còn bây giờ, ở Phú Lễ, mô hình quen thuộc là trước cỏ sau bò”. Nhà ông Hòa đang nuôi mười mấy con bò thịt. Ông đã dành ra 3 công đất để trồng cỏ nuôi lũ “tàu há mồm” ấy, mà vẫn không đủ, phải mua thêm rơm rạ về cho chúng ăn.

Bò chẳng phụ công người. 7 năm trước, ông Hòa bán 6 con bò. Giá bò ngày ấy không cao như bây giờ, nhưng mỗi con cũng được khoảng 25 triệu đồng. Cộng thêm ít tiền đã dành dụm trước đó, ông Hòa cất ngay ngôi nhà khang trang một trệt, một lầu. Đàn bò hiện tại, có những con ông mua lúc giá rẻ, mỗi con chỉ 1,5 triệu đồng. Nay giá đã lên tới 40 triệu đồng.

Nói chuyện nhà mình xong, ông Hòa kể vanh vách cho tôi nghe hàng chục tên hộ ở Phú Lễ mà ông biết, đã và đang phất lên, xây nhà, sắm xe… nhờ nuôi bò thịt. Nuôi bò từ chỗ chỉ là nghề phụ, giờ đã đàng hoàng tiến lên thành nghề chính ở Phú Lễ, sánh ngang với các nghề truyền thống có tuổi đời đã hàng trăm năm qua như trồng lúa, nấu rượu, đan đát …

3. Không chỉ ở Phú Lễ, mà gần như tới bất kỳ xã nào của huyện Ba Tri, chuyện thời sự nghề nông bây giờ, không phải là lúa gạo, heo, gà, mà là bò thịt. Người ta kháo nhau hộ này vừa bán một con bò thu về 50 triệu đồng, hộ kia có con bò thương lái vào trả trên 60 triệu mà chưa thèm bán, nhà nọ đang mở rộng chuồng trại để nâng đàn bò lên vài chục con, nên gieo tinh của giống bò ngoại siêu thịt này hay giống siêu thịt kia…

Theo lời của các bậc lão nông tri điền, nghề nuôi bò đã có ở Ba Tri từ trước năm 1975. Ba Tri là xứ đất chật, người đông, thổ nhưỡng hợp với cây lúa nhưng lại chê… cây ăn trái (một thế mạnh của tỉnh Bến Tre). Làm lúa không thì chẳng đủ ăn. Dân Ba Tri đành nuôi thêm một vài con bò trong nhà vì nó là vật nuôi dễ tính, ít bệnh tật, không tốn nhiều chi phí vì nó ăn cỏ hoặc các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, thân bắp, đậu hay. Bò khi bán lại thường có giá trị lớn, nên lâu nay dân Ba Tri đã coi đó là thứ tài sản quý giá.

Bò Ba Tri có vóc dáng rất to lớn

Do coi trọng con bò như vậy, nên suốt mấy chục năm qua, nhiều người chăn nuôi ở Ba Tri sẵn sàng móc hầu bao tìm kiếm những con bò đực to cao, khỏe mạnh, màu sắc đẹp để làm giống. Bởi thế, nếu như ở nơi khác, thường chỉ có thương lái đi thu gom bò về bán cho các lò mổ, thì ở Ba Tri, lại có nhiều thương lái chỉ chuyên đi gom bò đực tốt ở các nơi về bán cho người chăn nuôi trong huyện làm giống. Vì vậy, cũng chẳng lạ khi Sở NN-PTNT Bến Tre thực hiện dự án cải tạo và phát triển đàn bò thịt trên toàn tỉnh, thì đàn bò ở Ba Tri phát triển tốt hơn hẳn so với các huyện khác về tầm vóc, khả năng sinh sản…

Sau vài tuần rượu, ông Hòa lấy cây đàn ghi ta ra, cùng mấy anh em cán bộ, chăn nuôi, thú y, nghêu ngao hát: “Quê tôi đất Ba Tri, chỉ có nghề bò…”.

Giai điệu nghe quen quen, chắc chắn họ đã chế lại từ một bài hát nào đấy. Nhưng nhìn mặt ai cũng thấy say sưa, vui vẻ như đang hát một bài ca thứ thiệt về nghề nuôi bò của đất Ba Tri vậy.

Bây giờ, nhắc đến đàn bò thịt hơn 70 ngàn con của Ba Tri, hầu như người nuôi bò nào ở đây cũng thấy tự hào vì đàn bò của huyện nhà. Bởi lẽ nhờ đã được Zebu hóa gần như toàn bộ, gần đây lại được lai tạo với các giống siêu thịt như Red Angus, Brahman, Limousin…, giờ đây, thịt bò Ba Tri đã được người tiêu dùng đánh giá là ngon vào bậc nhất ở ĐBSCL. Cánh thương lái khi đổ về đồng bằng tìm mua bò thì Ba Tri là địa chỉ ưu tiên số 1 vì tầm vóc và tỷ lệ thịt xẻ của bò Ba Tri, bò ở các huyện khác trong tỉnh Bến Tre, và ở các tỉnh khác ở ĐBSCL, đều không thể sánh bằng.

Ông Lê Vũ, một thương lái ở TP HCM còn rỉ tai tôi mà rằng trước đây, cánh thương lái thường về Trà Vinh để thu mua da bò bán cho mấy cơ sở thuộc da. Giờ đây, họ chỉ mua da bò ở Ba Tri vì ở đây toàn là bò lai nên có lớp da khá dày. Dân Ba Tri lại khá cưng con bò, gần như chẳng đánh đập nó bao giờ, nên da bò không bị tổn thương như da bò các nơi khác. Những yếu tố đó đã tạo nên một thương hiệu “bò Ba Tri”, để phân biệt bò vùng này với bò ở tất cả các nơi khác trên đất Nam Bộ.

Để chứng minh cái thương hiệu ấy, ông Hòa nhắn tôi và mấy cán bộ chăn nuôi, thú y địa phương, trở lại nhà ông để thưởng thức rượu Phú Lễ nhắm với món thịt bò Ba Tri xào. Thịt bò Ba Tri mềm mà ngọt, ăn rồi chỉ muốn ăn nữa.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/1/24/99110/xu-bo.aspx