Xót xa cảnh dân chặt cà phê vì... công ty phá sản

10 năm về trước, cây cà phê đã thắp lên tia hi vọng đổi đời cho nhiều hộ dân ở A Lưới (Thừa Thiên – Huế). Tuy nhiên hiện tại, loại cây này lại gắn liền với bao chuyện buồn…

Trở lại năm 2001, Công ty Vinacafe Quảng Trị, có trụ sở tại Thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã phối hợp với các xã: Nhâm, Hồng Thượng, Hồng Thái, Hồng Bắc… thuộc huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) trồng hơn 380 ha cà phê. Tại xã Nhâm. Công ty này cũng đã đầu tư một nhà máy chế biến quy mô, đầu tư giống, phân bón cho người dân. Còn hàng trăm hộ dân ở đây thì góp đất sản xuất...

Đến năm 2010, bao nhiêu mồ hôi công sức của bà con bỗng dưng ‘tan thành mây khói’ khi Công ty Vinacafe Quảng Trị bất ngờ tuyên bố phá sản.

Có mặt tại vườn cà phê 1,5 ha của gia đình ông Quỳnh Ông ở xã Nhâm, người đàn ông này cho biết, ông trồng cà phê từ năm 2001, theo hình thức nhận khoán chăm sóc cho Công ty Vinacafe và hưởng lợi sau khi thu hoạch. Trước đây, trung bình mỗi năm, gia đình ông thu nhập khoảng 60 triệu đồng từ diện tích cà phê. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay vườn cà phê này đã bị bỏ hoang, do cà phê rớt giá.

Nhiều hộ dân ở huyện A Lưới đã chặt bỏ cây cà phê vì không còn mang lại hiệu quả kinh tế.

“Diện tích cà phê này trước đây do gia đình khai hoang trồng các loại cây ngắn ngày. Từ khi nhà máy của Công ty Vinacafe Quảng Trị được thành lập ở xã Nhâm, gia đình đã góp quỹ đất này vào để cùng sản xuất. Đến khi Công ty giải thể, không trồng cà phê được nên gia đình tôi phải chặt bỏ, trồng các loại cây ngắn ngày để kiếm sống”, ông Quỳnh Ông chia sẻ.

Nhiều diện tích cà phê được trồng thay thế bởi các cây ngắn ngày như sắn.

Cùng cảnh ngộ với ông Quỳnh Ông, ông Hồ Văn Liền ở thôn A Bung (xã Nhâm) cũng bày tỏ sự buồn bã khi dẫn chúng tôi ra khu vườn cà phê rộng gần 1ha đã bị chặt bỏ hơn một nửa.

“Từ đầu năm 2012 đến nay, vì công ty thu mua cà phê phá sản, trong khi giá cà phê thị trường mỗi ký chỉ còn khoảng 2.500 đến 3.000 đồng. Có thời điểm cà phê đến kỳ thu hoạch chín rục, nhưng vì giá thuê nhân công hái mỗi ngày 200.000 đồng nên đành phải bỏ. Vì thế, vợ chồng tôi quyết định chặt bớt diện tích cây cà phê để chuyển sang trồng sắn...”, ông Liền cho hay.

Được biết, sau khi Công ty Vinacafe Quảng Trị tuyên bố phá sản, TAND tỉnh Quảng Trị đã có quyết định thành lập tổ quản lý, thanh lý vụ phá sản của công ty này. Theo đó, mức định giá của cơ quan chức năng đưa ra đối với diện tích cây cà phê ở Nông trường A Lưới là 35 tỷ đồng, nhà máy chế biến cà phê đầu tư tại xã Nhâm là 4,7 tỷ đồng.

Quang cảnh hoang tàn của nhà máy chế biến cà phê ở xã Nhâm (A Lưới).

Trong khi đó, đa phần diện tích cà phê này đã hoang tàn, thời hạn sử dụng đất và chu kỳ khai thác cây cà phê chỉ còn vài năm. Riêng nhà máy chế biến cà phê thì xuống cấp, máy móc rỉ sét và khuôn viên trở thành bãi chăn thả gia súc.

Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho rằng, với số tiền định giá của cơ quan chức năng, thì một huyện nghèo như A Lưới là điều quá sức. Hơn nữa, đa số các hộ dân tham gia chương trình này đều là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, đời sống còn khó khăn. Việc Công ty tuyên bố phá sản khiến hàng trăm diện tích cây cà phê của người dân đành bỏ hoang nhiều năm nay vì không tìm được đầu ra.

Tâm sự với PV, ông Hồ Đức Cừ, Trưởng thôn A Bung, xã Nhâm chia sẻ, toàn thôn có 45 hộ thì đã có tới 18 hộ nghèo. Việc cây cà phê không bán được khiến nhiều hộ dân đành chặt bỏ và chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày để có thu nhập.

Và cây trồng mà người dân nơi đây lựa chọn để thay thế thường là sắn - thứ lương thực mà bao người dân nghèo ở huyện A Lưới tưởng chừng như đã dứt bỏ được khi bước vào dự án cà phê thì nay lại trở thành nguồn sống cho bao hộ gia đình.

Kông Thành

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/hang-tram-ho-dan-khoc-rong-chat-ca-phe-vi-cong-ty-pha-san-a253229.html