'Xóa sổ' xăng RON 92, tiêu thụ xăng E5 sẽ tăng đột biến

Việc thay thế xăng RON 92 bằng xăng sinh học E5 kể từ ngày 1/1/2018 sẽ khiến cho nhu cầu tiêu thụ xăng E5 tăng mạnh, từ 590.000 m3 lên hơn 5,3 triệu m3. Bộ Công Thương cho rằng, nguồn cung xăng E5 hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường khi thay thế toàn bộ xăng khoáng RON 92.

Xăng RON 92 sẽ được thay thế bằng xăng sinh học E5 từ ngày 1/1/2018. Ảnh: Hồng Vân.

Lộ trình thực hiện thay thế xăng RON 92 bằng xăng E5 từ 1/1/2018 đã được chốt cứng, không thể trì hoãn. Do vậy, Bộ Công Thương đã gấp rút họp bàn với các doanh nghiệp để có giải pháp thực hiện yêu cầu này của Thủ tướng Chính phủ.

Một báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, qua rà soát, tổng lượng xăng tiêu thụ trên địa bàn cả nước trong năm 2016 đạt khoảng 7,4 triệu m3; trong đó, xăng E5 khoảng 590.000 m3, chiếm 8% so với tổng lượng xăng tiêu thụ trên thị trường; xăng khoáng khoảng 6,81 triệu m3, chiếm khoảng 92%.

Nếu chuyển toàn bộ việc tiêu thụ xăng RON 92 sang xăng sinh học E5 bắt đầu từ 2018, dự báo tổng lượng xăng E5 tiêu thụ trên cả nước đạt hơn 5,3 triệu m3… Tổng nhu cầu E100 trong năm 2016 chiếm khoảng 29.500 m3. Kể từ 2018, khi chuyển đổi dùng xăng E5 thì ước tính nguyên liệu E100 để pha trộn sẽ vào khoảng hơn 267.000 m3.

Trên thực tế, hiện việc cung cấp ethanol nhiên liệu để phối trộn E5 chủ yếu từ 2 nhà máy sinh học của Công ty TNHH Tùng Lâm với tổng công suất 200.000 m3/năm đủ để phối trộn 3,9 triệu m3 xăng sinh học E5/năm. Trong năm 2016, Công ty Tùng Lâm đã bán ra thị trường khoảng 2.000 m3/tháng nguồn ethanol.

Ngoài 2 nhà máy của Tùng Lâm hiện trong nước còn 2 nhà máy với công suất 100.000 m3/năm tại Dung Quất và Bình Phước đang tạm dừng sản xuất do chưa có thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các nhà máy này đang khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch để đưa nhà máy hoạt động trở lại, dự kiến sẽ khởi động lại chậm nhất là cuối năm 2017.

Cùng với đó, trong triển khai hệ thống phối trộn xăng E5, đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, trong số 26 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, 5 thương nhân có hệ thống phối trộn xăng E5 đang hoạt động là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng Công ty Dầu Việt Nam, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. HCM, Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội, Công ty Cổ phần Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu.

Ngoài ra, còn có 2 thương nhân đầu mối đã triển khai trạm trộn xăng E5 nhưng chưa đưa vào hoạt động là Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp và Tổng Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ với tổng công suất 2 đơn vị khoảng 750.000-800.000 m3/năm.

Như vậy, tổng công suất các trạm trộn xăng E5 từ 7 thương nhân đầu mối trên có thể đạt đến 6,2-6,7 triệu m3/năm.

Từ tình hình triển khai thực hiện như vậy nên Bộ Công Thương hoàn toàn tin tưởng, nguồn cung xăng E5 có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường khi thay thế toàn bộ xăng khoáng RON 92 kể từ ngày 1/1/2018.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng, vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện và cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Phạm Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, lượng tiêu thụ xăng E5 trong thời gian vừa qua chưa đạt được như kỳ vọng của doanh nghiệp. Nguyên nhân chính là do cơ chế chính sách chưa quyết liệt, sản xuất gặp khó khăn.

Ông Thắng cho hay: “Để có thể triển khai bán đồng bộ xăng E5 vào đầu năm 2018, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích hơn nữa đối với doanh nghiệp, trong đó, cần đặt vấn đề giá lên hàng đầu, bởi doanh nghiệp kinh doanh phải gắn với hiệu quả. Đối với người tiêu dùng, mức chênh lệch giữa E5 và các loại xăng khác cần tạo ra sự hấp dẫn, để người tiêu dùng lựa chọn”.

Bên cạnh đó, Petrolimex cũng cho rằng, phí kinh doanh đối với mặt hàng xăng E5 hiện nay vẫn cao hơn so với xăng khoáng khoảng 150 đồng/lít. Trong khi đó, E100 (ethanol – nhiên liệu sinh học dùng để phối trộn) mới chỉ sản xuất được 200.000 m3/ năm.

Chính vì vậy, cần ổn định nguồn nguyên liệu, điều chỉnh thuế nhập khẩu E100 để các doanh nghiệp trong nước không độc quyền; bảo đảm khi trong nước có vấn đề sẽ nhập khẩu để kinh doanh ổn định.

Theo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về việc thực hiện Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, chỉ cho phép tồn tại hai loại xăng RON 92 và E5 đến hết ngày 31/12/2017. Kể từ ngày 1/1/2018, chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 và xăng khoáng RON 95 nhằm góp phần bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng, giảm dần sự lệ thuộc vào xăng khoáng, cải thiện môi trường.

Phan Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/xoa-so-xang-ron-92-tieu-thu-xang-e5-se-tang-dot-bien.aspx