Xóa đói, giảm nghèo từ 'vàng trắng'

Hàng nghìn hécta đồi hoang hóa, sản xuất kém hiệu quả của tỉnh Lai Châu giờ đây đã trở thành những cánh rừng caosu xanh mượt… Những giọt “vàng trắng” đang bắt đầu được khai thác trong từng thớ gỗ, hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho cây caosu Tây Bắc.

Công nhân khai thác mủ caosu trên Nông trường Lùng Thàng (Lai Châu). Ảnh: Trần Vương

Kỳ vọng xóa đói, giảm nghèo

Ngày 17.10, tại Nông trường Lùng Thàng (xã Lùng Thàng, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) đã bắt đầu khai thác mủ caosu sau chặng thời gian 9 năm triển khai dự án phát triển caosu tại các tỉnh miền núi phía bắc (2007-2016). Tính đến thời điểm hiện tại, tại các tỉnh miền núi phía bắc đã trồng, chăm sóc kiến thiết cơ bản 28.622ha (Tây Bắc 23.149ha), (Đông Bắc 5.472ha) với tổng số vốn đầu tư trên 4.000 tỉ đồng. Những diện tích caosu trên đảm bảo sinh trưởng và chính thức cho mủ xóa đi những nghi ngờ về hiệu quả trồng cây caosu trên mảnh đất này.

Ông Đỗ Ngọc An - Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu - cho rằng: “Lần đầu tiên trong lịch sử dòng “vàng trắng” được khơi nguồn từ mảnh đất Lai Châu. Kỳ vọng về loại cây công nghiệp này sẽ góp phần “xóa đói, giảm nghèo” cho bà con đồng bào dân tộc. Mặt khác những đóng góp của các dự án caosu về an sinh xã hội là rất đáng ghi nhận. Doanh nghiệp trồng caosu giải quyết được việc làm, trả lương cho công nhân là đồng bào dân tộc tại chỗ và nâng cao đời sống văn hóa, y tế, giáo dục… ở vùng nông thôn. Khai thác và sử dụng có hiệu quả diện tích đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ đất, chống xói mòn. Đặc biệt, nơi nào có dự án cây cao su thì nơi đó hình thành hệ thống điện - đường - trường - trạm. Công tác quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được củng cố; hình thành nên thiết chế “kiềng ba chân”: Doanh nghiệp - nông dân - chính quyền”.

Theo ông Trần Ngọc Thuận - Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Caosu Việt Nam (VRG), khi thực hiện dự án tại khu vực ngoài truyền thống trồng caosu, VRG cũng đã thấy trước những khó khăn, nhưng nhằm mong muốn tri ân những công lao đóng góp của thế hệ cán bộ và nhân dân đã đóng góp cho cách mạng và chung tay cùng với địa phương chăm lo đời sống đồng bào miền núi phía bắc. Không đặt yếu tố lợi nhuận lên hàng đầu mà thay vào đó là chăm lo đời sống, đưa đồng bào dân tộc thoát nghèo từ cây caosu mới là trọng tâm. Trong thời gian tới, đơn vị này không mở rộng diện tích mà tập trung vào nâng cao chất lượng vườn cây, đưa thêm diện tích caosu vào khai thác, xây dựng nhà máy chế biến nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm cũng như góp phần nâng cao đời sống cho công nhân lao động. Qua đánh giá ban đầu, vườn cây caosu tại Lai Châu cho khai thác mủ khá tốt, năng suất đạt khoảng 0,6 tấn/ha trong năm đầu tiên và sẽ tăng lên trong những năm tiếp theo. Với những giá trị kinh tế từ mủ caosu thu hoạch, hy vọng trong thời gian tới đây là nguồn lực “xóa nghèo” cho đồng bào dân tộc.

Tạo công ăn, việc làm cho hơn 2.000 lao động

Ông Hứa Ngọc Hiệp - Phó TGĐ Tập đoàn Caosu Việt Nam (VRG) - cho hay: “Đến nay, 9 công ty caosu trực thuộc Tập đoàn Caosu Việt Nam tại miền núi phía bắc đã giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động, hầu hết là đồng bào dân tộc tại chỗ. Tham gia góp đất và vào làm công nhân caosu đã từng bước giúp đồng bào thay đổi tập quán du canh, du cư, chuyển từ phương thức canh tác thô sơ lạc hậu qua tác phong công nhân”.

Cùng với doanh nghiệp, Tổ chức Công đoàn và các đoàn thể chính trị khác tích cực quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân lao động. Cụ thể như: Xây tặng nhà tình thương - tình nghĩa; thực hiện tốt chương trình Quỹ “Mái ấm công đoàn”, “Ánh sáng Công đoàn”; giúp đỡ gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn; khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người lao động; tặng học bổng cho con em công nhân… Dù đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản nhưng các công ty đã nỗ lực đảm bảo thu nhập ổn định cho công nhân lao động với mức bình quân gần 3 triệu đồng/người/tháng.

Anh Vàng Văn Bô - công nhân Công ty CPCS Lai Châu - chia sẻ: “Bản thân xin vào làm công nhân từ khi cây caosu được trồng, rất xúc động với những giọt nước mắt hạnh phúc khi cây caosu được đưa vào khai thác. Từ chỗ cơm ăn không đủ no, đói kém quanh năm đến nay mỗi công nhân lao động có thu nhập từ 3-5 triệu đồng. Cây caosu được đưa vào khai thác sau gần 9 năm chờ đợi, góp phần giúp cho đồng bào có thêm thu nhập ổn định, đảm bảo đời sống đồng bào dân tộc”.

Vương Trần

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/xoa-doi-giam-ngheo-tu-vang-trang-608143.bld