Xóa đói giảm nghèo ở huyện vùng cao Ba Bể

Hiện nay, cấp ủy và chính quyền huyện vùng cao đặc biệt khó khăn Ba Bể (Bắc Cạn) xác định sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước để xây dựng hạ tầng nông thôn, hỗ trợ nhân dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Mông, Dao chuyển dịch cơ cấu cây trồng, khai thác tiềm năng lợi thế địa phương để xóa đói giảm nghèo.

Chuyển sang trồng bí xanh thơm giúp nông dân Ba Bể thu nhập gấp gần 10 lần trồng lúa.

Chuyển sang trồng bí xanh thơm giúp nông dân Ba Bể thu nhập gấp gần 10 lần trồng lúa.

Gia đình anh Dương Văn Biên ở thôn Lò Đúc 1, xã Địa Linh nhiều năm qua là hộ nghèo, vì kinh tế của gia đình chỉ trồng chờ vào hơn 1.000 m2 ruộng bậc thang cấy lúa. Cấy lúa bấp bênh, nhiều vụ mất mùa vì không có nước tưới, gia đình thiếu đói. Được sự chỉ đạo, vận động của chính quyền xã, ba năm qua, anh Biên đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bí xanh thơm. Cây bí xanh thơm phù hợp với đồng đất, thổ nhưỡng, khí hậu nên phát triển tốt, cho năng suất và thu nhập bằng gần mười lần cấy lúa.

Với việc trồng bí xanh thơm, mỗi năm gia đình ảnh Biên có thu nhập khoảng 70 triệu đồng, đến năm 2016 đã thoát nghèo. Hiện nay anh Biên đang xây dựng căn nhà mới khang trang để thay thế ngôi nhà cũ tạm bợ. Anh tâm sự: “Bí xanh thơm thật sự là cây chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiệu quả trên đất ruộng mà nếu cứ duy trì cấy lúa thì hiệu quả sẽ rất thấp. Bí xanh thơm bán được từ tám đến 10 nghìn đồng/kg và bán quanh năm nên giúp gia đình tôi, nhiều gia đình trong xã thoát nghèo”.

Cây bí xanh thơm tại huyện Ba Bể được cấp ủy, chính quyền huyện quan tâm, chỉ đạo nông dân đầu tư trồng theo quy trình sạch, an toàn từ năm 2011 với diện tích ban đầu chỉ vài ha, đến nay tăng lên ở nhiều xã. Riêng xã Địa Linh trồng 17,5 ha. Với diện tích này, mỗi năm nông dân xã Địa Linh thu hàng chục tỷ đồng, số tiền không nhỏ đối với một xã vùng cao chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.

Bí thư Đảng ủy xã Địa Linh Nguyễn Tiến Thuần vui mừng: “Bí xanh thơm thật sự là loại nông sản hàng hóa, giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương xóa đói giảm nghèo hiệu quả”.

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Ba Bể tích cực chỉ đạo, sử dụng các nguồn vốn Chương trình 30a đầu tư cho các huyện nghèo, Chương trình 135 đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn vào việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đặc biệt là đường giao thông để nhân dân đi lại, lưu thông hàng hoáthuận lợi. Đến nay, tất cả các xã đều có đường giao thông đến trung tâm, ô-tô cũng đã đến được nhiều thôn, bản.

Để khuyến khích đồng bào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, huyện sử dụng một phần các nguồn vốn nêu trên và ngân sách địa phương để hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật trồng khoai tây, dong riềng, hồng không hạt, đây đều là những loại cây trồng đặc thù của địa phương. Với việc kiên trì chỉ đạo, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đến nay Ba Bể đã hình thành vùng trồng hồng không hạt, dong riềng, bí xanh thơm, bước đầu có thương hiệu.

Bên cạnh đó, huyện tích cực quảng bá, mời gọi doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản này để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, mang lại thu nhập khá, ổn định, xóa đói giảm nghèo cho nông dân.

Chủ tịch UBND huyện Ba Bể Cao Văn Hải cho biết: “Chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa đã khẳng định hiệu quả trên thực tế, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân, qua đó giúp giảm nghèo nhanh và bền vững. Nâng cao năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa là hướng đi của địa phương trong những năm tới”.

Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Ba Bể là gần 50%, với sự đầu tư của Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực chỉ đạo nông dân khai thác tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa nên đến hết năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm xuống còn 14%.

LÊ THẾ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/31276402-xoa-doi-giam-ngheo-o-huyen-vung-cao-ba-be.html