Xóa bỏ công chức, viên chức giáo viên: Quyền hành sẽ tập trung vào hiệu trưởng?

Việc bỏ biên chế công chức, viên chức trong các trường, giáo viên sẽ phải thực hiện theo cơ chế thị trường lao động. Như vậy, những giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị đào thải và tạo điều kiện cho những người giỏi hơn vào làm việc và chất lượng giáo viên trong các trường cũng sẽ được nâng lên. Vấn đề đặt ra là bỏ biên chế ở phạm vi nào?

Khi xóa bỏ công chức, viên chức Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ hợp lý để thu hút giáo viên miền xuôi lên miền núi làm việc. Ảnh ST.

Ai phản đối?

Tại buổi tiếp xúc cử tri tại tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên mà sẽ theo chế độ hợp đồng có vào - có ra, có chế độ đãi ngộ lớn. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo thí điểm không còn công chức, viên chức sẽ vấp phải sự phản đối của những giáo viên yếu kém, làm việc không hiệu quả.

Ông Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng THPT Anhxtanh (Hà Nội) cho biết: Khi bỏ công chức, viên chức Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ gặp phải phản đối từ những giáo viên làm việc không tốt, không hiệu quả và nhận được sự ủng hộ từ những giáo viên giỏi, có tâm huyết với nghề. Ngoài ra, khi không còn công chức, viên chức sinh viên sư phạm giỏi không phải lo lắng thi công chức để có chỗ làm ổn định trong các trường. Như vậy, những sinh viên giỏi sẽ có cơ hội làm việc trong các trường, không lo bị thất nghiệp. Ông Đào Tuấn Đạt nêu quan điểm, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo xóa bỏ công chức viên chức phải được thực hiện từ chức vụ thứ trưởng trở xuống, chỉ riêng bộ trưởng là công chức. Theo như lý giải của ông Đạt, nếu chỉ có giáo viên thực hiện theo cơ chế hợp đồng lao động thì mọi quyền hành sẽ nằm trong tay hiệu trưởng.

Ông Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội khuyến học Việt Nam cho rằng, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ công chức, viên chức giáo viên sẽ được lựa chọn làm việc tại những trường phù hợp với năng lực bản thân. “Khi các trường không còn công chức, viên chức, chỉ có giáo viên yếu kém mới sợ ký hợp đồng còn giáo viên giỏi sẽ không lo sợ điều này”, ông Dong nhấn mạnh.

Theo ông Đỗ Tùng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ), việc Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện xóa bỏ công chức, viên chức có mặt tiêu cực và tích cực. Mặt tích cực là nhà trường sẽ lựa chọn được giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề. Mặt tiêu cực là những trường tốp trên sẽ có nhiều chính sách tốt để hút giáo viên giỏi về làm việc, còn những trường tốp dưới sẽ gặp khó khăn để thu hút giáo viên giỏi về làm việc tại trường. Thực tế, nhiều trường tốp trên cũng đang có những chính sách để thu hút giáo viên giỏi về làm việc tại trường.

Khó khăn hơn cho vùng khó

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến tới xóa bỏ chế độ công chức, viên chức trong các trường đã nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia giáo dục. Tuy nhiên, để việc này thực hiện có hiệu quả nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, cần phải có chế độ đãi ngộ giáo viên phù hợp.

Tương tự, ông Phạm Tất Dong cũng cho rằng, khi xóa bỏ công chức, viên chức thì hiệu trưởng, hiệu phó cũng chỉ là người làm công ăn lương và thực hiện chế độ hợp đồng giống như giáo viên. “Nhà nước sẽ ký hợp đồng với người có năng lực làm hiệu trưởng trong vòng một thời gian nhất định. Nếu hiệu trưởng đó đáp ứng được yêu cầu, Nhà nước sẽ ký hợp đồng tiếp còn không đạt yêu cầu thì dừng. Như vậy, hiệu trưởng nào cũng phải phấn đấu quản lý tốt, không lạm lạm quyền để bị chấm dứt hợp đồng”, ông Dong nhấn mạnh.

Theo ông Dong, khi xóa bỏ công chức, viên chức giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút giáo viên miền xuôi làm việc tại các trường ở vùng sâu, vùng xa. Do đó, Nhà nước cần có chế độ đãi ngộ hợp lý và có tính hấp dẫn để thu hút giáo viên miền xuôi lên vùng sâu vùng xa làm việc. Những hợp đồng với giáo viên miền xuôi lên vùng sâu vùng xa chỉ kéo dài khoảng 3-4 năm, sau đó, Nhà nước cần tạo điều kiện cho họ chuyển về giảng dạy ở những trường miền xuôi. Ngoài ra, với những giáo viên giỏi, các trường cũng phải có cách để giữ họ ở lại trường làm viêc, đồng thời, tạo điều kiện để những giáo viên này thăng tiến và phát huy năng lực bản thân. Đối với những giáo viên yếu kém, khi hết hợp đồng nhà trường nên cho nghỉ việc để giáo viên có trình độ về làm việc. Khi đó, bản thân giáo viên phải tự vận động, tự trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ để được ký tiếp hợp đồng tiếp. Như vậy, chất lượng đội ngũ giáo viên giảng dạy trong các trường sẽ được nâng lên.

Là người làm công tác quản lý, ông Đỗ Tùng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hùng Vương lại cho rằng, khi không còn công chức viên chức để ràng buộc, những giáo viên giỏi sẽ đi làm việc ở những trường đại học tốp trên. Do đó, Nhà nước cần phải có chế độ chính sách phù hợp với giáo viên giỏi, có kinh nghiệm ở lại làm việc.

Theo ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ TP. Hồ Chí Minh: Để tiến tới giáo viên theo chế độ hợp đồng lao động, trước hết, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa ra quy chuẩn năng lực cơ bản cho giáo viên, như: Chuẩn chuyên môn, chuẩn trình độ ngoại ngữ. Giáo viên nào chưa đạt chuẩn thì sẽ tiếp tục phấn đấu, rèn luyện. Nếu sau một thời gian thử thách, giáo viên nào không đạt được chuẩn đề ra thì có thể nhà trường điều chuyển họ làm việc ở nơi khác. Ông Đỗ Văn Dũng nhận định, việc triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức giáo viên không nên thực hiện đồng loạt ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước và phải thực hiện rất cẩn thận vì sẽ tác động rất lớn đến tâm lý và đời sống của hàng triệu giáo viên. Nếu triển khai thí điểm việc này không tốt, ngành giáo dục sẽ không thu hút được những giáo viên giỏi giảng dạy ở những vùng miền khó khăn.

"Thiệt thòi với giáo viên"

Trước ý kiến nên xóa bỏ công chức, viên chức từ chức thứ trưởng trở xuống đối với ngành giáo dục, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) nêu quan điểm: Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nên thực hiện xóa bỏ công chức, viên chức ở những đối tượng nhất định, không nên thực hiện xóa bỏ công chức viên chức từ thứ trưởng trở xuống. Bởi khi đó, sẽ tạo ra sự xáo trộn trong bộ máy quản lý ngành giáo dục.

Theo PGS Cương, thứ trưởng cũng chỉ là người ký hợp đồng lao động, khi làm việc không hợp với bộ trưởng có thể sẽ bị bộ trưởng cho thôi việc. Hoặc ngược lại, khi thứ trưởng không muốn làm việc cũng sẽ xin chấm dứt hợp đồng để tìm công việc phù hợp. Đối với những chức vụ khác trong ngành giáo dục cũng sẽ xảy ra việc này. Như vậy, bộ máy quản lý của ngành giáo dục sẽ thay đổi “xoành xoạch” và tạo ra nhiều hệ lụy sau đó.

Ngoài ra, hiện nhiều ngành chưa thực hiện xóa bỏ công chức, viên chức, nhưng ngành giáo viên lại thực việc này, đây cũng là thiệt thòi với giáo viên. Bởi có nhiều giáo viên công tác trong ngành giáo dục nhiều năm, khi không còn là công chức viên chức rất có thể họ sẽ bị nghỉ việc. Lúc đó, Nhà nước sẽ rất vất vả để giải quyết việc làm cho những đối tượng này. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện xóa bỏ công chức, viên chức giáo viên cũng cần phải có lộ trình.

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/xoa-bo-cong-chuc-vien-chuc-giao-vien-quyen-hanh-se-tap-trung-vao-hieu-truong.aspx