Xô-Trung cho Việt Nam bao nhiêu máy bay MiG trong chiến tranh?

Theo các tài liệu không chính thức, trong chiến tranh (1961-1975), Liên Xô và Trung Quốc đã viện trợ tổng cộng 503 máy bay tiêm kích MiG cho Việt Nam.

Mặc dù các tài liệu chính thống chưa được công bố, nhưng theo tin tình báo nước ngoài thì trong những năm chiến tranh (1961-1975), Liên Xô đã viện trợ 361 chiếc MiG, Trung Quốc là 142 chiếc, tổng cộng là 503 chiếc máy bay tiêm kích MiG cho Việt Nam.

Mặc dù các tài liệu chính thống chưa được công bố, nhưng theo tin tình báo nước ngoài thì trong những năm chiến tranh (1961-1975), Liên Xô đã viện trợ 361 chiếc MiG, Trung Quốc là 142 chiếc, tổng cộng là 503 chiếc máy bay tiêm kích MiG cho Việt Nam.

Thời kỳ đầu, các máy bay tiêm kích MiG được vận chuyển bằng đường tàu hỏa qua Trung Quốc tới Việt Nam. Nhưng về sau, hầu hết các máy bay MiG (chủ yếu từ MiG-21) được cung cấp bằng đường biển và đường hàng không (bằng máy bay An-12) tới Việt Nam. Ảnh: Các máy bay tiêm kích MiG-21 trong tình trạng tháo rời vừa được đưa tới Việt Nam.

Việc lắp ráp và bay thử đều được phía Liên Xô thực hiện ngay tại các sân bay của Việt Nam trước khi bàn giao chính thức. Qui trình chuyển giao như một hợp đồng mua bán thông thường.

Sau khi nhận MiG-17/17F/17PF, những chiếc tiêm kích MiG-21 đầu tiên về tới Việt Nam là vào cuối năm 1965, đầu 1966. Đáng lưu ý, phía Liên Xô cung cấp những chiếc MiG-21PF (F76) – thuộc hàng hiện đại nhất thời bấy giờ cho KQND Việt Nam. Trong khi phiên bản trước đó là MiG-21F-13 thì mãi 2 năm sau.

Các nguồn tin phương Tây cho biết, phiên bản MiG-21PF được chuyển giao cho Việt Nam được gọi là MiG-21PFL có thay đổi về cảm biến theo yêu cầu riêng của Việt Nam. MiG-21PFL trang bị động cơ R11F2-300, radar RP-21 và mang được 2 tên lửa không đối không RS-2US dẫn đường radar hoặc K-13 hồng ngoại. Tuy nhiên, MiG-21PF không được trang bị pháo đối không do học thuyết quân sự thời bấy giờ hạ thấp vai trò của pháo trong không chiến.

Tháng 7/1967, Liên Xô tiếp tục cung cấp cho KQND Việt Nam các máy bay tiêm kích MiG-21F-13 – phiên bản thế hệ trước của MiG-21PF. So với MiG-21PF, F-13 chỉ có khả năng không chiến ban ngày, chỉ mang được tên lửa không đối không K-13 hoặc rocket. Ngoài ra, nó cũng không có radar điều khiển hỏa lực RP-21 mà chỉ có radar định tầm SRD-5ND.

Tháng 6/1968, Liên Xô tiếp tục cung cấp cho Việt Nam các máy bay tiêm kích MiG-21PFM (F94) - phiên bản hiện đại hóa mạnh của dòng MiG-21PF, trang bị radar cải tiến RP-21M, thay đổi đáng kể hệ thống điện tử. Về vũ khí, MiG OKB thiết kế pháo thuyền GSh-23 để tích hợp gắn ngoài MiG-21PFM phục vụ không chiến tầm cực gần. Ngoài ra, nó cũng có khả năng triển khai tên lửa không đối đất Kh-66 (nhưng loại này không có viện trợ cho Việt Nam).

Tháng 2/1969, Trung Quốc cung cấp số lượng lớn máy bay tiêm kích siêu âm J-6 – chế tạo trên cơ sở mẫu MiG-19 của Liên Xô. Trên cơ sở số J-6, Việt Nam đã thành lập Trung đoàn không quân 925 Lam Sơn (nay đã đổi thành phiên hiệu 940).

Những chiếc J-6 thời bấy giờ đạt được tốc độ siêu âm nhưng lại chỉ được trang bị pháo không đối không. Sau này, KQND Việt Nam có cải tiến lắp tên lửa A72 nhưng các thử nghiệm cho thấy không hiệu quả.

Tháng 12/1971, Liên Xô cung cấp cho Việt Nam các máy bay tiêm kích MiG-21MF (F-96) thuộc hàng hiện đại nhất lúc bấy giờ. Đây cũng là phiên bản MiG-21 cuối cùng Liên Xô cung cấp cho Việt Nam trước khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Phải tới năm 1979, họ mới cung cấp cho ta loại mới hơn nữa – MiG-21bis – thế hệ phát triển cuối cùng của dòng MiG-21 huyền thoại.

So với các thế hệ trước, MiG-21MF hiện đại hơn hẳn với radar RP-22, động cơ phản lực R13-300 lực đẩy cao hơn R-11, tải trọng vũ khí tăng lên 2 tấn với 4 giá treo cho phép triển khai 4-6 tên lửa không đối không. Ngoài K-13, MiG-21MF có thể mang thêm tên lửa không đối không hồng ngoại R-60 có khả năng diệt mục tiêu ở cự ly cực gần.

Minh Pu

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/xo-trung-cho-viet-nam-bao-nhieu-may-bay-mig-trong-chien-tranh-727502.html