Xổ số ở Trung Quốc

Cờ bạc bị cấm ở Trung Quốc, nhưng chuyện đặt cược theo hoạt động sổ xố nhà nước ở Trung Quốc lại rất phổ biến, và ước tính trị giá tới 40 tỷ USD/năm.

Cui Shengjun đang săm soi những kết quả xổ số mới của các đài ở Trung Quốc. “Nó là một dạng xác suất học. Bạn chỉ cần nghiên cứu thật cẩn thận. Bản thân tôi bây giờ đã là một chuyên gia” - Cui nói. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng sự “chuyên nghiệp” của ông Cui rất giới hạn.

Dù Cui “nổ” rằng chưa bao giờ bị mất tiền, nhưng cũng thừa nhận chưa bao giờ thắng lớn. Cũng như hàng triệu người chơi khác ở Trung Quốc, ông Cui hầu như lúc nào cũng dính với các kết quả xổ số. Ngoài ra, ông còn đặt cược kết quả các trận bóng đá. Câu chuyện của ông có vẻ giống các tay cờ bạc khác ở trên thế giới, nhưng có điều khác biệt lớn: cờ bạc là phi pháp ở Trung Quốc.

Xổ số kiến thiết ở Trung Quốc bị chỉ trích làm gia tăng khoảng cách xã hội.

Tuy nhiên, ông Cui không phải là tội phạm, vì ông đặt cược theo các đài xổ số quốc gia. Vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, để tăng thu ngân sách, chính quyền Bắc Kinh đã tạo ra một ngoại lệ với lệnh cấm cờ bạc dưới mọi hình thức vốn được thực thi nghiêm ngặt từ thời Mao Trạch Đông: cho phép xổ số kiến thiết để hỗ trợ phát triển phúc lợi xã hội.

Trải qua hơn 2 thập niên, ngành xổ số Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ, doanh số vé số năm ngoái gấp gần 15.000 lần so với khởi đầu. Giới quan sát tin rằng trong thập niên này, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường xổ số lớn nhất hành tinh. Năm ngoái, doanh số vé số ở Trung Quốc tăng 20%, thu về 40 tỷ USD, chỉ xếp sau Hoa Kỳ với hơn 50 tỷ USD.

“Khi đời sống tốt hơn, người Trung Quốc muốn có thêm niềm vui, có thêm trải nghiệm. Nhu cầu cờ bạc cũng lớn lên theo” - Cheng Haiping, một giáo sư thuộc Trung tâm Nghiên cứu xổ số của Đại học Bắc Kinh, nói.

Dù trước nay vẫn xem cờ bạc là một tệ nạn xã hội, nhưng các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc bị chỉ trích đã làm quá ít để ngăn chặn tệ nạn này, và dường như để mặc nó phát triển cùng hoạt động xổ số. Tại Trung Quốc có 2 hệ thống xổ số nhà nước: xổ số kiến thiết và xổ số thể thao. Doanh số vé số đóng góp chưa tới 1% thu ngân sách, nhưng trên lý thuyết nó rất quan trọng vì được dùng chủ yếu để cải thiện hệ thống an sinh xã hội.

Dù vậy, việc sử dụng ngân sách thu được từ xổ số rất mập mờ, việc công bố thông tin rất giới hạn. Theo chính quyền trung ương, chỉ có 9 trong tổng số 34 chính quyền tỉnh có xổ số công bố việc sử dụng ngân sách xổ số trong năm 2011. Lang Xianping, một nhà kinh tế có tiếng trong nước, năm ngoái đã lên truyền hình kêu gọi không mua vé số nữa. “Chúng ta không biết tiền được sử dụng như thế nào. Chúng ta nên loại trừ tham nhũng trong xổ số” - ông nói trên đài truyền hình Quảng Đông.

Bắc Kinh đang phải đối mặt với nghịch lý xổ số: Trong khi mục đích của xổ số là để giúp đỡ những người nghèo có cuộc sống tốt hơn, nó lại thu hút chủ yếu những người nghèo thuộc các cộng đồng dân cư nghèo nhất nước. Vấn đề này càng trầm trọng hơn bởi khoảng cách giàu nghèo quá lớn ở Trung Quốc.

“Giá nhà ở quá cao khiến nhiều người, đặc biệt người thu nhập thấp và trung bình, cảm thấy sẽ không bao giờ mua được nhà từ đồng lương, nên gửi gắm hy vọng đổi đời vào xổ số” - ông Cheng nói. Niềm tin “trúng số đổi đời” ngày càng được củng cố do giải thưởng ngày một lớn. Năm 2012, một người ở Bắc Kinh đã trúng xổ số lên tới 570 triệu NDT (92 triệu USD).

Theo nghiên cứu vào năm ngoái của Đại học Bắc Kinh, có tới 7 triệu người mua xổ số “có vấn đề” trong tổng số 200 triệu người thường mua vé số ở Trung Quốc. Một trường hợp khá ầm ĩ vào mùa hè năm ngoái: Một người đàn ông ở Tế Nam bị bắt sau khi bán căn hộ, xe hơi và rút 240.000NDT từ 8 ngân hàng để đặt cược vào xổ số.

Các trang web xổ số và ứng dụng điện thoại về xổ số cũng đang mọc lên như nấm sau mưa, lôi kéo ngày càng nhiều người vào ngành cờ bạc này, với độ tuổi trung bình ngày một nhỏ hơn.

Nguồn SGGP: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20130124/xo-so-o-trung-quoc.aspx