Xin nhắc lại rằng “thoát nghèo” không phải là mục đích của người học!

Mục đích của việc học là “Học để biết, học để làm, học để khẳng định bản thân, học để phụng sự Tổ quốc”.

LTS: Với câu hỏi đặt ra trong bài “ Học để làm quan hay học để làm giàu? ”, thầy giáo Nguyễn Phát Tài (hiện làgiảng viên tại trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II) một góc nhìn mới để trả lời câu hỏi này.

Tác giả nhìn nhận mục đích việc học dưới hai góc độ người học (cá nhân) và xã hội (cộng đồng).

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Câu hỏi đặt ra là học để làm gì? tức là chúng ta muốn có một câu trả lời thỏa đáng cho mục đích của việc học, vậy hãy nhìn nhận nó dưới hai góc độ là người học (cá nhân) và xã hội (cộng đồng).

Mục đích của việc học dưới góc độ người học

Mục đích chính của người học là: học để biết, học để làm, học để khẳng định bản thân.

Dù trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào thì mỗi người luôn (phải) học và sự lĩnh hội (tiếp thu) sẽ hình thành dưới dạng lĩnh hội kiến thức hoặc lĩnh hội kỹ năng.

Học tập kiến thức để làm gì? (Ảnh: nld.com.vn).

Những người học tập ở trường, các khóa học, lớp học thường được tiếp thu kiến thức mới đồng thời với đó, họ tham gia lao động và các hoạt động xã hội, tiếp thu các kỹ năng sống, kỹ năng làm việc.

Những người không có cơ hội học kiến thức ở trường sẽ học ở môi trường làm việc, sinh hoạt...

Hai hình thức này tồn tại song trùng trong mỗi người nhưng tùy vào điều kiện, hoàn cảnh mà mỗi người lựa chọn cho mình cách học riêng.

Học để biết:

Nhiều người học chỉ nhằm mục đích “biết”, có nghĩa là họ chỉ mong muốn biết đến một lĩnh vực, kiến thức, phạm trù mới... sau khi đã thấy thỏa mãn và phấn khởi với kiến thức đạt được chứ không ứng dụng nó vào thực tiễn công việc hay cuộc sống.

Nhu cầu học để biết là một nhu cầu chính đáng và đáng được trân trọng.

Những người này luôn học và họ học cả kiến thức và kỹ năng. Chúng ta không lạ khi nghe một ông A, bà B nào đó có đến 2, 3 bằng Đại học mặc dù công việc của họ không yêu cầu những kiến thức đó.

Học để làm:

Ngược lại, có những người lại mong muốn học để biết và ứng dụng kiến thức học được vào thực tiễn công việc.

Nhu cầu học để làm là một nhu cầu bắt buộc đối với mỗi người.

Dù ở mức độ rất khác nhau nhưng mỗi người làm các công việc khác nhau bắt buộc phải biết một lượng kiến thức nhất định với một công việc cụ thể thì mới làm được việc.

Hơn thế nữa, khi anh đã làm được một việc thì với “khát vọng vươn lên” anh lại muốn học để có thể làm những việc to lớn hơn.

Như vậy nhu cầu học để làm là một nhu cầu thiết thực, chính là động lực thúc đẩy phát triển xã hội; nhu cầu này cần được xã hội, cộng đồng quan tâm và hỗ trợ cho những người thực sự có năng lực.

Học để khẳng định bản thân:

Dù với mục đích học để biết hay học để làm thì người học luôn muốn khẳng định giá trị bản thân họ, cách khẳng định bản thân lại phụ thuộc vào nhu cầu học:

Người học để biết khẳng định bản thân bằng độ rộng (số lượng) kiến thức họ có.

Người học để làm khẳng định bản thân bằng độ sâu kiến thức, kỹ năng làm việc trong lĩnh vực họ tham gia.

Tôi nhiều năm dạy học, nhiều lần nghe các bậc phụ huynh đưa con đi thi Đại học bảo rằng: “Cho con cái học Đại học để thoát nghèo”.

Suy nghĩ vậy là hoàn toàn sai, làm sao có thể thoát nghèo khi đi học Đại học?

Đi học Đại học là phải tốn một khoảng thời gian dài 4-5 năm, người đi học hoàn toàn lệ thuộc và người nuôi dưỡng, nghĩa là khi đi học Đại học sẽ làm cho gia đình mất một người (đang trong độ tuổi lao động) lại phải chu cấp kinh phí cho đi học.

Điều đó làm cho gia đình nghèo lại thêm nghèo đi chứ không thoát nghèo.

Nếu không chọn đúng ngành học phù hợp với năng lực bản thân thì tốt nghiệp ra trường sẽ thất nghiệp, hậu quả sẽ còn khó lường hơn (VTV đã từng có chương trình về vấn đề này).

Xin nhắc lại rằng “thoát nghèo” không phải là mục đích của người học!

Mục đích của việc học dưới góc độ xã hội

Học để nâng cao dân trí: Trong một xã hội mà càng nhiều người có kiến thức, trình độ cao thì đồng nghĩa với xã hội có trình độ dân trí cao.

Khả năng phân tích, phán đoán, phản biện xã hội sẽ cao hơn, mọi người hành xử với nhau “có văn hóa” hơn; điều này cũng đồng nghĩa với việc am hiểu và tuân thủ pháp luật sẽ cao và cuộc sống văn minh hơn.

Học để phụng sự Tổ quốc: Người học đem kiến thức, kỹ năng của mình tích lũy được trong quá trình học tập áp dụng vào cuộc sống, vào công việc lao động sản xuất đem lại một nguồn thu nhập trang trải cuộc sống cùng một phần đóng góp vào ngân sách quốc gia.

Những người có kiến thức chuyên sâu về một chuyên ngành sẽ điều hành, quản lý các tổ chức kinh tế, xã hội... làm cho đất nước ta ngày càng phát triển, xã hội văn minh.

Như vậy mục đích của việc học là “Học để biết, học để làm, học để khẳng định bản thân, học để phụng sự Tổ quốc”.

Ngoài những mục đích chính đáng đó thì những ai có mưu cầu khác: Học để giàu, học để làm quan hay học để thoát nghèo đều không phù hợp.

Nguyễn Phát Tài

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/xin-nhac-lai-rang-thoat-ngheo-khong-phai-la-muc-dich-cua-nguoi-hoc-post171200.gd