Xin đừng ngụy biện vì Nhân dân!

“Do khối lượng công việc quá lớn nên tôi phải bổ nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo. Tôi làm việc đó không vì cá nhân, không vụ lợi mà vì cán bộ, vì Nhân dân”, ông Lưu Văn Bản, nguyên Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương, hiện là Bí thư Thị ủy Chí Linh, tỉnh Hải Dương, giải thích về việc ông đã ký nhiều quyết định bổ nhiệm khiến Sở này có tới 43 lãnh đạo trên tổng số 45 biên chế (đến thời điểm hiện nay Sở này có 44 lãnh đạo, 2 nhân viên) như vậy đấy.

Ảnh từ internet.

Hóa ra “vì nhân dân” bây giờ có thêm nhiều khái niệm mới, nội hàm mới.

Ông Huỳnh Phong Tranh, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ ký 35 quyết định bổ nhiệm cán bộ chỉ trong 6 tháng cuối nhiệm kỳ. Người tiền nhiệm của ông là ông Trần Văn Truyền cũng trong 6 tháng trước khi về hưu đã ký tới 60 quyết định bổ nhiệm. Những “chuyến tàu vét vào lúc hoàng hôn nhiệm kỳ” hóa ra đều “vì nhân dân”?

Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa chỉ la cán bộ cấp tỉnh. Vậy mà trung bình cứ 6 tháng, ông Hoàng Sỹ Bình khi còn đương chức đã ký quyết định tuyển dụng cho 300 người. Trong nhiệm kỳ 2011-2015, ông Bình tuyển dụng tới hơn 3.000 người. Họ đều “vì nhân dân” nếu “bắt chước” cách lập luận của nguyên Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương.

Nhận diện về những “căn bệnh” trong tư duy lãnh đạo quản lý, một nhà nghiên cứu đã liệt kê nhiều “bệnh”, trong đó có “tư duy nhiệm kỳ”.

Căn bệnh này rất phổ biến với những người mới đảm nhiệm cương vị lãnh đạo, quản lý nhưng điều hành theo kiểu “tư duy nhiệm kỳ”. Do muốn có cái mới để khẳng định mình, cho nên đề ra các chương trình, kế hoạch một cách nóng vội mà thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng tính hợp lý của các chương trình, kế hoạch trước đó. Vì vậy, những cái mới tạo ra nhiều khi duy ý chí. Trên thực tế, đó là tạo ra “cái khác”, “cái lạ” chứ không phải “cái mới”. Bởi vì, cái mới phải là cái kế thừa hạt nhân hợp lý của “cái cũ” theo tinh thần phủ định biện chứng, nó phải có tính tiến bộ, ưu việt và hợp quy luật. Cái “khác”, cái “lạ” được tạo ra không những không có giá trị thay đổi bản chất vấn đề mà chỉ tạo ra hình thức để lòe thiên hạ, trong khi vẫn hao tốn nhiều nguồn lực. Đây còn là biểu hiện của căn bệnh hình thức, sáo rỗng gắn liền với “tư duy nhiệm kỳ”.

“Tư duy nhiệm kỳ” này dẫu sao vẫn có thể được “châm chước” nhưng vì “tư duy nhiệm kỳ” dẫn đến “hoàng hôn nhiệm kỳ” thì cực kỳ tai hại.

Trong điều kiện kinh tế thị trường, “căn bệnh” trên còn có nguyên nhân từ chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm. Chính chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm đã bị một bộ phận cán bộ lợi dụng “công quyền” để đạt “lợi tư”. Những người này miệng nói vì dân, nhưng hành vi thì lại theo dẫn dắt của lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Nó làm biến dạng các nguyên tắc phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng.

Xin đừng “ngụy biện” và “đánh tráo khái niệm”!

Từ Tâm

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-tri/xin-dung-nguy-bien-vi-nhan-dan-303034.html