Xích Tùng Yên Tử 700 tuổi bị bão quật đổ

Sự kiện cây Xích Tùng cổ thụ hơn 700 tuổi ở Yên Tử (Quảng Ninh) bị đổ sau cơn bão số 1 vừa qua một lần nữa lại gióng lên hồi chuông báo động về việc bảo tồn các cây Xích Tùng cổ tại Rừng quốc gia Yên Tử.

Cây Xích Tùng bị đổ có đường kính thân cây hơn 70cm, cao gần 30m, nằm ở vị trí đường mòn cũ từ chùa Hoa Yên sang Am Dược.

Nguyên nhân, theo ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, thì do tuổi thọ cây cao, quá trình phát triển bị sâu bệnh, cây bị thoái hóa, rễ không còn vững chắc, vị trí cây đứng trên nền đất yếu, trong trận bão gặp gió xoáy lốc khiến cây bị quật đổ.

Di tích Yên Tử có đường Tùng nổi tiếng, với 69 cây Tùng cổ thụ xếp hàng thẳng tắp hai bên đường đi, tán cây rộng che phủ hầu khắp, khiến đường hành hương luôn râm mát; rễ cây trồi lên trên mặt đất, vươn theo các bậc đá tạo vẻ uy nghi, cổ kính và trầm mặc của núi rừng Yên Tử.

Theo nghiên cứu và thống kê của các nhà khoa học, rừng Yên Tử có 830 loài thực vật trong đó có 38 loài đã được ghi vào sách đỏ Việt Nam là Ngành dương sỉ, Ngành hạt trần và Ngành hạt kín. Các loại cây như: Gụ, Lau, Vàng Kiêng, Thông Tra, Thông Tra lá ngắn, Tùng La Hán, Giổi Xanh, Giổi Đỏ, Sến Mật, Đinh Thối, Vù Hương... Trong đó có loài cây đã gắn bó với Đức Vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Thiền Phái Trúc Lâm hiện còn sót lại ở Rừng quốc gia Yên Tử là loài Xích Tùng cổ, với 237 cây còn lại có tuổi đời hơn 700 năm, phân bố tập trung ở khu vực Đường Tùng, Am Dược, Chùa Hoa Yên lên Thác Vàng, Thác Bạc; khu vực Chùa Vân Tiêu, Bảo Sái, Hòn Ngọc, Tháp Tổ...

5 năm trở lại đây, 18 cây Xích Tùng đã chết; 132 cây có thân, gốc bị mục rỗng một phần, cụt ngọn, thân nghiêng, sâu bệnh hại nặng,... Riêng đường Tùng cổ thụ có 69 cây thì 7 cây đã chết đứng, 51 cây bị mục rỗng thân, gốc và sâu bệnh hại. Bên cạnh đó thì còn có nhiều nguy cơ xâm hại rất lớn khác cho cây Tùng như bệnh xỉ mủ làm chết hoại dần phần thân gỗ, bệnh khô cành, thân do nấm.

Dự án chăm sóc, bảo tồn các cây Xích Tùng cổ tại Rừng quốc gia Yên Tử đã được TP. Uông Bí lập từ năm 2015, hiện vẫn đang chờ các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong khi đó, nhiều “lão” Tùng bị bệnh, vẫn đang được “điều trị” bằng các liệu pháp thủ công, như: Đẽo gọt phần mối mọt ở thân cây, sau đó phun thuốc chống mối mọt, rồi sơn phủ lớp chống thấm. Thậm chí có những hốc bị mục ruỗng lớn, nhân viên Ban quản lý đắp tạm xi măng; gia cố các trụ bê tông chống đỡ cây...

Theo ông Lê Tiến Dũng, đây là những biện pháp tạm thời xuất phát từ thực tế cây Tùng cổ của Yên Tử bị xâm hại nghiêm trọng, khả năng tái sinh kém và có nguy cơ tuyệt chủng. “Việc lập dự án đầu tư chăm sóc, bảo tồn các loài cây Xích Tùng cổ tại Rừng quốc gia Yên Tử là rất cấp bách, nhằm nghiên cứu tìm ra những giải pháp hợp lý để bảo vệ, chăm sóc và kéo dài tuổi thọ của các loài cây Xích Tùng cổ hiện còn sót lại tại Rừng quốc gia Yên Tử, cũng như là bảo tồn một phần văn hóa lịch sử dân tộc” – ông Dũng nói.

Vẫn biết ngay cả những “lão” Tùng cổ thụ ở Rừng quốc gia Yên Tử cũng không tránh khỏi quy luật “Sinh – Lão – Bệnh - Tử”, nhưng hơn bao giờ hết, chứng tích lịch sử đã gắn bó với Đức Vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Thiền Phái Trúc Lâm này cần được quan tâm đúng mức.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/xich-tung-yen-tu-700-tuoi-bi-bao-quat-do-697772.html