Xét xử 'đại án' tại Ngân hàng Xây dựng: Ông Phạm Công Danh làm nhiều nhân viên vướng vòng lao lý

Nhiều nhân viên, tài xế, bảo vệ… được Chủ tịch Ngân hàng Xây Dựng (VNCB) thuê làm giám đốc, sau đó yêu cầu ký các hợp đồng khống nhằm rút hàng nghìn tỷ đồng.

Phạm Công Danh đã “hô biến” nhân viên, bảo vệ, tài xế... trở thành tổng giám đốc, giám đốc các công ty, sau đó, yêu cầu họ ký các hợp đồng khống nhằm rút nhiều nghìn tỉ đồng. Nguồn ảnh: Báo Thanh Niên.

Trong “đại án” Phạm Công Danh, ngoài cựu chủ tịch VNCB bị cáo buộc chủ mưu, còn có hơn 30 bị cáo và hàng chục người liên quan bị triệu tập đến tòa.

Để thực hiện việc vay lấy tiền sử dụng, Phạm Công Danh đã lập 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh. Trong số các công ty “ma” mà Danh lập nên, nhiều tổng giám đốc, giám đốc là nhân viên bảo vệ, nhân viên rửa xe... Với vai trò đồng phạm, các bị cáo đang đối diện với mức án cao nhất lên đến 20 năm tù.

Nhân viên bán xe “bỗng dưng” thành tổng giám đốc

Trong phiên xét xử ngày 26.7, bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân (37 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV TM&DV Hương Việt) đã bình tĩnh xin hội đồng xét xử cho phép được giải thích rõ hơn vì các phiên tòa trước mất bình tĩnh, khóc lóc.

Khi được hỏi, tại sao lại làm Giám đốc công ty Hương Việt, bị cáo khai là chỉ đứng tên, bị cáo không biết gì hết, thời gian đầu không được nhận gì hết. Mãi sau mới được nhận lương giám đốc 5 triệu đồng/ tháng và được hứa sau này nhận 10 triệu đồng/ tháng.

Khi được hỏi về trình độ, học vấn, bị cáo Vân khai học hết lớp 12, không học đại học. Trước khi làm giám đốc, bị cáo Vân là nhân viên bán xe cho Tập đoàn Thiên Thanh với mức lương 7 triệu đồng/ tháng. Sau đó, thông qua anh trai tên Trung, ông Danh nhờ Vân đứng tên làm Tổng Giám đốc Công ty Hương Việt.

Bị cáo nói không biết làm, “nhưng anh Trung nói không phải điều hành gì cả, chỉ đưa chứng minh nhân dân cho anh ấy đi đăng ký là được. Lúc làm Tổng giám đốc Công ty Hương Việt, bị cáo cũng chỉ là nhân viên bán xe. Bị cáo cũng không phải là nhân viên kế toán mà được các anh trên tập đoàn tự ghi vào giấy tờ như vậy”, Vân nức nở khai.

Liên quan đến việc ký giấy tờ, bị cáo Vân khai: Chị Thúy phòng hành chính có gọi bị cáo lên ký giấy tờ. Trong đó có tờ ủy nhiệm chi của HDBank. Lúc đó, bị cáo có hỏi chị Thúy sao ký nhiều chữ ký thế thì được chị Thúy giải thích là cứ ký đi vì chữ ký nào không giống chữ ký chủ tài khoản thì để bộ phận hành chính ra làm việc với ngân hàng.

Bị cáo Vân cũng khai rằng, trong số giấy tờ bị cáo ký có giấy tờ không ghi gì cả, bỏ trống thông tin, thậm chí không có ngày tháng. Lúc đó, bị cáo hỏi chị Thúy là sao không điền ngày tháng gì cả thì chị Thúy bảo bị cáo cứ về đi, các chị ấy sẽ xử lý điền sau. Mãi sau, khi cơ quan điều tra hỏi, bị cáo mới biết việc ký khống này là để ông Danh rút tiền. Bị cáo vốn dĩ tin tưởng mới ký, bị cáo bị lừa.

“Bị cáo nghĩ anh Danh làm ăn như vậy nên tin tưởng. Có nhiều lần, tập đoàn gọi lên ký vào những tờ giấy trắng, có khi kêu lên Ngân hàng Xây dựng ký vào biên bản thanh lý nhưng bị cáo không ký, nói chỉ được thuê, không biết gì cả nên sau đó bỏ về. Bị cáo cũng không hề lấy một đồng nào cả”, Vân lại khóc khiến tòa nhiều lần phải trấn an.

Từ tài xế lên làm tổng giám đốc

Cũng liên quan đến việc giúp ông Phạm Công Danh rút hàng trăm tỉ đồng của VNCB, ông Trần Văn Bình (50 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Trung Dung) bị cáo buộc về hành vi ký khống hợp đồng thuê mặt bằng với VNCB giúp Danh rút hơn 400 tỉ đồng.

Ông này vốn là tài xế cho các sếp Tập đoàn Thiên Thanh từ năm 2009 và mới học hết lớp 7; sau này được ông Danh và lãnh đạo tập đoàn nhờ làm Giám đốc Công ty Trung Dung. Bị cáo được nhận mức lương phụ cấp 5 triệu đồng/ tháng.

Khi được hỏi, ai chỉ đạo bị cáo làm giám đốc, bị cáo Bình khai rằng bị cáo là nhân viên hành chính Tập đoàn Thiên Thanh. Ông Bình cũng nói là không biết vì sao được đưa vào chức vụ lớn, không biết những hoạt động cơ bản của công ty mà chỉ làm theo chỉ đạo của sếp. Đến cuối năm 2012, ông mới hay mình làm tới chức tổng giám đốc.

“Bị cáo cũng không biết việc thuê mặt bằng mà bộ phận kế toán tài chính đưa cho ký. Bị cáo chỉ nhận và ký theo cấp trên, cũng không biết trong tài khoản của công ty do mình đứng tên có hơn 403 tỉ đồng và sau này còn 201 tỉ đồng”, ông này khai và khẳng định không biết mình đã ký vào các lệnh chuyển tiền và hợp đồng nào.

Bảo vệ… cũng làm giám đốc

Cần tiền để sử dụng song biết với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCB sẽ không thể vay trực tiếp tại ngân hàng này theo quy định của pháp luật, vì vậy, khoảng đầu tháng 5.2012, Phạm Công Danh chỉ đạo thành lập Công ty Thành Trí và mời Nguyễn Tấn Thành làm giám đốc (lúc này Thành đang làm nhân viên bảo vệ cho Tập đoàn Thiên Thanh).

Công ty này sau khi được thành lập không hề có hoạt động kinh doanh gì nhưng Thành vẫn được ông Danh trả lương thêm 5 triệu đồng/tháng, sau này tăng lên 10 triệu đồng.

Sau khi trở thành giám đốc, dưới sự sắp đặt của Danh, Thành đã ký hồ sơ vay 330 tỉ đồng của VNCB, gây thiệt hại cho VNCB hơn 152 tỉ đồng. Số tiền này sau đó được giải ngân, sử dụng như thế nào Thành không hề hay biết.

Tương tự, Nguyễn Hữu Duyên, vào năm 2014 đang là nhân viên rửa xe của Tập đoàn Thiên Thanh, cũng được Danh cho làm Giám đốc Công ty Quang Đại. Duyên đã ký hồ sơ vay 380 tỉ đồng để Phạm Công Danh sử dụng, gây thiệt hại cho VNCB hơn 11 tỉ đồng.

Ngoài ra, cáo trạng thể hiện, nhiều cặp vợ chồng nhận đứng tên làm giám đốc cho các công ty của ông Danh để nhận lương 5-10 triệu đồng mỗi tháng. Họ chủ yếu được chỉ định ký vào các hồ sơ mua bán và hợp đồng tín dụng khống để vay tiền của VNCB sau đó chuyển cho ông Danh.

Theo kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an và cáo trạng của Viện KSND Tối cao, Phạm Công Danh và đồng phạm đã thực hiện 10 phi vụ rút tiền khỏi VNCB, tổng cộng 18.687 tỉ đồng, trong đó gây thiệt hại cho ngân hàng 15.260 tỉ đồng.

Tuy nhiên, các hành vi và khoản tiền liên quan đến 3 ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank được tách ra vụ án khác, nên trong đại án lần này chỉ xét xử liên quan đến 7 phi vụ rút tiền tổng cộng hơn 12.000 tỉ đồng và gây thiệt hại cho VNCB 9.133 tỉ đồng.

Họ bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Trong vụ án lần này, ngoài các bị cáo nguyên là chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc VNCB, còn có hơn 20 vị mang chức danh tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc. Trong tổng số 36 bị cáo thì có đến 20 người đang công tác tại VNCB trước khi bị khởi tố.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/xet-xu-dai-an-tai-ngan-hang-xay-dung-ong-pham-cong-danh-lam-nhieu-nhan-vien-vuong-vong-lao-ly-577154.bld