Xét lại việc dựng tượng Xuân Diệu: Hai chiều ý kiến

Theo PGS.TS Ngô Văn Giá, đề xuất dựng vườn tượng để tôn vinh 5 văn nhân đã khuất được chọn lọc kỹ càng và dựa trên 4 tiêu chí.

Xung quanh thông tin nhà phê bình Văn Chinh đề nghị thay 2 bức tượng của Giáo sư Đặng Thai Mai và nhà thơ Xuân Diệu, PGS.TS Ngô Văn Giá, Trưởng khoa Viết văn - Báo chí, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội đã có thư trả lời lại lời đề nghị đó.

Theo PGS.TS Ngô Văn Giá, ý tưởng xây dựng cụm tượng trong khuôn viên Khoa Viết văn- Báo chí (Trường Viết văn Nguyễn Du trước đây) là của PGS.TS Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa.

Còn việc đề xuất 5 văn nhân đã khuất: Đặng Thai Mai, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Tô Hoài là ý tưởng của ông.

"Tôi không có quyền quyết định bất cứ một cái gì trong câu chuyện này. Cấp cao nhất phải là trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Tôi chỉ là người tham mưu, bàn bạc đôi phần. Nếu không có sự ủng hộ của Hiệu trưởng Nguyễn Văn Cương và Ban giám hiệu, sẽ không thể thực hiện được ý tưởng đẹp đẽ này", PGS.TS Ngô Văn Giá nói.

“Thi sĩ tình yêu” Xuân Diệu. Ảnh: TPO

Cũng theo ông trưởng khoa Viết văn- Báo chí, tiêu chí để lựa chọn 5 văn nhân gồm 4 điểm: Thứ nhất, ưu tiên cho những người thầy đã trực tiếp giảng dạy ở trường Viết văn Nguyễn Du, và là các nhà văn (chứ không phải thuộc các lĩnh vực khác).

Thứ hai, ưu tiên cho những nhà văn đã khuất núi.

Thứ ba, ưu tiên cho những nhà văn có bài giảng in trong cuốn "Công việc viết văn", Trường Viết văn Nguyễn Du xuất bản năm 1985.

Thứ tư, phải là nhà văn có uy tín, đóng góp vào nền văn học của đất nước.

"Như vậy, chúng tôi không (dám) lựa chọn theo tiêu chí phân chia cao, thấp (về tầm vóc sự nghiệp của họ). Đây là vấn đề cực kỳ phức tạp, và có thể trở thành đề tài cho những bàn cãi bất tận, không có hồi kết", ông Giá viết.

Cũng xung quanh những ý kiến cho rằng Xuân Diệu, Đặng Thai Mai chưa xứng đáng góp mặt trong vườn tượng, theo thông tin trên báo Tiền Phong, PGS.TS Nguyễn Văn Cương lập luận: “Các bạn muốn nói gì thì nói, nhưng 5 gương mặt được chúng tôi lựa chọn đều là những nhà văn lớn có đóng góp cho văn học nước nhà.

Như Xuân Diệu đã được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về văn học nghệ thuật (1996). Các vị ấy hầu hết đều đã được đặt tên đường, tên phố: đường Đặng Thai Mai, đường Xuân Diệu, phố Nguyễn Tuân, phố Nguyễn Đình Thi”.

Trước đó, trên trang cá nhân của nhà phê bình Văn Chinh đã đăng 1 bức thư ngỏ gửi PGS.TS Ngô Văn Giá với nội dung nên thay thế 2 bức tượng Đặng Thai Mai và tượng Xuân Diệu.

Nhà phê bình Văn Chinh đã chứng minh hai nhà văn, hai người thầy đó chưa xứng đáng. Cụ thể, trường hợp Xuân Diệu, ông nói rõ: “Tôi không thích thơ ông này” nhưng “không dám bàn về sự nghiệp của Xuân Diệu”. Tuy vậy, nhà phê bình Văn Chinh lại khẳng định:

“Nhưng hai cua giảng tại Trường viết văn Nguyễn Du, khóa I và II thì tôi xin nói thẳng, đó là một sự thất bại dai dẳng. Nội dung bài giảng, dưới tên chung là cách học thơ Pháp của Xuân Diệu, là ông nói khoảng 20 trường hợp ông đã dịch thơ Pháp ra thơ mình. (Nếu buộc phải bảo vệ luận điểm này, tôi sẽ tìm lại vở ghi) Học xong Xuân Diệu, tôi chốt hạ trong vở ghi: Ăn chênh lệch ngoại ngữ".

Về GS Đặng Thai Mai, ông Chinh cho rằng: "Đóng góp lớn nhất của ông là hai tác phẩm viết và in năm 1944 là “Văn học khái luận” và “Lỗ Tấn”. Ông có viết cuốn nữa, “Chủ nghĩa nhân văn thời kỳ văn hóa Phục Hưng”. Ông viết cuốn này ở rừng (1949) rất hiếm tài liệu tham khảo; giá trị không cao so với “Sống” của GS Tạ Quang Bửu (1948) viết về gen di truyền trong cùng hoàn cảnh tại chiến khu Việt Bắc".

Cuối cùng, ông Văn Chính đề nghị thay hai bức tượng Đặng Thai Mai và Xuân Diệu bằng một loạt gợi ý khác: GS Hồ Ngọc Đại, GS Trần Quốc Vượng, GS Phan Huy Lê…

Thu Hoài

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/xet-lai-viec-dung-tuong-xuan-dieu-hai-chieu-y-kien-3335856/