Xếp hàng mua… thực phẩm sạch như thời bao cấp

Ngày hai buổi, trên con phố nhỏ Vỵ Hoàng, TP Nam Định, xuất hiện cảnh dòng người ùn ùn xếp hàng mua… thực phẩm sạch. Những hình ảnh cứ ngỡ chỉ có trong thời bao cấp.

Người mua tấp nập tại cửa hàng rau sạch Sunday

Nhân viên tại cửa hàng số 42 Vỵ Hoàng nhiều khi ba đầu sáu tay, trán lấm tấm mồ hôi vẫn phải cẩn thận cân đo đong đếm, nở nụ cười với khách hàng.

Cửa hàng kể trên mang một cái tên Tây “Sunday”, nơi cung ứng thực phẩm sạch của Cty TNHH MTV thương mại và dịch vụ Tuệ Hương, trụ sở TP Nam Định. Nếu như không có tấm biển hiệu to đùng, hẳn ai cũng thắc mắc, buôn bán gì mà tấp nập vậy.

Anh Trần Đức Tuệ, GĐ Cty chia sẻ, anh vốn có nghề kỹ thuật điện tử, cần câu cơm chính của gia đình. Chưa một ngày anh nghĩ, có thêm nghề “tay trái” mà nay trở thành “tay phải”.

Năm 2013, qua báo đài, anh Tuệ biết có nhiều mô hình SX rau sạch ở nhiều địa phương đã thành công, đem lại thu nhập cao. Một mình rong ruổi qua nhiều cánh đồng ở huyện Ý Yên, cuối cùng anh cũng quyết định dừng chân ở mảnh đất trù phú của xã Yên Dương. Yên Dương cách TP Nam Định 22 cây số, nhưng anh Tuệ vẫn lựa chọn bởi vì, người dân nơi đây vốn có kinh nghiệm trồng rau màu.

Với phương pháp liên kết SX với gần 30 hộ dân trên diện tích 3,2ha, tháng 2/2014, anh Tuệ phối hợp HTX DVNN Yên Dương bắt tay làm rau sạch. Việc cần làm đầu tiên là lấy mẫu đất, nước đi xét nghiệm.

Người dân xã Yên Dương thu hoạch dưa chuột

Rất may, biết được ý đồ của anh, tỉnh đã giới thiệu các chuyên gia của tổ chức JICA Nhật Bản để về giúp sức. 9 ngày liền, anh Tuệ cùng các chuyên gia của JICA phải vật lộn trên cánh đồng Yên Dương trong thời tiết lạnh thấu xương.

Dù đã có kinh nghiệm, gần 30 hộ dân tại đây vẫn phải trải qua các lớp tập huấn SX rau sạch theo công nghệ VietGAP của Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản và Trung tâm Khuyến nông tỉnh.

“Ban đầu người dân khá e dè với mô hình, chỉ 10 hộ đăng ký tham gia. Giờ thì ổn định ở con số 28 hộ. Có những hộ xin vào rồi xin ra, sau một thời gian thấy mọi người làm ăn hiệu quả lại xin vào”, anh Tuệ cho biết.

Tháng 10/2014, những sản phẩm rau sạch mang thương hiệu Tuệ Hương lần đầu tiên có mặt trên thị trường. Khó khăn vẫn chưa chấm dứt, người tiêu dùng còn khá lúng túng với rau VietGAP, một phần vì giá cao hơn, mẫu mã lại không bắt mắt.

Vừa mở cửa hàng bày bán, anh Tuệ cho nhân viên bê từng túi rau, củ, quả đã đóng gói tới từng hộ dân, thậm chí là cơ quan công sở mời dùng miễn phí. Nhiều người ngạc nhiên, tặc lưỡi, thôi dùng thử một lần xem sao. Suốt 6 tháng trời như vậy, tháng cao điểm, anh Tuệ bị lỗ tới 30 triệu đồng.

Cánh đồng trồng bắp cải theo quy trình VietGAP tại xã Yên Dương

“Làm rau sạch không thể ăn xổi ở thì được. Người ta chưa quen thì mình đến tận nơi giới thiệu, mời họ dùng thử. Nếu thực sự sản phẩm của mình chất lượng tốt, họ sẽ tự tìm tới mình”.

Đúng như anh Tuệ nói, chỉ sau 6 tháng, cửa hàng của Cty tại 42 Vỵ Hoàng khách kéo tới nườm nượp. Cửa hàng 6h30 mở cửa nhưng có người tới từ 6h, xếp hàng để được mua sớm còn đi làm cho kịp giờ.

Theo anh Tuệ, cuối tuần hay những dịp mưa bão vừa qua, cửa hàng luôn đông đến nghẹt thở. Các nhân viên phải hoạt động hết công suất, toát mồ hôi hột mới bán kịp hàng cho khách. Ước tính, riêng cửa hàng này mỗi tháng bán ra trên dưới 20 tấn rau củ quả các loại.

Ngoài rau sạch, anh Tuệ còn ký hợp đồng liên kết SX cùng HTX DVNN Hiển Khánh (huyện Vụ Bản) để cung cấp thịt gà, lợn sạch.

Anh Tuệ cho biết, việc chăn nuôi ở HTX này luôn được giám sát chặt chẽ. Thậm chí, Cty còn buộc đơn vị cung ứng TĂCN cho các hộ dân ký cam kết đảm bảo chất lượng, nói không với chất cấm. Trong từng giai đoạn sinh trưởng, vật nuôi ăn loại cám gì, ăn bao nhiều đều được giám sát, tuân thủ quy trình. Mỗi ngày, cửa hàng này bán được khoảng 50kg thịt gà, 1 - 2 con lợn.

Mỗi tháng, cửa hàng này bán ra trên dưới 20 tấn rau củ quả các loại

Anh Tuệ chia sẻ, trong thời gian tới, nếu mở rộng được thị trường, sẽ tiếp tục mở rộng diện tích SX. Hiện đã có một vài doanh nghiệp tại Hà Nội, Quảng Ninh ngỏ ý được phân phối nhãn hiệu thực phẩm Tuệ Hương ra thị trường. Anh Tuệ khẳng định, thị hiếu cũng như nhu cầu về thực phẩm sạch của người tiêu dùng ngày một lớn. Đó không chỉ là tin vui cho nhà SX, mà còn là một tín hiệu vui cho sức khỏe của cộng đồng. Người dân ngày càng quan tâm tới sức khỏe của bản thân và gia đình nhiều hơn.

Trước mắt, anh đang bắt đầu ký hợp đồng liên kết nuôi cá sạch với HTX Hiển Khánh, diện tích khoảng 3.000m2. Dự kiến, những mẻ cá sạch đầu tiên được xuất bán ra thị trường vào cuối năm nay.

Chia sẻ về những thành công bước đầu, anh Tuệ khẳng định, bí quyết là sự sòng phẳng, đi đôi với chất lượng thực sự. Tất cả sản phẩm nhập về đều với giá cố định từ đầu vụ, người dân yên tâm SX. Với người tiêu dùng, bảng giá cũng luôn được niêm yết công khai, giá cả bình dân, không tăng giá bán… Về chất lượng, theo anh Tuệ, các cơ quan liên ngành tỉnh thường xuyên kiểm tra đột xuất, đây là việc đáng hoan nghênh. Cty sẵn sàng hợp tác, chứng minh sản phẩm đưa ra thị trường là sạch.

Không chỉ bán hàng, các nhân viên tại đây luôn tất bật với những vị khách đặt hàng qua điện thoại. Đúng giờ, đúng địa chỉ, các nhân viên lại phóng xe máy vèo vèo giao hàng tận nơi cho khách rồi thu tiền.

Theo anh Tuệ, tỷ lệ khách gọi đặt hàng qua điện thoại ngày một nhiều. Với những đơn hàng trên 100 nghìn, khách hàng sẽ được giao hàng miễn phí.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/xep-hang-mua-thuc-pham-sach-nhu-thoi-bao-cap-post172933.html