Xem xét áp tử hình tội phạm về thực phẩm bẩn

Các ĐBQH kiến nghị, tội phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm rất nghiêm trọng vì vậy phải nâng lên mức án chung thân, thậm chí tử hình cho tội này.

Nâng mức xử phạt lên tử hình

Sáng 21/10, các ĐBQH đã thảo luận tại tổ về các nội dung sửa đổi, bổ một số điều của Bộ luật Hình sự 2015.

Phát biểu tại buổi họp, ĐBQH Thái Trường Giang (Cà Mau) nhắc đến các quy định về tội vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo ông Giang, hiện trong luật, các tội vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm không có hình phạt chung thân và tử hình, chỉ có mức xử phạt cao nhất là 20 năm, cho nên không thỏa đáng.

ĐBQH Thái Trường Giang đề xuất nâng mức xử phạt với các tội vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Báo Giao thông

Vị ĐBQH cho rằng để tạo ra tính răn đe, chúng ta phải nâng mức xử phạt lên.

“Tội phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm rất nghiêm trọng, họ bất chấp tất cả gây hại cho sức khỏe của con người, mà sức khỏe con người thì không thể mua được bằng tiền. Vì thế, phải xem xét nâng lên mức án chung thân cho tội này, thậm chí phải xem xét đến cả mức án cao nhất là tử hình", ĐB Giang đề xuất.

Xử phạt không dễ

Đây không phải là lần đầu tiên câu chuyện nâng mức xử phạt đối với tội phạm thực phẩm bẩn độc được nhắc đến.

Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, đã sửa đổi những quy định bất cập về “Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Theo điều 137, chỉ cần có hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm thối, tẩm hóa chất độc hại thì đều có thể bị xử lý hình sự mà không cần phải có hậu quả xảy ra như chết người hay gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Mức hình phạt cao nhất của tội danh này là 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Sau khi các quy định trên được đưa ra, người dân cũng như dư luận hết sức ủng hộ việc xử lý mạnh mẽ với các tội phạm về thực phẩm bẩn độc.

“Xử lý hình sự là đúng. Đây là hành vi tội ác, trái đạo đức và gây hệ quả nghiêm trọng cho xã hội”, chị Mai Hương chia sẻ.

Tuy nhiên nhìn nhận vấn đề này, LS Phạm Công Hùng, Nguyên thẩm phán TAND Tối cao cho rằng dù Bộ luật Hình sự 2015 quy định chi tiết hơn nhưng cũng rất khó xử lý người phạm tội.

Theo ông Hùng, hành vi khách quan của tội phạm phải thỏa mãn các dấu hiệu người phạm tội biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm; dư lượng vượt ngưỡng cho phép; thực phẩm không bảo đảm quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm và ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ... thì mới bị xử lý hình sự.

“Tôi nghĩ rằng với những người buôn bán nhỏ lẻ, các cửa hàng đại lý, thậm chí các siêu thị lớn mà đặt ra tiêu chí buộc họ phải biết các thông số trên là một điều rất xa rời thực tiễn.

Hơn nữa quy định mức thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng mới bị xử lý hình sự là bỏ lọt một số lượng người phạm tội rất lớn khi họ là những người buôn bán nhỏ lẻ và cơ quan điều tra cũng khó lượng hóa số tiền thu lợi bất chính của họ”, LS Hùng nói.

Bên cạnh đó, ông Hùng cũng nhận định, các khung hình phạt của Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 rất nhẹ, chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của tội danh này. Vì thế việc trừng trị những người đã có hành vi phạm tội chưa đủ sức răn đe.

“Mức phạt cần nâng lên cao nhất tới tù chung thân, tử hình mới hợp lý chứ không chỉ tối đa 20 năm như trong quy định mới này”, ông Hùng đề xuất.

Bổ sung thêm về vấn đề này, LS Nguyễn Tiến Trung (Đoàn LS Hà Nội) cho rằng cái khó ở đây chính là xác định tính nhân - quả.

“Nghĩa là, cứ cho đã làm rõ được chuyện nuôi trồng sai quy trình, sử dụng chất cấm có thể tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng, nhưng phải làm rõ mức tổn hại là bao nhiêu, lượng chất cấm hàm lượng ra sao, rồi sử dụng trong bao lâu, lượng như nào thì bị ảnh hưởng”, LS Trung khẳng định.

Hoàng Hải

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/xem-xet-ap-tu-hinh-toi-pham-ve-thuc-pham-ban-3321343/