Xem 'Những kẻ khát tình' - bất ngờ hay thất vọng?

Khi màn ảnh hiện lên chữ 'Hết' thì không ít người tỏ ý tiếc nuối vì cái kết hơi đột ngột của 'Những kẻ khát tình' (The Beguiled) của nữ đạo diễn Sofia Coppola - người vừa giành Giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Cannes lần thứ 70. Đúng là Cannes thường gây tranh cãi khi trao giải cho một ai đó, khi ban giám khảo luôn có quan điểm và thị hiếu thẩm mỹ rất riêng, không hề phụ thuộc vào công chúng.

“Những kẻ khát tình” (ảnh do CGV cung cấp).

Ai khát tình?

Dĩ nhiên đầu tiên đó là cô hiệu trưởng, cô giáo và năm nữ sinh sống trong ngôi trường tư thục. Không chỉ cô hiệu trưởng Martha (minh tinh Nicole Kidman thủ vai) mà các cô nữ sinh trẻ cũng khát khao một người đàn ông trong bối cảnh nội chiến khốc liệt hai miền Nam - Bắc nước Mỹ. Và tiếp theo kẻ khát tình phải là anh lính đào ngũ - hạ sĩ John McBurney, do nam diễn viên điển trai Colin Farrell - từng lọt top “50 người đàn ông điển trai nhất thế giới”, thủ vai.

Những ánh mắt khao khát, những bờ vai trần quyến rũ, nụ cười mê hoặc và những câu thoại “thẳng tưng” của những người phụ nữ bộc lộ ý thích chàng trai lạ tự dưng xuất hiện dưới bộ dạng của một kẻ bị thương cần cứu giúp. Thói quen luôn nhìn ra thế giới bên ngoài bằng chiếc ống nhòm của cô gái trẻ xinh đẹp lẳng lơ nhất trường, hay sự háo hức khi đi hái nấm trong rừng của tiểu thư trẻ nhất trong hội… cho thấy một sự kìm nén từ bên trong, chỉ đợi hoàn cảnh phát tác là bùng nổ.

Góc nhìn từ phái yếu của nữ đạo diễn Sofia Coppola tạo ra một bộ phim về nội tâm và sự phức tạp của phụ nữ, được tiết chế ở mức cao. Ngay cả cô hiệu trưởng Martha (Nicole Kidman) dù luôn giữ thái độ dè chừng và biết rõ mối nguy của anh lính, nhưng chỉ suýt chút nữa cũng buông mình vượt qua ranh giới mong manh của sự ứng xử thân mật. Bởi trong nội tâm phức tạp của cô vừa muốn xích lại gần chàng trai, lại vừa muốn đẩy anh ra xa.

Cảm xúc của cô giáo Edwina Morrow do mỹ nữ Kirsten Dunst thể hiện cũng rất tinh tế với những biến chuyển trên gương mặt, hình thể… Một sự kín đáo có phần xa cách bên ngoài, nhưng bên trong là cả một giấc mơ và khao khát tình cảm.

So với những phim trước đó mà Sofia Coppola làm đạo diễn trước đây như “Lạc lối ở Tokyo” hay “Ở một nơi nào đó” (Somewhere), thì “Những kẻ khát tình” giống ở chỗ có tiết tấu khá chậm trong hầu hết thời gian của phim, nhưng lại khác khi đoạn cuối được đẩy nhanh bất ngờ và gây sự bàng hoàng, có phần hụt hẫng cho khán giả.

Bi kịch

Nếu xem qua trailer, khán giả dễ hình dung ra kịch bản anh chàng hạ sĩ kia được “trời cho” vào thế giới đàn bà sẽ nhanh chóng bộc lộ chất “Sở Khanh” và lọt vào vòng xoáy trả thù vì sự ghen tuông của đàn bà.

Nhưng xem phim, lại không phải thế.

Anh chàng hạ sĩ John McBurney với bản chất đa tình, “rót mật”, buông lời ong bướm với Edwina Morrow - cô gái kín đáo nhất trường, luôn mang vẻ u sầu (do Kirsten Dunst đóng) và khiến cô tin rằng mình là người tình lý tưởng. Vốn xuất thân từ một gia đình giàu có ở chốn thành thị xa hoa, nay vì chiến tranh mà lưu lạc tại ngôi trường nữ sinh này, sự khao khát được rời khỏi nơi đây như ngọn lửa được thổi bùng lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết khi John McBurney vẽ lên viễn cảnh hai người cùng dắt tay nhau bỏ trốn đến miền đất xa xôi…

Đêm cuối trước khi phải đi theo yêu cầu của cô hiệu trưởng, McBurney mò vào phòng của Alicia (do “công chúa tóc vàng” Elle Fanning thủ vai) một cô gái lẳng lơ (đã hôn anh từ trước) thì bị “người tình lý tưởng” phát hiện ra. Và trong cuộc cãi lộn với McBurney, người tình đẩy anh ta ngã lăn lông lốc xuống cầu thang… Và kịch tính xảy ra khi cô hiệu trưởng quyết định chỉ còn cách cưa chân anh đi để cứu anh…

Sự giận dữ đến điên khùng của anh hạ sĩ khi tỉnh dậy và biết mình thành người một chân là điều dễ lý giải. Bởi lẽ không ai biết giải pháp cô hiệu trưởng đưa ra có phải là hợp lý không.

McBurney trút hết tội cho những người phụ nữ khát tình cũng là sự logic tâm lý. Và cảm giác có lỗi của cô gái u sầu Edwina Morrow muốn làm một điều gì đó để an ủi anh để rồi… cô đã làm được…

Nhưng tất cả đã muộn và hậu quả nghiệt ngã mà anh lính phải gánh chịu, có chút gì đó nhẫn tâm của những người đàn bà, dù ở thế dựa lưng vào tường. Bên cạnh mối lo về sự điên khùng của một anh lính trong tay có vũ khí thì chính sự ghen tuông đã đẩy những người đàn bà cấu kết thành một khối (trừ Edwina Morrow) để tìm cách hạ gục McBurney. Một quyết định phải được đưa ra nhanh chóng và như thường lệ, cô hiệu trưởng vẫn luôn là người cứng rắn nhất. Điều nghiệt ngã còn ở chỗ chính cô gái nhỏ hái nấm cứu McBurney cuối cùng cũng là người đưa anh đến gặp tử thần…

Cái kết phim có cảm giác hơi gấp gáp, thậm chí một số khán giả Việt nghi ngờ phim bị cắt, song thực sự “Những kẻ khát tình” còn nguyên 94 phút.

Hiểu sâu và khai thác thế giới nội tâm của phụ nữ, Sophia Coppola còn gây ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả ở phục trang và bối cảnh được thiết kế cầu kỳ để dựng lại không khí chân thực thời nội chiến nước Mỹ xa xưa. Những khuôn hình đẹp như tranh, trong ánh sáng kỳ ảo, tái hiện trọn vẹn không khí cổ điển, trầm mặc của ngôi trường nữ giữa thế kỷ XIX tách biệt nơi hậu phương.

“Những kẻ khát tình” đòi hỏi người xem phải xem chậm, nhấm nháp để tận hưởng hương vị của nó.

VIỆT VĂN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/xem-nhung-ke-khat-tinh-bat-ngo-hay-that-vong-685706.bld