Xem lại hiệu quả tuyến BRT số 1 của TPHCM: Phải đặt sự tiện lợi cho hành khách lên hàng đầu

Tuyến BRT số 1 của TPHCM đang trong giai đoạn thiết kế chi tiết nên có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm từ sự thất bại của BRT tại Hà Nội, từ đó có sự tính toán kỹ và điều chỉnh cho phù hợp. Hơn lúc nào hết, đây chính là lúc TPHCM cần tổ chức lấy ý kiến phản biện của các nhà khoa học và xã hội về tính hiệu quả của tuyến BRT số 1 cũng như những tuyến BRT khác sắp triển khai, để các tuyến BRT khi đưa vào khai thác hiệu quả, tránh lãng phí.

Mô hình tuyến BRT số 1 của TPHCM trên trục Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ. Ảnh: BQL

Lắng nghe những ý kiến trái chiều

Theo TS. Phạm Sanh, hiện nay có 2 xu hướng đầu tư xây dựng BRT, theo mô hình Nam Mỹ hoặc Châu Âu. Đối với mô hình Nam Mỹ, thường họ đầu tư BRT ở những thành phố mới còn ít dân cư, ở những trục đường vành đai, làm đường riêng, xe riêng nên kinh phí đầu tư khá tốn kém. Còn Châu Âu đa phần là đô thị cũ, hệ thống xe buýt có sẵn nên thực chất họ đầu tư BRT theo kiểu nâng cao chất lượng xe buýt lên bằng cách cho xe buýt thường chạy vào các làn đường ưu tiên, đường dành riêng và triển khai thêm các dịch vụ nhằm phục vụ tốt nhất cho hành khách.

“TPHCM là một đô thị rất đông dân cư, kể cả trục đường Võ Văn Kiệt hiện mật độ giao thông cũng khá lớn do vậy việc triển khai BRT số 1 trên trục này cũng phải nghiên cứu, tính toán cho phù hợp. Cần đánh giá lại những ưu, khuyết điểm của dự án, từ đó giúp thành phố có quyết định lựa chọn đầu tư BRT sao cho hiệu quả” - TS Phạm Sanh chia sẻ.

Cũng theo TS Phạm Sanh, nhiều cán bộ ngành giao thông vận tải TPHCM đã đi tham quan, học hỏi mô hình BRT các nước, tuy nhiên đừng nghĩ mình đi rồi là về mình làm được như họ. Mỗi một đô thị có những đặc thù giao thông riêng, vậy tốt nhất thành phố nên tổ chức lấy ý kiến phản biện của các nhà khoa học và xã hội. Trong đó, đặc biệt chú ý lắng nghe những ý kiến nói ngược lại, vì đây là ý kiến phản biện giúp thành phố nghiên cứu, lường trước được những bất cập, vướng mắc có thể xảy ra cho các tuyến BRT của thành phố.

Hiện Sở GTVT đã chọn một chiều đường Điện Biên Phủ (từ vòng xoay Lý Thái Tổ đến chân cầu Sài Gòn) và đường Võ Thị Sáu (từ vòng xoay Dân Chủ đến Đinh Tiên Hoàng), để triển khai thí điểm làn đường dành riêng cho buýt. Dự kiến các làn đường dành riêng cho xe buýt sẽ thực hiện trong tháng 6 hoặc tháng 7.2017. Về cơ bản làn đường dành riêng cho xe buýt cũng giống như BRT, do vậy ngành giao thông phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện sớm những làn đường ưu tiên này cho xe buýt, vì đây sẽ là một phép thử cần thiết cho thành phố có những đánh giá thực tế, rút kinh nghiệm cho tuyến BRT số 1 triển khai hiệu quả.

Có thể đầu tư theo từng giai đoạn

Một số ý kiến cho rằng, thay vì đầu tư BRT số 1 dài 23km như hiện nay, thành phố nên xem xét chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu tập trung làm trên trục đường Võ Văn Kiệt, bởi hiện nay trục này mật độ dân cư tương đối đông, nhu cầu đi lại cao.

“Đặc biệt, để dự án phát huy hiệu quả, thành phố có thể xem xét điều chỉnh nối dài điểm đầu tuyến đến bến xe Miền Tây mới (huyện Bình Chánh) đang triển khai xây dựng dự kiến hoàn thành năm 2019, thay cho điểm đầu tuyến hiện nay từ vòng xoay An Lạc. Bến xe Miền Tây mới là đầu nối trung chuyển khách từ TPHCM đi các tỉnh ĐBSCL, và ngược lại, với số lượng khách phục vụ dự kiến khoảng 50.000 lượt khách/ngày. Nếu khai thác được nhu cầu của hành khách đối với bến xe này sẽ giúp BRT số 1 đạt hiệu quả cao hơn” - kỹ sư giao thông Nguyễn Văn Minh đề xuất.

Hơn nữa, trong giai đoạn 1 triển khai có thể tính toán cho cả những xe buýt thường đi cùng làn BRT số 1, nhằm hạn chế lãng phí. Sau giai đoạn đầu nếu khai thác đạt hiệu quả, sẽ xem xét triển khai giai đoạn hai trên trục đường Mai Chí Thọ vào thời điểm thích hợp khi nhu cầu khách thật sự tăng cao. Đặc biệt, một số chuyên gia khác cũng lưu ý rằng, trong quá trình xây dựng tuyến BRT phải làm sao đặt được sự tiện lợi cho hành khách lên hàng đầu, chẳng hạn như: Tính đến việc kết nối đồng bộ tuyến BRT với các tuyến xe buýt truyền thống, metro trong tương lai cũng như các tiện ích cần thiết khác (như nhà chờ, vị trí lên xuống…). Bởi một khi tuyến BRT thật sự tiện lợi cho hành khách thì sẽ thu hút rất đông người dân đi lại, bằng không dễ xảy ra tình trạng đầu tư hàng nghìn tỉ đồng nhưng chỉ lèo tèo hành khách.

Dự kiến tuyến BRT số 1 TPHCM dài 23km, đi dọc đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, qua các quận - huyện Bình Chánh, Bình Tân, 6, 5, 1, và 2. Tổng vốn đầu tư ước tính 137,45 triệu USD. Dự án đang trong giai đoạn thiết kế chi tiết.

HUYỀN TRÂN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/xem-lai-hieu-qua-tuyen-brt-so-1-cua-tphcm-phai-dat-su-tien-loi-cho-hanh-khach-len-hang-dau-667183.bld