Xem 'I, Daniel Blake': Không khóc nhưng xúc động

Món ngon thường hay dành cuối, nhưng lần này món ngon nhất lại cho ăn đầu tiên. Bộ phim hay nhất của Haniff 2016 “Tôi, Daniel Blake” của đạo diễn Ken Loach (Anh) giành Cành cọ vàng tại Cannes 2016 được chọn chiếu làm phim mở màn, đã chinh phục hoàn toàn khán giả.

“Tôi, Daniel Blake” (I, Daniel Blake) là một tác phẩm hiện thực, phản ánh mặt trái của xã hội Anh. Daniel Blake - một người thợ mộc bị bệnh tim, xin trợ cấp thất nghiệp và bị cản trở bởi thủ tục hành chính máy móc và quan liêu quen nhìn mọi thứ là mã vạch, số hóa… Con người bao năm trời sống chăm chỉ, chịu khó nuôi người vợ bệnh tật (đến chết), cả đời không đứng gần máy tính bao giờ, nay phải làm quen với kỹ năng máy tính, điền mẫu đơn từ để xin số tiền trợ cấp ít ỏi sống qua ngày.

Nhưng Daniel Blake dù ở bất cứ thời điểm nào cùng cực nhất cũng vẫn giữ nguyên lòng tự trọng của mình… Một bà mẹ đơn thân phải nuôi hai đứa con, không đủ ăn đủ sống phải bán thân. Cuộc gặp gỡ của hai con người đó là số phận, và cái kết bi kịch làm khán giả xót xa, đau đớn. Một bộ phim có cách kể thực như không thể thực hơn, nhưng đó là tác phẩm của một đạo diễn bậc thầy với những chi tiết cực kỳ đắt giá, và sự tiết chế, vừa đủ của những biểu hiện cảm xúc, những lời thoại. Sự tổn thương khi trái tim như bị vỡ vụn của Daniel khi biết sự thật về Katie phải làm gái để nuôi con... Hình ảnh ông làm những con cá gỗ để cho cô bé gái cảm giác như đang bơi giữa đại dương thật đẹp và lãng mạn.

Trong hoàn cảnh nào dù đen tối nhất, sự lạc quan về những điểm sáng của con người - tính nhân văn vẫn rất mạnh mẽ. Một xã hội hiện đại đến đâu thì tình thương, sự chia sẻ của con người càng quan trọng. Xúc động, có chỗ rưng rưng nhưng không khóc bởi lẽ cái kết đã được đoán trước, nó là bi kịch, là hiện thực trần trụi, khắc nghiệt.

VIỆT VĂN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/xem-i-daniel-blake-khong-khoc-nhung-xuc-dong-607311.bld