Xem dân khắp nơi săn lộc trời mùa mưa lũ

Khi nước lũ đổ về hạ du cũng là lúc người dân ở khắp nơi kéo nhau ra sông, ra đồng, lên rừng... đi săn 'lộc trời'. Trắng đêm, có người kiếm được tiền triệu.

Săn rắn mối. Đến hẹn lại lên, đến mùa nước lũ về, khắp cả một vùng rộng lớn ở Đồng Tháp Mười đều ngập trong mênh mông nước. Lúc này, những người dân lại đi săn rắn mối. Sở dĩ chỉ có mùa lũ mới đi săn lộc trời này bởi rắn mối tránh nước và leo lên những nơi cao ráo như ngọn cây.

Thợ săn rắn mối sẽ bắt đầu công việc vào lúc đêm xuống, họ chuẩn bị một chiếc giỏ đan chuyên nghiệp như những chiếc lừ để úp rắn mối vào và không ra được. Công việc tuy không phải di chuyển nhiều nhưng cũng rất cực nhọc. Rắn mối sau khi săn sẽ được bán với giá dao động từ 120 - 160.000đ/kg tùy loại to nhỏ.

Rươi. Cứ vào khoảng 3 tháng cuối năm, những người dân ven sông Lam, sông La tại Nghệ An, Hà Tĩnh lại đổ ra đồng vớt rươi, dù cho con nước lũ dâng lên ngập đến. Người dân phải tận dụng lúc này bởi rươi dưới đất sẽ chui lên và họ sẽ giăng cọc, giăng lưới ngăn chúng trôi ra sông.

Rươi đã thành đặc sản nên thương lái chờ sẵn trên bờ để thu mua với giá khá cao, khoảng 400-500.000đ/kg. Giá khá cao nên có đêm người dân vớt được cả chục kg, kiếm cả chục triệu đồng.

Săn cá lệch. Khi lũ về, nhân dân đang lo lắng đi tránh bão tránh lũ thì dân ở vùng Cửa Đại (Hội An - Quảng Nam) vội vàng rủ nhau neo thuyền dưới những chân cầu để săn loài đặc sản nổi tiếng là cá lệch. Loài cá này ngon và lạ bởi nó được chế biến thành nhiều món, từ canh chua đến kho mặn, món nào ăn cũng đậm đà đưa cơm.

Họ chỉ cần bộ dụng cụ rất đơn giản như đèn soi và một chiếc vợt dài. Loại đặc sản này chỉ đến khi nước lũ dâng lên và cuốn theo đất đỏ từ đầu nguồn trôi về hạ du, lúc này cá sẽ nổi trên mặt nước và thợ săn mới dùng vợt để vớt. Lệch có hình dạng giống như lươn và chúng rất nhanh, ngoi lên giây lát lại lặn xuống. Ngày xưa, cá lệch được bán với giá khoảng 40-50.000 đồng/kg nhưng từ khi nó thành đặc sản của Hội An thì giá đội lên đến 280.000 đồng/kg.

Măng đắng. Cuối tháng 7, đầu tháng 8 khi những trận mưa thay thế nắng nóng kéo dài cũng là lúc bà con miền Tây xứ Nghệ lại đi săn loại rau đặc sản của rừng. Loại rau này đặc biệt ngon khi nó được hái trước khi có tiếng sấm, vì thế bà con sẽ phải đi khi trời bắt đầu xập xệ đổ cơn mưa.

Nghe qua đi hái rau rừng thì dễ dàng nhưng với loại măng đắng này có nhiều loại và loại càng phải đào sâu càng ngon và có giá trị, đó là những loại nằm sâu trong lòng đất. Với loại măng này bán với giá 10-15.000đ/kg. Người dân miền núi vùng này gọi nó là “lộc trời mưa” bởi nó cũng là nguồn thu nhập ngoài nương rẫy.

Săn lộc “cậu ông trời”. Cứ sau mỗi trận mưa, những người dân ở Tân Kỳ, Nghệ An lại đi săn cóc. Sau mưa, cóc bắt đầu đi ăn, rạng sáng chúng bắt đầu về tổ trú ngụ. Và đây chính là thời điểm để thợ săn đi lùng bắt. Cóc được săn về không chỉ để phục vụ bữa ăn của gia đình mà còn để bán lại cho những người có nhu cầu.

Việc lùng bắt những con cóc rất đơn giản, chỉ cần một chiếc đèn pin và thùng đựng là có thể hành nghề. Khi cóc được bán làm ruốc chưa phổ biến thì nó chỉ có giá khoảng 18.000 đồng/kg, nhưng đến nay khi cóc khan hiếm thì giá của nó đội lên gấp đôi gấp 3, trung bình là 35.000 - 50.000 đồng/kg.

Túc Mạch (Tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/xem-dan-khap-noi-san-loc-troi-mua-mua-lu-777546.html