Xé rào, phá biển cảnh báo lao xuống Hồ Đá 'tử thần'

Thêm một vụ chết đuối thương tâm tại Hồ Đá (phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) vào chiều 31.10. Nam nạn nhân mới 19 tuổi. Vụ việc một lần nữa cảnh báo về sự nguy hiểm của hồ 'tử thần'.

Nhiều người vẫn bất chấp sự nguy hiểm của Hồ Đá mặc dũ đã có nhiều cảnh báo

Hồ Đá tại Khu đô thị Đại học (làng Đại học Quốc gia TP.HCM) thuộc phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương là địa danh quen thuộc với nhiều bạn trẻ, sinh viên và nhiếp ảnh gia. Cảnh đẹp, không khí mát mẻ, Hồ Đá là nơi lý tưởng cho các bạn trẻ tụ tập và hẹn hò.

Một địa điểm đẹp

Hồ Đá vốn nổi tiếng với cảnh đẹp và không khí mát mẻ

Nạn nhân mới nhất của Hồ Đá là một thanh niên mới 19 tuổi

Hồ Đá thực chất là một điểm khai thác đá, sau thời gian, nước mưa và các mạch nước ngầm trong lòng đất chảy ra tạo thành hồ.

Khu vực Hồ Đá bao gồm 4 hồ nước sâu hơn 60 mét, nước trong hồ quanh năm lạnh. Những vách đá cao bao quanh hồ, những mỏm đá nhô lởm chởm... là "minh chứng" cho việc khai thác đá nào.

Xé rào lao vào... hồ "tử thần"

Vẻ đẹp của Hồ Đá đúng là khó cưỡng, nhưng chứa trong lòng hồ là sự nguy hiểm chết người. Nơi đây từng xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, mà nạn nhân chủ yếu là sinh viên và công nhân.

Theo người dân địa phương, dòng chảy ở hồ là nước đứng, rất sâu và lạnh, cho dù người biết bơi cũng rất dễ đuối nước. Thêm vào đó, hồ hình thành từ núi đá nên hai bên bờ chỉ toàn đá sỏi, ngay cả chơi đùa ven bờ cũng không an toàn, sơ ý một chút là rơi ngay xuống lòng hồ.

[VIDEO] Hồ Đá - Hồ tử thần: Xé rào, phá biển cảnh báo để... vào tìm cái chết - Thực hiện: Mĩ Dân - Phạm Khánh

Cơ quan chức năng đã dựng rào xung quanh hồ, cắm bảng khuyến cáo. Tuy nhiên, bất chấp các cảnh báo nguy hiểm, nhiều bạn trẻ vẫn chọn đây là địa điểm vui chơi. Thậm chí người ta còn xé một số đoạn rào chắn để... tiện vào hồ.

Ông Trần Thanh An, Giám đốc Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết: “Về phía Khu đô thị Đại học quốc gia, họ đã làm hàng rào cảnh báo, cắm biển cấm... Tuy nhiên, một số nơi rào bị phá bỏ, một số biển báo bị nhổ đi...”.

Một vài biển báo "may mắn" vẫn nguyên vẹn nhưng thường bị... ngó lơ

Một số biển cảnh báo "có mặt cho vui"

Hàng rào quanh hồ bị phá làm lối ra vào hồ

Ông Trịnh Việt Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý và Phát triển Đô thị Đại học Quốc gia, cho biết: “Quanh hồ luôn có các chốt tuần tra và gác thay phiên nhau túc trực nhắc nhở xử lý những trường hợp vào quá gần hồ. Trong những năm trở lại đây nhận thức của sinh viên đã được nâng cao rất nhiều”.

"Vào câu cá chứ đâu có... đi bơi"

Tuy nhiên, cũng theo ông Thắng: “Vấn đề hiện tại là thái độ thiếu trách nhiệm của người dân sinh sống quanh khu vực này. Nhiều người dân vào đó câu cá, hóng mát, họ xé hàng rào đi vào. Dù lực lượng chức năng đã mời xử lý nhiều vụ việc cố tình vào quá gần hồ nhưng vẫn không tác dụng. Họ cứ lấy lý do 'tôi vào câu cá chứ đâu có bơi'".

Ông Thắng cho biết hiện trung tâm đang tiến hành xây dựng thêm một hàng rào mới kiên cố hơn, bao luôn hàng rào cũ, dự kiến đến tháng 1.2017 sẽ hoàn thành. Sắp tới, trung tâm sẽ thắt chặt hơn quản lý an ninh quanh khu vực hồ.

Thản nhiên vượt rào vào câu cá

Sau cái chết thương tâm của nam thanh niên 19 tuổi hôm 31.10, bà Nguyễn Thị Thanh (ngụ thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho biết: “Tôi sống ở đây cũng gần 10 năm rồi. Lâu lâu lại chứng kiến một tai nạn đuối nước ở Hồ Đá. Hồ này ngày trước khai thác đá nên rất sâu. Tôi cứ dặn đi dặn lại cháu gái tôi là đừng bao giờ đến gần hồ”.

Là nhân chứng của vụ tai nạn ấy, chị Nhung, một người dân địa phương, cho biết: “Tôi nhất quyết không cho ông nhà tôi đi câu ở Hồ Đá nữa. Ổng hay cùng mấy ông bạn ra đó câu, tôi cản hoài mà đâu có được”.

Mĩ Dân - Phạm Khánh- Tú Hảo

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/xe-rao-pha-bien-canh-bao-lao-xuong-ho-da-tu-than-761692.html