Xe quá đát vẫn nhan nhản trên đường phố

(CATP) Mỗi sáng sớm, QL13 và đường Đinh Bộ Lĩnh trở thành “đường đua” của xe lôi tự chế chở rau củ quả, thực phẩm từ chợ đầu mối Thủ Đức về các quận, huyện của thành phố. Nhất là lúc trời tảng sáng, đường còn vắng, các loại xe này thường kéo hết ga cho kịp buổi chợ, khiến người đi đường luôn phải... né.

Xe lam cũ nát chở quá tải, khói mù mịt XE TỰ CHẾ TUNG HOÀNH Có mặt tại chợ đầu mối, chúng tôi ghi nhận cả trăm xe lôi tự chế đậu chen chúc ở mọi ngóc ngách và là phương tiện chính được các tiểu thương thuê chở hàng hóa về các điểm tiêu thụ. Những chiếc xe tự chế như thế này, về điều kiện đảm bảo lưu thông đã không an toàn bởi máy móc cũ kỹ, chắp vá, lại kéo thêm rơ moóc, luôn chở quá tải, hệ thống phanh hãm không đảm bảo, là hiểm họa trên đường phố. Thực tế đã có nhiều vụ va chạm, TNGT do những chiếc xe lôi tự chế gây ra. Ba gác máy từng một thời làm mưa làm gió trên đường phố, nay đã bị cấm vì không bảo đảm an toàn giao thông. Tuy nhiên tại TPHCM ba gác vẫn tung hoành khắp nơi. Các bác tài xe ba gác đa phần chở hàng cồng kềnh, thường là sắt thép, vật liệu xây dựng, đồ gia dụng..., hàng hóa chất lên dài gấp mấy lần thân xe và cao hơn cả đầu người điều khiển, che khuất tầm nhìn, thế nhưng bác tài cứ phóng ào ào. Hiện nay ba gác máy vẫn được sử dụng phổ biến trên nhiều tuyến đường thuộc các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Bình, Q9, Q12..., tập trung đông ở các cửa ngõ ra vào TP. Nhiều bác tài ngang nhiên chở hàng vào trung tâm TP, nhất là vào ban đêm. Để thoát ra khỏi nội thành trước 6 giờ sáng, nhiều bác tài bặm môi kéo hết ga, trở thành nỗi ám ảnh với người đi đường. Một loại phương tiện cũng là hiểm họa đối với giao thông và làm mất mỹ quan đô thị, có mặt trên từng cây số, là các loại xe máy cũ nát, được các đại lý gas, nước đá, bia - nước giải khát... mua về cho nhân viên đi giao hàng. Những chiếc xe phế liệu này luôn thiếu các thiết bị an toàn, tan hoang như cục sắt gỉ, thậm chí không biển số, giấy tờ..., vì ham rẻ (giá khoảng 500.000 đồng đến một triệu đồng/cái) nên chủ các cơ sở mua cả lố. Điều đáng nói là những chiếc xe này thuộc loại “cùi không sợ lở”, chẳng sợ phạt, không lo mất, luôn chở quá tải, chạy ẩu để kịp giao hàng theo yêu cầu. Thế nên nó luôn gây ra các vụ va quẹt, TNGT mà phần thua thiệt toàn thuộc về người đi đường, bởi lẽ chẳng ai nỡ bắt tội người làm thuê, còn nếu mời công an đến thì họ sẵn sàng bỏ phương tiện vì tiền đóng phạt có khi còn nhiều hơn tiền mua xe khác. Xe lam từng một thời huy hoàng, là phương tiện vận tải bình dân rất hiệu quả trong quá khứ. Đến nay những chiếc xe này đã lên hàng lão, cũ nát và lạc hậu, tiếng nổ ồn ào, xả khói mù mịt, dáng vẻ xấu xí, hỏng hóc bất tử. Đáng lẽ những chiếc xe này đã bị cấm lưu thông từ lâu, nhưng hiện nay các hợp tác xã thu gom rác ở ngoại thành vẫn dùng để chuyên chở rác, phế liệu, gây không ít phiền hà cho người tham gia giao thông. CẦN SỚM TỊCH THU Hiện nay chỉ một số ít xe ba gác có giấy đăng ký được phép chạy ở những khu vực nhất định (chủ yếu là ngoại thành), còn đại đa số không đăng ký, đăng kiểm. Khi lưu thông trên đường, nếu bị tạm giữ, tịch thu xe, người vi phạm mang giấy tờ về liên hệ với chính quyền địa phương để được nhận hỗ trợ theo quy định của UBND TP. Xe lôi, xe chở nước đá, phần lớn là xe trôi nổi, không giấy đăng ký, lực lượng chức năng rất khó làm mạnh tay vì phần lớn chủ sử dụng là lao động nghèo, thu nhập thấp. Những chiếc xe cũ kỹ tham gia giao thông lợi bất cập hại, không chỉ gây nguy hiểm trên đường phố mà còn mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường. Các quy định của pháp luật đã có, chỉ cần thực thi nghiêm minh sẽ sớm loại bỏ được các loại xe này ra khỏi đường phố. Đối với những “cục sắt gỉ” của các đại lý bia - nước giải khát, gas... CSGT cần tập trung xử lý mạnh để chủ đại lý trang bị xe mới, đảm bảo an toàn cho xã hội. Xe lam cũng phải thu hồi ngay, bởi số lượng không còn bao nhiêu; thực tế cho thấy vì quá cũ kỹ lại không biết bị tịch thu lúc nào nên chủ sở hữu không sửa chữa, ngày càng nguy hiểm cho giao thông. Đối với xe ba gác, xe lôi, nghiêm cấm chạy ở khu vực trung tâm, ai vi phạm phải xử lý nghiêm, tịch thu ngay. Các ngành, các cấp cần đẩy nhanh việc hỗ trợ các hộ gia đình sống phụ thuộc vào các phương tiện này theo chủ trương chung, để họ sớm chuyển đổi ngành nghề, ổn định cuộc sống. Có như vậy mới sớm loại bỏ được các loại phương tiện cũ nát, thiếu an toàn ra khỏi đường phố.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=707&id=163656&mod=detnews&p=