Xe phân khối lớn đi cao tốc: Lo vì đường kỳ lạ

Cao tốc Việt Nam vẫn còn hạn chế, ý thức người tham gia giao thông chưa tốt nên cần phải xây dựng lộ trình với các xe máy phân khối lớn.

Cao tốc Việt Nam chưa đồng bộ

Ngày 9/11, tại Hội thảo lấy ý kiến sửa Luật Giao thông đường bộ do Tổng cục Đường bộ tổ chức, một số đại biểu đề nghị cơ quan chức năng cân nhắc việc cho xe máy phân khối lớn lưu thông vào cao tốc.

Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGTQG cho biết, Việt Nam hiện có hơn 20.000 xe trên 175cc do đó cần xây dựng lộ trình cho loại xe phân khối lớn đi vào đường cao tốc. Để đảm bảo an toàn, ông Minh cho rằng chỉ nên cấp phép với loại xe 1.100cc trở lên. Trong khi đó có ý kiến đề nghị đưa loại xe từ 400cc trở lên lưu thông trên cao tốc.

Cao tốc Việt Nam vẫn còn hạn chế, ý thức người tham gia giao thông chưa tốt nên cần phải xây dựng lộ trình với các xe máy phân khối lớn. Ảnh minh họa

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, ông Tô Văn Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Đà Nẵng cho rằng việc các xe máy phân khối lớn tham gia giao thông trên các tuyến đường cao tốc đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, ở Việt Nam việc này cần hết sức thận trọng và nên có lộ trình thích hợp.

Theo ông Hiệp, các nước ở châu Âu hay nhiều nước phát triển ở châu Á, hệ thống đường cao tốc rất phát triển. Các đường cao tốc thường kéo dài liền mạch với 6-10 làn xe, có nơi nhiều hơn. Trong khi của Việt Nam loại hình này mới được triển khai một thời gian ngắn, cao tốc nhỏ lẻ với 3-4 làn đường, thậm chí có đoạn chỉ có 2 làn đường.

“Dĩ nhiên chúng ta không kìm hãm sự phát triển, không bàn lùi chuyện này. Nhưng nếu cơ sở hạ tầng của Việt Nam chưa đủ điều kiện mà cố làm thì tôi cho rằng hơi vội vàng. Cái gì cũng cần phải có lộ trình phù hợp, không thể nóng vội áp dụng.

Các quốc gia khác xe máy phân khối lớn rất ít, đường cao tốc nhiều làn xe, phân biệt xe tải, ô tô, xe máy rất rõ ràng.

Trong khi đường cao tốc của Việt Nam tôi thấy rất kỳ lạ, chưa đảm bảo được các yếu tố an toàn. Nó chỉ có một đoạn ngắn. Chúng ta đang đi 1 đoạn với tốc độ cao thì đột ngột chuyển qua đường khác. Có những đường rẽ hiện nay tín hiệu giao thông chưa được tốt lắm. Cho nên với tư cách người làm trong ngành vận tải, tôi cũng cảm thấy lo lắng vấn đề an toàn khi để những xe máy phân khối lớn đi vào đường cao tốc”, ông Hiệp lo ngại.

Ngoài ra, ông Hiệp cho rằng, với những vấn đề liên quan đến an toàn tính mạng của con người, cần phải lấy ý kiến rộng rãi quần chúng nhân dân cũng như các nhà chuyên môn, nhà khoa học để xây dựng lộ trình phù hợp.

“Tôi nghĩ cần phải có những văn bản Luật quy định cụ thể, chi tiết để người tham gia chấp hành đúng các quy định. Đặc biệt, việc này liên quan đến an toàn quốc gia nên cần công khai thảo luận, lấy ý kiến của người dân và các nhà chuyên môn. Thực hiện càng nhiều càng tốt”, ông Hiệp khẳng định.

Ý thức người Việt chưa tốt

Cùng đưa ra nhận định, ông Trần Quốc Toản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Tĩnh nhấn mạnh đến vấn đề ý thức tham gia giao thông của người Việt Nam.

Theo ông Toản, các nước châu Âu như: Đức, Mỹ hay Pháp việc đưa xe máy phân khối lớn lưu thông trên đường cao tốc đã được triển khai từ lâu. Bên cạnh việc hệ thống giao thông hiện đại thì ý thức tham gia giao thông của họ cũng rất tốt.

So sánh với Việt Nam, ông Toản lo ngại, việc để nhiều xe máy phân khối lớn cùng đi trên đường cao tốc có thể dẫn đến những tai nạn giao thông đáng tiếc, gây ra những hậu quả nghiêm trọng khó lường trưcc được.

“Ý thức tham gia giao thông của người lái xe ở Việt Nam còn thấp. Trên đường cao tốc cũng thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông. Thậm chí có nhiều người còn lợi dụng việc này để tiến hành đua xe, có những hành vi gây nguy hiểm cho người xung quanh. Tôi chỉ sợ khi cho phương tiện này đi vào đường cao tốc nguy cơ tai nạn sẽ cao hơn khi họ lượn ngang trước mặt ô tô, chạy vào trong, ra ngoài. Như vậy sẽ hết sức nguy hiểm”, ông Toản nhấn mạnh.

Ông Toản cho rằng, việc đưa đồng loạt nhiều xe máy phân khối lớn vào lưu thông trong điều kiện đường cao tốc còn nhỏ, làn đường hạn chế sẽ rất khó khả thi. Vì vậy cần phải nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng, biển báo cũng như quy định cụ thể xe máy bao nhiêu phân khối được phép đi vào trong các đường cao tốc.

“Hệ thống văn bản pháp luật cũng cần phải đưa ra cụ thể và cứng rắn hơn. Nếu phương tiện nào vi phạm, không chấp hành đúng hệ thống biển báo, làn đường, tốc độ cần phải xử phạt nghiêm khắc, tránh tạo ra những tiền lệ xấu”, ông Toản nêu quan điểm.

Nên khuyến khích nếu đảm bảo an toàn

Trong khi đó, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất trên.

Theo ông Liên, trên các tuyến đường cao tốc của Việt Nam hiện nay đều có sự phân chia rõ ràng, tiêu chuẩn cũng phù hợp với thế giới. Hơn nữa trình độ lái xe cũng được đào tạo rất bài bản. Vì vậy nếu các xe phân khối lớn đảm bảo được các yếu tố an toàn thì nên khuyến khích cho đi vào đường cao tốc.

“Nếu quy định không cấm thì người dân được quyền làm. Tuy nhiên tôi chỉ lưu ý, cần phải trang bị đầy đủ và an toàn các dụng cụ bảo hộ. Ví dụ mũ bảo hiểm phải kín, có sự che chắn gió. Thứ hai là các loại gang tay, lót tay, lót chân, đầu gối và giày cũng phải đảm bảo an toàn. Khi có va chạm, tai nạn xảy ra thì bảo vệ được thân thể của người điều khiển”, ông Liên đặt vấn đề.

Hoàng Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/xe-phan-khoi-lon-di-cao-toc-lo-vi-duong-ky-la-3322763/