Xe ôm nhân đạo

Chở xe miễn phí cho những người nghèo, những bệnh nhân mắc bệnh nan y. Cứu người bị tai nạn giao thông, đưa nạn nhân vào bệnh viện, giúp công an giữ nguyên hiện trường. Nhặt được của rơi trả người đánh mất… đó là những việc làm mỗi ngày của các thành viên trong “Đội xe ôm nhân đạo” thành phố Việt Trì,Phú Thọ.

Hầu hết các thành viên trong đội đều là những người lao động nghèo nhưng ai nấy đều tâm nguyện làm việc thiện giúp đời. Họ cứ âm thầm giúp người như giúp chính mình, làm điều thiện cho đẹp đời mà không cần gì hơn…

“Cha đẻ” của Đội xe ôm nhân đạo

Người có ý tưởng thành lập đội xe ôm nhân đạo này là ông Nguyễn Văn Huệ, hiện là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Gia Cẩm, TP Việt Trì, Phú Thọ.

Hỏi từ đâu ông Huệ lại có ý tưởng tốt đẹp ấy, ông chia sẻ:

“Cũng tình cờ thôi, một hôm tôi đi làm từ nhà tới ủy ban phường, trên đường tôi chứng kiến thấy một vụ tai nạn. Lúc đó có mấy người đàn ông đang xúm vào, người thì băng bó cho nạn nhân rồi chở vào bệnh viện, người lại ở đó trông đồ đạc, tư trang cho nạn nhân và bảo vệ hiện trường.

Tôi tò mò hỏi những người xung quanh xem mấy người tốt ấy là ai thì họ bảo đấy là mấy anh xe ôm hay đứng ở ngã tư. Kể từ ngày hôm đó tôi cứ suy nghĩ mãi về hành động thiện nguyện của họ. Tôi nghĩ sao không thành lập cho họ một tổ chức để họ vừa được động viên vừa hoạt động chuyên nghiệp hơn”.

Sau một thời gian “thai nghén” ý tưởng, ông Huệ in sẵn một mẫu đơn xin gia nhập “Đội xe ôm nhân đạo”, phát cho anh xem xe ôm đứng tại các ngã tư. Ai tự nguyện tham gia sẽ khai vào mẫu đơn có sẵn, chuyển cho ông Huệ. Lúc đầu có 15 người đăng ký tham gia. Ông Huệ xin tiền tài trợ may áo đồng phục, trên ngực gắn phù hiệu cho anh em.

Các thành viên của Đội xe ôm nhân đạo.

Sau này, khi thấy đội xe ôm nhân đạo hoạt động tích cực và hiệu quả một người dân đã tự nguyện cho đội mượn nhà để làm nơi sơ cấp cứu cho nạn nhân.

Ngoài cứu người gặp tai nạn, các thành viên trong đội còn có nhiệm vụ “săn” những người có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo để báo về cho Hội chữ thập đỏ của Phường. Từ đó Hội chữ thập đỏ của Phường sẽ tìm cách giúp đỡ những hoàn cảnh éo le.

Đang ngồi trò chuyện với chúng tôi tại một quán cà phê gần ngã tư, anh Vũ Văn Thủy – một thành viên trong Đội xe ôm nhân đạo bất ngờ nhận được điện thoại của ai đó. Nghe xong điện thoại anh Thủy bảo: “Tiếc quá, anh phải đi ngay bây giờ. Ở ngã tư gần khách sạn Công Đoàn vừa xảy ra một vụ tai nạn xe máy, phải đến đó xem có cần đưa nạn nhân vào viện hay không”.

Chưa nói dứt câu anh Thủy đã vội vã trèo lên xe phóng nhanh về phía hiện trường. Nhìn thái độ gấp gáp của anh Thủy nhiều người sẽ lầm tưởng người nhà anh có người xảy ra chuyện

Khi người nghèo làm từ thiện

Anh Nguyễn Ngọc Toản, đội trưởng đội xe ôm nhân đạo chia sẻ: “Chúng mình đều là những người lao động, ít học nên khó có thể có được công việc an nhàn. Cuộc sống cũng còn nhiều khó khăn, nếu bảo bỏ tiền để làm từ thiện thì chúng mình chịu rồi. Chúng mình chỉ có sức để giúp đỡ người khác thôi. Sẵn cái xe máy “kiếm cơm” đấy, ai nghèo khó có nhu cầu đi lại thì chúng mình chở miễn phí”.

Anh Toản kể, có một bệnh nhân nữ tên là Phùng Thị Nghị, quê ở huyện Yên Lập nhiều năm nay phải chạy thận ở bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Đều đặn mỗi tuần 3 lần chị Nghị lặn lội từ Yên Lập xuống bệnh viện để chạy thận. Biết được hoàn cảnh khó khăn của chị Nghị nên anh Toản đã nhận chở miễn phí quãng đường từ bến xe vào bệnh viện.

Bằng khen của Trung ương Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam.

Anh bảo nhiều khi có cầm tiền thì cũng chỉ là để họ bớt áy náy mà thôi.

Nói rồi anh Toản kể lại câu chuyện của anh Nguyễn Quang Toàn – một thành viên trong đội xe ôm nhân đạo đã chở một cậu sinh viên từ thành phố ViệtTrì lên tới Lào Cai.

Khi lên tới nơi thấy gia cảnh của cậu sinh viên quá nghèo, bố lại mang trọng bệnh nên anh Quang đã nhất quyết không nhận một đồng tiền công nào. Thấy quá áy náy với người xe ôm tốt bụng, bố mẹ cậu sinh viên đã bắt đôi gà tặng anh Toàn.

“Tháng 5 vừa rồi, có một cụ bà 83 tuổi đi tập thể dục buổi sáng sớm bị một công nhân đi làm ca đêm về, phóng xe với tốc độ nhanh đâm phải, khiến cụ bà ngã đập đầu xuống đường. Khi ấy mấy anh em trong đội đi làm sớm nên phát hiện ra vụ việc.

Chúng tôi chia nhau ra mỗi người một việc, người đưa bà cụ vào bệnh viện, người giữ đối tượng gây ra tai nạn và bảo vệ hiện trường chờ công an đến giải quyết.

Mặc dù được đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời nhưng bà cụ vẫn không qua khỏi vì vết thương quá nặng. Gia đình trong lúc tang gia bối rối cũng không ai để ý, chỉ đến khi Hội Chữ thập đỏ của Tỉnh đến nhà hỏi chuyện họ mới ngớ người ra và xin số điện thoại, địa chỉ đến nhà cảm ơn chúng tôi” – anh Thủy kể lại.

Có những trường hợp, người bị nạn đang trong tình trạng say rượu, khi anh em trong đội đưa nạn nhân vào bệnh viện khám, cấp cứu họ quay ra trợn mắt quát: “chúng mày định cướp của tao à?”.

Mỗi lần như thế anh em cũng thấy chạnh lòng nhưng rồi lại động viên nhau, mình đã làm từ thiện rồi thì đừng nghĩ tới tự ái nữa. Một số thành viên trong đội bị người nhà nạn nhân đánh đã không còn là chuyện hiếm. Như trường hợp của anh Trần Văn Minh, hai lần bị người nhà nạn nhân đánh tới tấp khi đưa nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu.

Anh Minh kể: “Người nhà nạn nhân tưởng mình là người gây ra tai nạn nên xông vào đánh, lúc đó cũng thấy cực thân lắm. Mình đường đường giúp họ mà lại nhận “quả đắng”. Nhưng nghĩ lại, tự đặt mình trong tâm trạng bối rối của người thân nạn nhân thì lại thôi. Cuối cùng khi biết được sự thật họ lại quay ra cảm ơn mình rồi rít rồi nhận kết nghĩa nữa”.

Cũng có nhiều lần bị hiểu lầm, khi anh em trong đội bảo quản tài sản cho nạn nhân. Họ dị nghị, chắc gì những tài sản ấy sẽ đến được tay người nhà nạn nhân, hoặc có đến chắc gì đã đầy đủ. Không ít người còn nghi ngờ những tài sản ấy sẽ được anh em trong đội chia chác, hưởng lợi. Anh Toản tâm sự, khi nghe những lời nói ấy anh em cảm thấy rất tự ái, đôi lúc muốn buông bỏ, không làm công việc đó nữa.

Nhưng rồi lòng từ tâm của họ lại không cho phép họ làm ngơ trước những hoàn cảnh khó khăn, những trường hợp cần giúp đỡ.

Bất kể thời tiết nắng mưa, mỗi ngày các thành viên trong Đội xe ôm nhân đạo của Phường Gia Cẩm, TP Việt Trì vẫn cắm chốt tại những địa điểm quen thuộc. Ngoài việc kiếm tiền lo cho cuộc sống gia đình, họ luôn sẵn lòng làm những công việc thiện nguyện khác.

Để có kỹ thuật sơ cứu người bị tai nạn, các thành viên trong đội phải tham gia các lớp tập huấn, được phát các vật dụng cứu thương và được hướng dẫn cả quy trình bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản nạn nhân.

Đi vào hoạt động từ năm 2009, đến nay các thành viên trong Đội xe ôm nhân đạo đã cứu nạn được gần 500 trường hợp bị tai nạn giao thông. Số km chở miễn phí những người nghèo và các bệnh nhân mắc bệnh nan y thì không đếm xuể. Nhiều trường hợp người già hoặc trẻ con đi lạc cũng được các thành viên trong Đội nhiệt tình hỏi han và đưa về tận nhà.

“Ở đây, không ai là không biết tới Đội xe ôm nhân đạo này. Họ nghèo nhưng rất nghĩa hiệp, biết bao người đã được họ giúp đỡ mà không toan tính gì. Đúng là nghèo hay giàu không quan trọng, quan trọng là có tấm lòng” – bác Nguyễn Thị Thoa, TP Việt Trì chia sẻ.

Với những việc làm có ích cho xã hội, Đội xe ôm nhân đạo của phường Gia Cẩm đã vinh dự được nhận bằng khen của Trung ương hội chữ thập đỏ Việt Nam và Hội chữ thập đỏ tỉnh Phú Thọ. Nhưng với các thành viên của Đội thì phần thưởng cao quý nhất chính là sự thanh thản trong tâm hồn.

Phong Anh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/cuoc-song-muon-mau-goc/xe-om-nhan-dao-406252/