Xe buýt nhanh: Khách đã tăng nhưng chưa nhiều

Dù là khung giờ cao điểm hay các khung giờ khác trong ngày, theo ghi nhận của PV Báo CAND, lượng hành khách đi xe buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa đã tăng so với thời gian đầu nhưng chưa nhiều.

Dưới góc nhìn của chuyên gia giao thông đô thị-TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT, Bộ GTVT thì tỉ lệ hiệu quả vận chuyển của xe buýt nhanh so với số vốn đầu tư ban đầu “khủng” bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng là thấp, thậm chí là quá thấp.

Để mục sở thị lượng hành khách đi xe buýt nhanh Kim Mã-Yên Nghĩa, ngày 23-3 (ngày thường, không phải ngày nghỉ), chúng tôi đã bắt tuyến buýt nhanh này theo 3 khung giờ lần lượt là 7h55, khoảng 10h và khoảng 17h30.

Vào 7h55, chúng tôi có mặt tại điểm đầu lộ trình là Bến xe Kim Mã. Lượng khách trong khoang chờ buýt nhanh lúc này là 24 người.

Chị Nguyễn Thị Hằng, 42 tuổi, một hành khách đi buýt nhanh cho biết: “Công việc kinh doanh tự do của tôi không đòi hỏi yêu cầu về thời gian nên khoảng 10 năm nay tôi lựa chọn xe buýt để đi lại. Trước đây, khi chưa có xe buýt nhanh, tôi vẫn đi tuyến buýt thường 22. Khách đi xe buýt nhanh có lúc đông nhưng cũng có lúc vắng”.

Chuyến buýt nhanh đưa 24 hành khách đi qua các nhà chờ trên phố Giảng Võ, Láng Hạ thì tiếp nhận thêm 13 hành khách lên và 8 hành khách xuống.

Tại các nhà chờ trên phố Lê Văn Lương và Tố Hữu, lượng hành khách bắt đầu giảm khi 14 hành khách xuống và 4 khách lên. Đến khi xe về điểm cuối Yên Nghĩa là 8h38’, số khách còn lại trên xe là 8 người, kể cả người đi thử là chúng tôi.

Sau khi kết thúc hành trình, chúng tôi tiếp tục lên một xe buýt nhanh khác đi từ Yên Nghĩa về Kim Mã khởi hành lúc 8h41’. Đầu hành trình, trên xe buýt nhanh chỉ có 1 hành khách. Số lượng khách dao động lên xuống cả dọc hành trình chỉ từ 6-8 người.

Khoảng 10h, chúng tôi lại tiếp tục bắt tuyến buýt nhanh từ Kim Mã đi Yên Nghĩa. Dọc cả lộ trình, lượng khách lúc cao điểm nhất là gần 20 người.

Để tiếp tục có cái nhìn khách quan, khoảng 17h30 - khung giờ cao điểm, chúng tôi đã có mặt tại nhà chờ trên phố Láng Hạ và bắt xe buýt nhanh đi theo hướng Bến xe Yên Nghĩa. Lượng hành khách trên xe đã đông hơn nhiều so với các khung giờ khác.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi cũng chỉ dao động gần 50 người. Số lượng khách lên và xuống tại các nhà chờ tiếp theo dọc lộ trình Lê Văn Lương, Tố Hữu, Lê Trọng Tấn cũng không vượt quá con số 50 hành khách.

Tại chiều về theo lộ trình Yên Nghĩa-Kim Mã vẫn đang trong khung giờ cao điểm là khoảng 18h nhưng lượng khách rất ít. Dọc cả lộ trình, lượng hành khách chúng tôi đếm được chỉ dao động từ 10-15 người.

TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc xe buýt nhanh di chuyển nhanh hơn xe buýt thường là điều tất nhiên. Bởi lẽ, dự án xe buýt nhanh được đầu tư với số vốn ban đầu lên đến hơn 1.000 tỷ đồng, phương tiện tốt, lại có đường đi riêng, rộng rãi, các phương tiện khác không được đi vào. Tuy nhiên, hiệu quả so với xe buýt thường thì lại không đáng kể.

Khách đi xe buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa đã tăng nhưng chưa nhiều.

TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, tỉ lệ hiệu quả vận chuyển hành khách so với số tiền đầu tư “khủng” bỏ ra là thấp, không muốn nói là rất thấp. Theo thiết kế, xe buýt nhanh thiết kế có hiệu suất vận chuyển khoảng 90 hành khách/lượt. Tuy nhiên, hệ số tận dụng trọng tải qua những thông tin mà cơ quan chức năng đưa ra gần đây cho thấy hệ số tận dụng trọng tải mới đạt là hơn 30%, còn lại gần 70% là xe rỗng.

Một xe buýt thông thường nếu khai thác tốt sẽ vận chuyển từ 5.000-6.000 người/h. Trong khi xe buýt nhanh mới có công suất vận chuyển hơn 12.000 người/ngày như vậy mới chỉ bằng thời gian hơn 2 giờ vận chuyển của xe buýt thường. Xe buýt nhanh lại chạy thưa khi khoảng cách xuất bến trung bình của mỗi chuyến xe là từ 10 phút- 15 phút.

Phát triển hệ thống phương tiện giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân từ đó giảm thiểu ùn tắc là một chủ trương rất đúng đắn của Hà Nội.

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, trong khi việc đầu tư cho một dự án xe buýt nhanh rất tốn kém, hiệu quả đem lại cho đến thời điểm này là chưa cao thì tại sao Hà Nội không phát triển xe buýt thường có thể đi cùng với những ưu tiên để tránh sự lãng phí, tốn kém. Cùng với đó, phát triển hệ thống tàu điện là hướng phát triển mang tính bền vững mà Hà Nội nên xem xét.

Trước thông tin Hà Nội đang nghiên cứu để tiếp tục triển khai tuyến buýt nhanh thứ 2 theo lộ trình Kim Mã-Hòa Lạc, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, Hà Nội không nên vội vàng, cần có thời gian để tổng kết, đánh giá và rút ra những kinh nghiệm từ tuyến buýt nhanh số 01.

Trung Thực

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-thong/xe-buyt-nhanh-khach-da-tang-nhung-chua-nhieu-434195/