Xe buýt - cần một văn hóa chia sẻ

Bên cạnh sự tiện lợi sạch sẽ mà xe buýt mang lại, nhiều người đi xe buýt vẫn được những phen “hú hồn” trước cảnh chen lấn xô đẩy, móc túi và nhiều hành vi kém văn hóa khi đi xe buýt.

Hiện nay xe buýt là phương tiện giao thông công cộng phổ biến, được đánh giá có khả năng giảm ùn tắc giao thông, hạn chế khí thải gây ô nhiễm môi trường, sạch sẽ tiện lợi mà giá cả lại rất “sinh viên”.

Mới đây, Hà Nội cũng đã tăng cường thêm các tuyến xe buýt, thay mới hoàn toàn các tuyến xe như 36, 38. Giá vé vẫn giữ nguyên, với các tuyến nội đô mỗi vé dao động từ 7.000-8.000 đồng/lượt đi. Nếu so sánh với các loại phương tiện khác như ô-tô cá nhân, xe máy thì xe buýt có sức cạnh tranh hơn hẳn về giá cả. Bởi vậy, sinh viên, học sinh, công nhân viên chức nhiều người lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi lại chính. Đặc biệt khi di chuyển với quãng đường xa, xe buýt còn mang lại cảm giác an toàn hơn hẳn so với xe máy.

Những lợi ích khi sử dụng xe buýt có thể dễ dàng nhận thấy, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề bất cập về văn hóa trên xe buýt, đang làm mất đi sức hấp dẫn của loại phương tiện này.

Trông người ngẫm ta

Từng sống ở Nhật Bản trong bảy năm, Hải Anh - một du học sinh chia sẻ, khi đi học, đi làm đều bằng xe buýt, chỉ cần lên xe, quẹt thẻ tự động (do đã mua vé cả năm) rồi tự chọn cho mình một chỗ đứng. Vào những giờ cao điểm ở Tokyo, Osaka hay những thành phố lớn khác, lượng người sử dụng phương tiện này cũng thường xuyên quá tải, nhưng họ vẫn xếp hàng lần lượt lên xe.

Nhìn lại Việt Nam, nếu một lần thử đi xe buýt vào những giờ cao điểm như 6 giờ 30 phút sáng hay tầm 17 giờ chiều, có lẽ phải “khỏe” lắm mới len được chân lên xe. Hàng chục người đứng đợi tại các điểm đỗ dừng, đến khi cửa mở, bất chấp cửa trước lẫn cửa sau, người chưa kịp xuống, kẻ đã cố chen lên. Tiếng la ó, quát tháo của người phụ xe, lái xe, hành khách ầm ĩ là điều không quá lạ lẫm. Phải chăng văn hóa xếp hàng với người Việt còn quá mới?

Việc chen lấn xô đẩy diễn ra cả lúc lên xe, lẫn trên xe. Mỗi xe buýt ở Việt Nam được trang bị từ 17 ghế trở lên, diện tích sàn cho mỗi hành khách là 0.125 m 2 . Tuy nhiên trên thực tế diện tích này chỉ bảo đảm với những tuyến thưa khách. Còn như các tuyến thường xuyên đông như 22, 32, 28… thậm chí khách đi xe chỉ có thể đứng một chân vào những giờ cao điểm.

Thêm vào đó cách đi đứng có phần ngổ ngáo của một số tài xế xe buýt khiến hành khách được phen ngã túi bụi, nghiêng ngả.

Đáng ngại hơn thế, hiện tượng móc túi vẫn còn trên một số tuyến xe buýt. Theo chia sẻ của các lái xe, phụ xe, các đối tượng thực hiện hành vi này thường nhằm vào giờ cao điểm, đông người, hành khách khó đề phòng để ra tay.

Chuyện nhường ghế cho người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người khuyết tật những năm gần đây đã có nhiều tiến bộ. Nhiều bạn trẻ có ý thức tự nhường ghế, chia sẻ với người khác, nhưng cũng không ít người vẫn cố tình làm ngơ, trong đó có cả một bộ phận bạn trẻ, học sinh, sinh viên.

Ngọc Hà, sinh viên năm 3 Đại học Kinh tế quốc dân, từng có ba năm đi xe buýt tuyến 18 chia sẻ: “Việc không nhường ghế cho người già, em vẫn thấy thường xuyên. Nhớ lần trước đi xe khi thấy có một cụ bà chuẩn bị bước lên xe, em vội đứng lên để nhường ghế, thì có một bạn nam đứng cạnh ngồi luôn vào chỗ đó. Đến khi thấy bà cụ đi đến cũng vẫn không chịu đứng dậy cho đến khi phụ xe yêu cầu nhường ghế”. Trường hợp của Hà chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện khác.

Điều đáng buồn là việc mất trật tự nơi công cộng, mà xe buýt cũng không phải ngoại lệ, ngày càng trở nên phổ biến và được xem là chuyện thường. Điều này đã “biến” trải nghiệm xe buýt trở nên khác biệt trong mắt nhiều du khách quốc tế.

Tony Vicenti, đến từ Australia, sang Việt Nam du lịch trong hai tuần. Anh chọn xe buýt di chuyển tại Hà Nội để được tham quan nhiều tuyến phố với chi phí rẻ. Sau khi trải nghiệm, vị khách người Australia tỏ ra bất ngờ: “Tôi thấy lạ vì người Việt Nam nói chuyện rất tự nhiên khi lên xe. Đương nhiên không phải tất cả các tuyến, nhưng năm lần tôi đi xe buýt thì đến ba lần thấy như vậy. Rất ồn ào. Ở nước chúng tôi mọi người thường yên lặng đọc sách, nghe nhạc hoặc ngồi im khi lên xe buýt”.

Cần nâng cao ý thức cộng đồng

Nói về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Tố Quyên, Phó Trưởng khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - người từng có nhiều lần đi xe buýt nhận xét, văn hóa giao thông ở Việt Nam còn kém, theo kiểu mạnh ai nấy đi. Tính vì cộng đồng rất hạn chế, thế nên dù đường có tắc vẫn bất chấp luồn lách, rẽ ngang rẽ tắt, chèn lên vỉa hè để được đi trước. Tương tự với xe buýt, người ta vẫn chen lấn xô đẩy, thậm chí cãi lộn để chen lên xe.

Theo TS Tố Quyên, để tạo ra những ứng xử đẹp nơi công cộng nói chung và khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng nói riêng, trước hết giáo dục phải đi tiên phong và bắt đầu ngay từ mỗi gia đình và nhà trường. “Khi giáo dục chúng ta dạy về kỹ năng sinh tồn, kiếm sống cũng phải dạy về kỹ năng cùng cộng sinh với nhau. Để cùng cộng sinh với nhau chúng ta phải cùng hợp tác với nhau để tạo nên một xã hội mà có cái nhường nhịn sẻ chia về văn hóa tốt”, bà Quyên nói.

TS Quyên cho rằng để tạo ra những hành vi đẹp trước hết cần xã hội hóa những cái đẹp, trong nhiệm vụ này, truyền thông đóng vai trò quan trọng.

Bên cạnh đó, TS Quyên cũng nhận thấy, hạ tầng cơ sở cho xe buýt còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc văn hóa trên xe buýt còn nhiều điểm đáng ngại. Cụ thể như các tuyến đường còn chật hẹp, tiến độ thi công các công trình giao thông chậm dẫn đến thường xuyên ùn tắc. Thêm vào đó là số lượng xe buýt có hạn chưa phục vụ đủ nhu cầu của người dân. Áp lực về thời gian, cùng tâm lý mệt mỏi khi phải chờ đợi… khiến cả người phục vụ và hành khách khó kiềm chế cảm xúc, dẫn đến những hành vi chưa đẹp. Xe buýt cũng chưa có lắp đặt camera, nên rất khó kiểm soát về an ninh nếu mỗi người không tự bảo vệ chính mình. Do đó, theo TS Quyên để nâng cao văn hóa ứng xử trên xe buýt, ngoài sự thay đổi từ mỗi cá nhân, Nhà nước cũng cần phải đáp ứng kết cấu hạ tầng cơ sở cho phù hợp, cung cấp đủ số lượng phương tiện.

Còn theo TS Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ cộng đồng và nghiên cứu phát triển, những nét văn hóa kém đẹp trên xe buýt ở Việt Nam vẫn tồn tại như thói quen khó bỏ. TS Giang nhận định, để nâng cao văn hóa nơi công cộng nói chung và văn hóa xe buýt nói riêng, không có cách nào tốt hơn việc mỗi người nên tự giác tu tập, có ý thức thay đổi hành vi của chính bản thân mình.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/31437502-xe-buyt-can-mot-van-hoa-chia-se.html