Xe bus kém hấp dẫn giảm lượng khách, Hà Nội cấm xe máy thế nào?

Trong khi Hà Nội đang lên bài tính hạn chế phương tiện cá nhân và phát triển các phương tiện công cộng trong đó có xe bus để thay thế, lượng khách thực tế lựa chọn loại hình vận tải này trong vài năm gần đây lại liên tục có xu hướng giảm.

Không thuận tiện, kém hấp dẫn, khách đi xe buýt liên tục giảm

Theo Trung tâm Điều hành giao thông đô thị Hà Nội, trong giai đoạn 2001-2014, số lượng tuyến tăng 2,7 lần (31 lên 81 tuyến), đoàn phương tiện tăng gần 4,2 lần (334 lên tới 1.404 phương tiện), sản lượng tăng 29 lần (15 triệu lên 431,7 triệu hành khách). Tuy nhiên, từ năm 2015, sản lượng hành khách đi xe buýt liên tục sụt giảm.

Cụ thể, năm 2014, lượng khách tăng từ 462 triệu lượt khách lên 469 triệu lượt khách nhưng sang năm 2015, sản lượng hành khách chỉ còn 431,9 triệu lượt và 7 tháng đầu năm 2016, sản lượng tiếp tục giảm khoảng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các chuyên gia, có 4 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó đáng chú ý nhất là việc dịch vụ xe buýt bị xáo trộn, thiếu ổn định, không hấp dẫn và không thuận tiện cho hành khách.

Thống kê cho thấy trung bình hàng năm có trên 4.000 vị trí điểm dừng phải điều chỉnh thông tin và vị trí, 80 lần điều chỉnh luồng tuyến. Việc một số hành lang buýt trọng yếu như trục QL32, trục QL6, hạ tầng xe buýt bị xáo trộn, làm mất một lượng khách lớn.

Bên cạnh đó, việc lộ trình tuyến chưa thật sự hợp lý, cộng với ùn tắc giao thông đã khách hàng mệt mỏi, tốn thời gian và phải tìm cách chuyển đổi hình thức di chuyển. Không chỉ vậy, sự phát triển của các hình thức vận tải mới như Grab, Uber với chi phí thấp đã lấn thị phần của xe bus đặc biệt trên những tuyến cự li ngắn.

Xe buýt kém hấp dẫn, cấm xe máy thế nào?

Để ngăn đà lao dốc của xe buýt và nhắm tới mục tiêu đáp ứng từ 20- 25% nhu cầu đi lại trong đô thị bằng phương tiện công cộng, Sở GTVT Hà Nội đang xây dựng Đề án Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển xe buýt giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 trong đó có nhiều giải pháp như hợp lý hóa luồng tuyến, mở rộng ra khu vực ngoại thành, nâng cao năng lực phục vụ của hệ thống, hình thành các điểm trung chuyển lớn, mở làn riêng cho xe buýt, hiện đại hóa hệ thống điều hành xe…

Đề án được cho là sẽ đưa ra cơ chế chính sách trợ giá phù hợp với chất lượng và yêu cầu của từng loại tuyến, xây dựng chính sách ưu tiên và khuyến khích DN ứng dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành bằng các hình thức đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua trợ giá cho DN đồng thời đẩy nhanh sự phát triển của xe buýt BTR. Các chuyên gia tư vấn cho đề án dự đoán sản lượng VTHKCC sẽ đạt khoảng 3,26 triệu khách/ngày, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu đi lại của người dân, trong đó xe buýt thường đạt 2,45 triệu khách/ngày, chiếm 15%. Tương tự đến năm 2025, tỷ lệ này là 25%, trong đó xe buýt đảm nhận 20%.

Dù các chuyên gia đưa ra nhiều giải pháp nhưng thực tế chất lượng xe buýt hiện nay cùng tốc độ triển khai ì ạch của xe buýt BRT khiến nhiều người hoài nghi về khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của các phương tiện công cộng trong đó có xe buýt – yếu tố vốn được coi là cốt lõi trước khi cơ quan chức năng tính tới bài toán hạn chế phương tiện cá nhân trong thời gian tới.

Trên thực tế, trong vài ngày qua, dư luận nóng lên với dự thảo đề án cấm xe máy do Sở GTVT đang lấy ý kiến. Câu hỏi lớn nhất đặt ra với đề xuất này là cấm xe máy, dân đi bằng gì và câu trả lời sẽ càng mông lung khi chất lượng xe buýt được cải thiện một cách ì ạch và các phương tiện công cộng thay thế chưa thể thỏa mãn được nhu cầu của người dân.

Tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên của Hà Nội chạy từ Yên Nghĩa đến bến xe Kim Mã sẽ được đưa vào khai thác trong tháng 12/2016. Tuyến xe buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn – Tố Hữu - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã. Theo tính toán của đơn vị quản lý, xe buýt nhanh di chuyển cả chặng Kim Mã - Yên Nghĩa (dài 14 km) sẽ mất khoảng 30 phút. Tuyến xe buýt này chạy với tần suất 3-5 phút/chuyến, công suất vận chuyển 90 khách, có 4 cửa ra vào, tốc độ di chuyển 22 km/h.

Khánh Hòa

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/o-to/xe-bus-kem-hap-dan-giam-luong-khach-ha-noi-cam-xe-may-the-nao-594415.bld