Xây thủy điện trong vườn quốc gia là phạm pháp

Nền tảng cho sự phát triển Tây Nguyên chính là những con sông. Tuy nhiên, chúng ta đã bằng mọi cách khai thác bằng được những tiềm năng thủy điện trên các dòng sông này.

TS Đào Trọng Tứ, GĐ Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu: Xây thủy điện trong VQG là phạm pháp

Câu chuyện thủy điện luôn có 2 mặt, là bài toán đánh đổi lợi ích kinh tế với mất mát về môi trường, sinh thái và sinh kế. Bài học về việc dừng xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là ví dụ điển hình.

Thủy điện này không xây dựng được bởi một trong những lý do chính là đã vi phạm Luật Bảo tồn và Đa dạng sinh học, làm ngập hơn 200ha Vườn quốc gia Cát Tiên.

Thời gian gần đây, dư luận lên tiếng mạnh mẽ nên thủy điện Đrăng Phốk (Đăk Lăk) định đặt trong Vườn quốc gia Yok Đôn đã phải dừng lại. Đây là quyết định đúng đắn. Đấy là vấn đề phạm pháp, đã phạm pháp thì không xây dựng được.

TS Nguyễn Huy Dũng, Phó Viện trưởng Viện Điều tra và Quy hoạch rừng, Bộ NN- PTNT: Giữ được rừng, mới giữ được nước

Gần đây, rừng Tây Nguyên giảm nhiều, suy thoái về diện tích và chất lượng, rừng còn lại thì nghèo kiệt. Diện tích rừng giảm làm cho khả năng tạo mưa của rừng cũng giảm.

Theo tính toán của các nhà khoa học khi gia tăng 10% độ che phủ của rừng thì lượng mưa sẽ tăng 2,5%. Do rừng mất nên toàn bộ hệ thống sông suối ở Tây Nguyên hứng chịu nhiều đợt lũ lụt vì rừng không giữ được nước. Ngoài ra, dòng chảy bề mặt ở rừng không lớn hơn 2% so với tổng lượng mưa, nhưng khi rừng bị phá hủy, dòng chảy bề mặt tăng lên rất lớn, có thể lên đến 30%. Lượng nước ngầm cũng giảm đáng kể vì nước giữ ở tán cây, thân cây, thảm thực vật trong đất giảm.

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên cũng đang tích cực trồng rừng, tuy nhiên rừng trồng với các loài cây mọc nhanh, đơn loài, đơn tầng thì không có khả năng giữ nước. Chỉ giữ được rừng thì mới giữ được nước.

GS.TS khoa học Đặng Trung Thuận, Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam: Nước là sự sống còn với Tây Nguyên

Tây Nguyên có rất nhiều công trình thủy lợi, kể cả những công trình “đại thủy nông”. Tuy nhiên, những công trình thủy lợi trên đất Tây Nguyên chỉ phát huy hiệu quả ở những vùng trũng và tương đối bằng phẳng như ở Ea Soup (Đăk Lăk), Ayun Pa (Gia Lai), Đăk Hà (Kon Tum)...

Nếu làm công trình thủy nông lớn giữa các vùng đồi giống như ở vùng đất Gia Lai này thì cái khó khăn nhất không phải là tạo ra cái hồ mà là hệ thống kênh dẫn. Nước chỉ chảy theo đường đồng mức, ra địa hình đồi (lên đồi, xuống dốc, xuống trũng, lên đồi) thì không làm kênh dẫn được nên không phát huy tác dụng. Do vậy, những công trình lớn chỉ nên xây dựng ở vùng đất bằng, còn vùng đất gò, đồi thì xây dựng hồ nhỏ ở sát các chân núi, bìa rừng để trữ nước. Nơi nào núi còn cây xanh tốt thì đảm bảo hồ chứa luôn đầy nước quanh năm. Đây là kinh nghiệm quản lý nguồn nước của tỉnh Bình Định.

TS Nguyễn Tiền Giang, Phó Hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội): Không trồng quá nhiều cây công nghiệp

Hiện nay, Tây Nguyên đang thiếu nước mặc dù tổng lượng nước của 5 tỉnh Tây Nguyên, tính cả nước mưa, là khoảng 100 tỷ m3/năm. Sau khi trừ các khoản tổn thất chỉ còn lại 48 đến 50 tỷ m3, trong khi đó lượng nước dùng theo tính toán chỉ khoảng 11 tỷ m3/năm.

Tuy nhiên, chính sự phân bố không đồng đều, cộng với yếu tố địa chất, khí hậu đã gây nên hiện tượng thiếu nước. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do chặt phá rừng làm thủy điện và nương rẫy, thứ nữa phát triển quá nóng các cây công nghiệp cần nhiều nước.

Chỉ hai yếu tố này đã làm tăng thêm nguyên nhân thiếu nước trầm trọng ở Tây Nguyên.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/xay-thuy-dien-trong-vuon-quoc-gia-la-pham-phap-post172352.html