Xây thêm 5 nhà máy nước để ĐBSCL ứng phó hạn mặn

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang hứng chịu đợt hạn hán và xâm nhập mặn nặng nề nhất trong 100 năm qua, gây thiệt hại hơn 160.000 héc ta lúa và làm hơn 250.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Để ứng phó, dự kiến khu vực này sẽ có thêm 5 cụm nhà máy nước tập trung từ nay đến năm 2025.

Người dân Bến Tre nhận nước hỗ trợ - Ảnh: Trung Chánh

Trên đây là thông tin được ông Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật thuộc Bộ Xây dựng cho biết tại hội thảo quốc tế “Các giải pháp phát triển cấp thoát nước bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ứng phó với suy thoái nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn” diễn ra tại TPHCM chiều nay (10-11).

Ông Tiến cho biết trước những diễn biến thất thường của thời tiết, với sự tham mưu các bộ ngành, ngày 8-11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nhằm đối phó với tình hình hạn mặn cho dân cư ở vựa lúa lớn nhất cả nước.

Theo đó, dự báo nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt đến năm 2030 ở khu vực này là 3,2 triệu m3/ngày đêm. Để đáp ứng nhu cầu này, dự kiến đến năm 2025 sẽ xây dựng 5 cụm nhà máy nước tập trung, gồm nhà máy nước sông Tiền 1, sông Tiền 2, sông Hậu 1, sông Hậu 2, sông Hậu 3 với tổng công suất 1 triệu m3/ngày đêm. Đến năm 2030 các nhà máy nước trên tiếp tục nâng công suất thêm 650.000 m3/ngày đêm.

Ngoài ra, hệ thống nước truyền tải liên tỉnh với khoảng cách 30-40 km đảm bảo đấu nối các tuyến ống phân phối cũng cấp nước cho các đô thị, khu dân cư, thậm chí bố trí các trạm tăng áp trên đường ống truyền tải nhằm đảm bảo áp lực cũng sẽ được đầu tư.

Còn theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, đại diện Cục Tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, hệ quả của El Nino làm mưa, dòng chảy giảm; trong khi đó xâm nhập mặn ngày càng gia tăng đã khiến Việt Nam đối mặt với tình trạng suy giảm nguồn nước nghiêm trọng, đặc biệt là các tỉnh ĐBSCL.

“Mùa khô năm 2014-2015, mực nước đầu trên các sông đều bị sụt giảm so với trung bình nhiều năm. Đến mùa khô năm 2015-2016, tình trạng này tiếp tục lặp lại. Tương tự dòng chảy từ đầu nguồn sông Mekong về Việt Nam trong mùa lũ 2015 nhỏ hơn mức trung bình nhiều năm. Khi mưa giảm, nước về ít thì xâm nhập mặn lại gia tăng, có nơi ranh mặn 4 gam/lít đã lấn sâu 90-95 km tại các cửa sông khu vực này”, ông Nghĩa thông tin.

Theo tính toán của các chuyên gia, nhu cầu vốn để đầu tư các nhà máy nước sạch cho khu vực ĐBSCL ước lên tới 1,7 tỉ đô la Mỹ. Trước mắt, trong giai đoạn đầu Ngân hàng Thế giới cam kết huy động các nguồn cho vay 400 triệu đô la Mỹ (chưa tính vốn đối ứng của Việt Nam khoảng 40 triệu đô la Mỹ).

Hiện các đơn vị liên quan đang triển khai lập báo cáo khả thi các dự án trong quy hoạch, dự kiến hoàn tất năm 2017 để có thể triển khai xây dựng các nhà máy nước sạch từ năm 2018.

Khu vực ĐBSCL gồm 13 tỉnh với dân số (tính đến năm 2014) là 17,6 triệu người. Tổng công suất cấp nước của các nhà máy ở khu vực này hiện hơn 985.000 m3/ngày đêm với nguồn nước sử dụng chủ yếu từ sông Tiền và sông Hậu (chiếm 66%), còn lại là nước ngầm.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/153715/xay-them-5-nha-may-nuoc-de-dbscl-ung-pho-han-man.html/