Xây nhà máy điện than ở vùng nhiều gió là 'ngược đời'

Chuyên gia tại tọa đàm Tác động của nhiệt điện than đến môi trường biển & cuộc sống người dân đã khẳng định như vậy.

Tại TP.HCM ngày 17-2, tổ chức môi trường CHAGE; Đại sứ quán Canada đã tổ chức buổi tọa đàm Tác động của nhiệt điện than đến môi trường biển & cuộc sống người dân.

Đặc biệt trong tọa đàm này, Khu bảo tồn biển Hòn Cau (Vĩnh Tân, Tuy Phong, Bình Thuận) được đưa vào phân tích khi nằm cạnh Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, nơi có đến năm nhà máy nhiệt điện đang và sẽ hoạt động.

Theo PGS-TS Võ Sĩ Tuấn (Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam), Hòn Cau là vùng đa dạng sinh học, nơi có vùng nước trồi mạnh và tốt nhất nhì châu Á. Do đó những tác động do hoạt động điện than đến rạn san hô ở đây là đáng lo ngại.

Đồng tình về điều này, đại diện CHANGE nói thêm, Việt Nam đang phát triển năng lượng điện than ngược chiều với thế giới. Khu duyên hải Nam Trung Bộ là nơi vùng gió rất mạnh nên việc phát tán bụi thải là lo lắng rất lớn. Với phát triển của công nghiệp than ở đây, hệ sinh thái Hòn Cau đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, huyện Tuy Phong, Bình Thuận.

Nguy cơ này đến từ việc vận hành, xả thải, nạo vét, nhấn chìm vật liệu nạo vét sẽ đe dọa sự sống các loài trong khu bảo tồn. Đặc biệt, gây hệ lụy đến sinh kế của người dân. Muối bị phủ bụi than đen, nghề đánh bắt nuôi trồng thủy sản và du lịch sẽ đứng trước thử thách sống còn.

Tại tọa đàm, Tổng lãnh sự Canada Richard Bale nhấn mạnh thành công nổi bật của Việt Nam trong việc tăng trưởng đồng đều và giảm đói nghèo trong hai thập niên qua đã bị ảnh hưởng phần nào bởi sử dụng quá nhiều năng lượng mà phần lớn từ nguồn không tái tạo.

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/xay-nha-may-dien-than-o-vung-nhieu-gio-la-nguoc-doi-683196.html