Xây dựng thể chế sao cho cán bộ không thể, không dám, không muốn tham nhũng

Ngày 27/10, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị lấy ý kiến cho Dự thảo Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về phòng chống tham nhũng (PCTN), lãng phí.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết Trung ương 3, đánh giá cao ý kiến đóng góp các đại biểu, đề nghị cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, toàn diện các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Đề án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Phó Thủ tướng chỉ rõ thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giám sát của các cơ quan Nhà nước và nhân dân, công cuộc PCTN, lãng phí bước đầu có những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng và lãng phí hiện nay đang đe dọa đến sự phát triển của đất nước, sự tồn vong của chế độ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công khai, minh bạch là giải pháp đột phá trong PCTN, có cơ chế giám sát, kiểm soát thu nhập và tài sản. Đặc biệt, xây dựng cơ chế giám sát quyền lực nằm trong "giỏ" pháp luật; cần cụ thể hóa để hoạt động giám sát của cơ quan trong Đảng, của Quốc hội, các cơ quan tố tụng, các cơ quan khác hữu hiệu hơn nữa đối với công cuộc PCTN và lãng phí.

Phó Thủ tướng cho rằng phải đẩy mạnh cải cách hành chính, xóa bỏ cơ chế xin - cho và các điều kiện làm nảy sinh tham nhũng. Xây dựng thể chế, pháp luật để bảo đảm phòng chống cho tốt với phương châm cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng.

“Thực tiễn đặt ra cho chúng ta yêu cầu phải thực hiện cho được việc kiểm soát thu nhập, sửa đổi thể chế và pháp luật, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan tố tụng, cả hệ thống chính trị với sự giám sát của nhân dân, các cơ quan truyền thông, xây dựng cơ quan chuyên trách đủ sức mạnh để từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tham nhũng và lãng phí hiện nay”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Trước mắt, giải pháp đột phá là phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến tham nhũng phải thật sự triệt để, trên tinh thần không có vùng cấm, nếu có hành vi là bị xử lý, không để dư luận cho rằng chúng ta làm chưa nghiêm, chưa đến nơi đến chốn trong xử lý tham nhũng và lãng phí.

N.H

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/xay-dung-the-che-sao-cho-can-bo-khong-the-khong-dam-khong-muon-tham-nhung_t114c67n111225