Xây dựng Quảng Ninh trở thành vùng trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia

Tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), Hội nghị “Đối thoại chính sách cao cấp APEC về du lịch bền vững” vừa diễn ra thu hút 200 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC và các tổ chức quốc tế uy tín như: Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUNC)…tham gia. Báo Xây dựng trân trọng giới thiệu những ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long tại diễn đàn kinh tế lớn này.

Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu chào mừng tại Hội nghị “Đối thoại chính sách cao cấp APEC về du lịch bền vững”.

“Quảng Ninh là tỉnh ở phía Đông Bắc của Việt Nam, được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”. Trong chiến lược phát triển, Quảng Ninh được xác định là 1 trong 3 cực tăng trưởng ở khu vực phía Bắc Việt Nam, nằm trong tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh...

Quảng Ninh có vị trí địa chính trị, kinh tế đặc biệt, có Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long cùng với trên 600 danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử được xếp hạng; là Trung tâm công nghiệp than, điện của cả nước. Trong quá trình phát triển, Quảng Ninh phải phát triển ngành công nghiệp khai khoáng nhưng vẫn phải đảm bảo môi trường, nhất là môi trường vịnh Hạ Long để phát triển du lịch, kết hợp đồng bộ với phát triển đô thị nhanh, bền vững. Quảng Ninh đã xác định rõ những thách thức cần phải khắc phục như tốc độ đô thị hóa cao, cùng vấn đề đảm bảo chất lượng môi trường sống, thách thức giữa phát triển bền vững trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao.

Trên hành trình phát triển và hội nhập, tỉnh Quảng Ninh đã sớm chủ động nhận diện và định vị lại vị trí của mình trong chuỗi giá trị quốc gia và quốc tế để từ đó xác định rõ hơn mục tiêu cũng như định hướng phát triển. Quảng Ninh đã xác định và tổ chức thực hiện đồng bộ 3 khâu đột phá chiến lược là kết cấu hạ tầng, cải cách thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững và chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Thực hiện Quyết định số 2622/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đã xác định rõ: Xây dựng Quảng Ninh trở thành một Trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, có chất lượng cao, thương hiệu mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, có năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế; thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Đến năm 2020, tổng khách du lịch đạt 15 đến 16 triệu lượt, trong đó có 7 triệu khách quốc tế, tổng doanh thu đạt 30.000-40.000 tỷ đồng; thu ngân sách từ hoạt động du lịch đạt 10-15% thu nội địa, giải quyết việc làm cho khoảng 130.000 người; đóng góp của ngành du lịch vào GRDP đạt 14-15%.

Để thực hiện thành công mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh đã mời đơn vị tư vấn của Hoa Kỳ là BCG lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; ban hành các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch phát triển dịch vụ, phát triển du lịch với quan điểm phát triển du lịch và dịch vụ làm trọng tâm, gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản – Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, xây dựng ngành công nghiệp du lịch – dịch vụ, công nghiệp giải trí, công nghiệp văn hóa dựa trên công nghiệp sáng tạo, tạo ra sự đột phá khác biệt và giá trị gia tăng cao để xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế với hạ tầng kinh tế đô thị hiện đại; hoàn thiện phát triển không gian du lịch theo 4 địa bàn du lịch trọng điểm: Hạ Long gắn với du lịch vịnh Hạ Long; Móng Cái - Trà Cổ gắn với du lịch biên giới; Vân Đồn - Cô Tô gắn với du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng chất lượng cao có casino; Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên gắn với du lịch văn hóa, tâm linh di tích danh thắng Yên Tử.

Để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, trong những năm qua, Quảng Ninh đã huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo hướng bền vững như: Đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 3/2018, rút ngắn thời gian từ Hạ Long đi Hà Nội còn 1,5 giờ bằng ô tô; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn cũng sẽ hoàn thành trong tháng 3/2018 làm tiền đề quan trọng hình thành Đặc khu Hành chính – Kinh tế đặc biệt Vân Đồn sắp tới; tiếp tục triển khai đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái kết nối với tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc, ASEAN; Cảng tàu biển khách quốc tế Hạ Long sẽ hoàn thành trong năm 2018 để khách đi du thuyền 5 sao đến vịnh Hạ Long không phải chuyển tải.

Để phát huy tiềm năng và lợi thế cùng với đổi mới đột phá trong cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư, Quảng Ninh đã thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch với hệ thống hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội chất lượng cao và đã thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao ngang tầm quốc tế của các tập đoàn lớn có uy tín trong nước như: Vingroup, Sun Group, FLC, BIM, Tuần Châu,… làm thay đổi cơ bản diện mạo đô thị và ngành du lịch Quảng Ninh; du lịch Quảng Ninh dần vươn tới và hội nhập với thế giới về chất lượng dịch vụ, trở thành điểm sáng về phát triển du lịch của Việt Nam và khu vực trong tương lai.

Quan điểm phát triển du lịch chất lượng, đẳng cấp quốc tế, khác biệt nhưng phải bền vững, tỉnh đặc biệt quan tâm đến các vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên của thế giới và bảo vệ bền vững về môi trường, tạo môi trường sống hấp dẫn cho người dân và du khách.

Tỉnh Quảng Ninh nhận thức sâu sắc, sự kiện “Đối thoại chính sách cao cấp APEC về du lịch bền vững” tổ chức tại TP Hạ Long xinh đẹp này là cơ hội lớn để ngành du lịch Việt Nam trong đó có du lịch Quảng Ninh tiếp cận, làm sâu sắc thêm quan hệ với các nền kinh tế thành viên APEC và các đối tác quan trọng; là nơi hấp dẫn, thu hút du khách trọng điểm của du lịch Việt Nam. Chắc chắn rằng, tại Hội nghị này sẽ có nhiều vấn đề lớn, quan trọng được đặt lên bàn nghị sự để chúng ta có những quyết sách đúng cho phát triển du lịch bền vững - mục tiêu quan trọng của toàn cầu và của các nền kinh tế thành viên trong APEC.

Năm 2017 được Đại hội đồng Liên hiệp quốc chọn là Năm du lịch bền vững. Tiếp tục khẳng định là một khu vực năng động, luôn tiến lên phía trước trên con đường phát triển và thịnh vượng, từ “Đối thoại chính sách cao cấp APEC về du lịch bền vững” chắc chắn sẽ góp phần nâng cao vai trò diễn đàn APEC và vị thế Việt Nam với tư cách thành viên và thể hiện chủ đề APEC 2017 “Tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai chung”.

Năm 2018, tỉnh Quảng Ninh được Việt Nam lựa chọn là địa phương đăng cai để phát động Năm Du lịch quốc gia; năm 2019, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục được lựa chọn là nơi tổ chức Diễn đàn Du lịch ASEAN. Chúng tôi cam kết sẽ tổ chức thành công các sự kiện này”.

Vũ Phong Cầm (ghi)

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/xay-dung-quang-ninh-tro-thanh-vung-trong-diem-du-lich-hang-dau-quoc-gia.html