Xây dựng NTM ở Làng nghề thủ công gỗ mỹ nghệ Vân Hà

Vân Hà nổi tiếng có làng nghề thủ công gỗ mỹ nghệ truyền thống với đặc điểm kinh tế phân bổ theo cơ cấu “TTCN–NN–TMDV”, với nỗ lực xã đã trở thành xã NTM.

Vân Hà là xã nằm ở phía đông huyện Đông Anh, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 22 km về phía Đông Bắc. Xã có 5 thôn: Văn Điềm, Thiết Bình, Cổ Châu, Thiết Ứng, Hạ Khê với tổng diện tích đất tự nhiên 521 ha. Dân số hiện nay có 10.180 nhân khẩu, với 2.367 hộ.

Đình chùa Thiết Ứng xã Vân Hà.

Qua sự tích Thành hoàng Làng cho thấy dân cư các thôn trong xã đến đây định cư từ rất sớm có truyền thống văn hóa đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử. Mặc dù khi bước vào xây dựng NTM Vân Hà được đánh giá đạt 8/19 tiêu chí. Song, bằng sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị. Sau 5 năm thực hiện Chương trình nông thôn mới, bộ mặt Vân Hà dần được đổi thay toàn diện trên các mặt: Kinh tế-Chính trị-văn hóa xã hội và trở thành xã NTM đạt 19/19 tiêu chí.

Vân Hà nổi tiếng có làng nghề thủ công gỗ mỹ nghệ truyền thống với đặc điểm kinh tế phân bổ theo cơ cấu “Tiểu thủ công nghiệp–nông nghiệp–thương mại dịch vụ” ổn định, đời sống nhân dân được nâng cao cả vật chất và tinh thần. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc phòng được giữ vững,…

Từ khi đất nước thống nhất, đặc biệt là từ sau thời kỳ đổi mới, với truyền thống cần cù lao động, thông minh sáng tạo, nhân dân Vân Hà ngoài phát triển nông nghiệp còn tập trung gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống đỗ gỗ mỹ nghệ. Bởi vậy kinh tế các thôn trên địa bàn xã phát triển nhanh, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới trên tất cả mọi lĩnh vực. đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Đảng bộ xã Vân Hà nhiều năm được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể tổ chức chính trị - xã hội luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, các hoạt động văn hóa – xã hội, an ninh quốc phòng đều đạt thành tích cao.

Mặc dù được đánh giá là làng nghề truyền thống, nhưng một nét đặc trưng ở Vân Hà những năm gần đây các loại hình dịch vụ thương mại không ngừng phát triển. Xã đã triển khai đồng bộ các hình thức quản lý mặt bằng buôn bán tại các chợ của thôn nhằm đảm bảo về mỹ quan môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm. Chủ động và tăng cường kiểm tra quản lý thị trường; cấp Giấy chứng nhận VSATTP cho các hộ chế biến, buôn bán thực phẩm trên địa bàn xã.

Cùng với các hoạt động kinh tế, văn hóa-xã hội ở Vân Hà không ngừng được củng cố, duy trì và phát huy những mặt tích cực. Bên cạnh đó, xã Vân Hà còn mang đặc điểm bản sắc văn hóa vùng Kinh Bắc xưa nên hàng năm có lễ hội cổ truyền được tổ chức tại các Làng từ ngày mồng 8 đến 15 tháng giêng tùy theo lễ hội của Làng.

Xã có 4 điểm được Nhà nước công nhận di tích lịch sử đó là: Đình thôn Vân Điềm ( di tích lịch sử quốc gia ) và Nhà thờ họ Nguyễn Thực, thôn Vân Điềm nơi sinh ra 6 tiến sỹ thế kỷ thứ XV và 04 tiến sỹ hiện nay; Đình, chùa thôn Thiết Úng, đình chùa thôn Cổ Châu. Xã có 8 nghệ nhân nằm ở thôn Thiết Úng là cái nôi đào tạo ra các tay thợ trạm khắc gỗ mỹ nghệ truyền thống với đa dạng các loại sản phẩm tượng gỗ, con giống, tranh ảnh gỗ,...Các sản phẩm nội thất từ gỗ được cung cấp rộng khắp trên thị trường trong nước và nhiều nước trên thế giới.

Những tháng còn lại của năm 2016 và các năm tiếp theo, toàn Đảng bộ và nhân dân Vân Hà tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp túc vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng để giữ vững thành quả đã đạt được.

Tiếp tục nâng cao các tiêu chị đã đạt; đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tăng cường an ninh trật tự cơ sở. Không ngừng phát huy tiềm năng, thế mạnh, tập trung phát triển nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ cao cấp; ổn định kinh tế nông nghiệp xây dựng quê hương NTM Vân Hà ngày càng giàu đẹp, văn minh xứng danh vùng đất ngàn năm văn hiếu anh hùng.

Đỗ Thị Hảo, Chủ tịch UBND xã/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/xay-dung-ntm-o-lang-nghe-thu-cong-go-my-nghe-van-ha-p42185.html