Xây dựng NTM là chương trình dài hơi nên không thể nóng vội

Sau gần 6 năm triển khai xây dựng, đến nay bộ mặt NTM huyện miền núi Như Thanh (Thanh Hóa) đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần từng bước đi lên.

Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng đã được nâng cấp, làm mới

Xuyên suốt quá trình xây dựng NTM, huyện Như Thanh đã ban hành nhiều kế hoạch, các nghị quyết, chương trình hành động sát với thực tế địa phương, triển khai thực hiện theo phương châm “cán bộ đi trước, dân bước theo sau”.

Để mọi việc hanh thông, lãnh đạo Thường trực Huyện ủy đã không quản khó khăn, xuống tận cơ sở trực tiếp nắm bắt tình hình, nhìn nhận vấn đề rồi từ đó đưa ra các biện pháp tháo gỡ kịp thời. Cùng với đó, đảng bộ, chính quyền huyện cũng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, cách nghĩ.

Chia sẻ về chặng đường đã qua, ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Như Thanh cho biết: “Xây dựng NTM là chương trình dài hơi nên không thể nóng vội, phải có lộ trình, kiên trì thực hiện từng bước một. Muốn làm được điều đó, đòi hỏi quyết tâm chính trị vững vàng, tư tưởng trong dân phải thống nhất, một khi lòng dân đã thuận thì khó khăn mấy cũng sẽ vượt qua”.

Huy động hiệu quả sức dân là tiền đề xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng

Thay vì vừa triển khai vừa chờ hỗ trợ của Nhà nước như nhiều nơi, Như Thanh luôn chủ động vượt khó bằng cách tập trung huy động đa dạng các nguồn lực, trong đó lấy nhân dân làm chủ thể, đồng thời vận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của trên để kích cầu.

Trong quá trình xây dựng NTM, xã Phú Nhuận được xem là điểm sáng của huyện Như Thanh. Huy động được gần 130 tỷ đồng, xã đã nâng cấp, mở rộng đường nông thôn; sửa chữa, xây mới thủy lợi nội đồng, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế đạt chuẩn. Thu nhập bình quân đầu người đạt 23,5 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,2%.
Năm 2015, xã được công nhận đạt chuẩn NTM.

Theo đó, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình SX nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.

Từ năm 2015 đến nay đã chuyển đổi được gần 100 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng mía nguyên liệu và rau màu cao cấp (32 ha mía, 29 ha ớt xuất khẩu, 36 ha rau màu khác) tập trung ở các xã Yên Thọ, Xuân Du, Phú Nhuận...

Với lợi thế quỹ đất lâm nghiệp dồi dào, trong những năm qua, huyện Như Thanh đã thành lập các ban phát triển rừng từ cấp xã xuống đến tận các thôn, bản để tuyên truyền, hướng dẫn công tác khuyến nông, khuyến lâm; từng bước chuyển giao tiến bộ KHKT, lồng ghép nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nhân dân trồng và chăm sóc rừng. Nhờ vậy, diện tích rừng trồng được phủ xanh đáng kể sau từng năm.

Kể từ khi triển khai xây dựng chương trình NTM, huyện Như Thanh đã huy động được hơn 1.647 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí trên, địa phương đã làm mới được trên 41 km đường giao thông nội đồng, 290 km đường trục thôn, ngõ xóm; xây dựng và nâng cấp được 48,8 km hệ thống kênh mương...

Hiện Như Thanh đã có 3 xã cán đích NTM, dự kiến đến cuối năm 2016 sẽ có thêm 2 xã hoàn thành 19 chỉ tiêu.

Trồng ớt cay xuất khẩu cho hiệu quả kinh tế cao ở Như Thanh

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/xay-dung-ntm-la-chuong-trinh-dai-hoi-nen-khong-the-nong-voi-post177123.html