Xây dựng nông thôn mới, nhìn từ Bắc Giang - Bài 2: Cách làm từ Lão Hộ

Xã Lão Hộ, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) không thuộc diện 11 xã thí điểm XDNTM của cả nước nhưng chủ động triển khai XDNTM ngay sau khi Nghị quyết 26 của Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn ra đời.

- Trên đường về xã Lão Hộ, một xã vùng sâu, từ xa đã nhìn thấy những ống khói của những lò gạch tuy - nen cao vút, thấy nhà xưởng của các xí nghiệp sản xuất gạch xây cất khá lớn, thấy một vùng ao hồ nuôi cá và những dãy chuồng trại nuôi lợn, gà bên những khu ao hồ. Đây đó xuất hiện những ngôi nhà biệt thự kiên cố, có nhà xây xong cây cối sum suê, có nhà đang xây dang dở gạch ngói gỗ lạt ngổn ngang. Khung cảnh đó là minh chứng cho một vùng quê đang chuyển mình và ăn nên làm ra. Vừa gặp chúng tôi, Phó Bí thư Đảng ủy Trần Tân Hợi giới thiệu về quê hương một cách đầy hình ảnh, rằng cách nay vài năm thôi, khi muốn quay cảnh làng quê nghèo đói, lạc hậu thì các nhà làm phim đều tìm đến Lão Hộ. Vì rằng – ông Hợi nói như giãi bày- Lão Hộ là một xã thuần nông, lại ở vùng trũng, cứ mưa lớn là nước các nơi dồn về biến cả xã thành cái túi chứa nước. Diện tích canh tác đầu người bình quân 336 m2 mà nhiều cánh đồng chỉ làm được một vụ, dân không có nghề phụ gì ngoài “nghề” lên rừng lấy dây rừng về bán, thử hỏi như thế thì làm sao không nghèo? - Như những gì đang hiện diện, chúng tôi thấy Lão Hộ là một xã khá. - Có thể là chưa khá nhưng từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 03 của Huyện ủy về XDNTM thì Lão Hộ thật sự đang chuyển biến rõ rệt. Ông Lương Đức Giang, Huyện ủy viên, Chủ tịch xã khẳng định. - Vậy thì chuyển biến bắt đầu từ đâu? Chúng tôi đặt vấn đề. Vùng úng lụt chỉ trồng lúa một vụ đã biến thành gia trại nuôi cá, lợn, vịt cho thu nhập cao tại xã Lão Hộ, Yên Dũng. Ảnh: Quang Vinh Bộ Tài chính cho biết, ngoài số kinh phí thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tại 11 xã điểm năm 2009 - 2010, năm 2011, ngân sách Trung ương đã bố trí 1.600 tỷ đồng kinh phí để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, trong quá trình phân bổ vốn cần lưu ý ưu tiên cho những địa phương khó khăn và địa phương làm tốt. Quay ngược lại quá khứ chưa xa lắm, những cán bộ lãnh đạo của xã đã kể cho chúng tôi nghe về những trăn trở của họ tìm cách cho dân bớt nghèo. Chuyện như một sự tình cờ khi có một người từ TP Bắc Giang đến xã thuê một vùng ao hồ và ruộng bị úng lụt để nuôi cá. Không ai tin vào hiệu quả của cách làm này; vả chăng có tin thì cũng không có tiền đầu tư cải tạo ao hồ, be bờ đắp đập, che chắn úng lụt và lại càng không có tiền mua con giống, thức ăn… - Nhưng giả sử có tiền thì khi đó có ai dám đầu tư không? Tôi hỏi một cán bộ xã đi cùng. - Tôi nghĩ là khó có người nào, vì nuôi cá là một nghề mới, thả con cá xuống biết nó thế nào, ai dám bỏ hàng đống tiền xuống vùng ao hồ luôn bị ngập lụt. Thế nhưng người thuê ao thả cá đã thành công. Điều này gợi ra cho lãnh đạo xã một ý nghĩ có thể biến chỗ cực kỳ khó khăn của xã và vùng úng lụt thành lợi thế. - Anh xem, mấy chục ha nuôi cá của xã bắt đầu hình thành từ suy nghĩ như vậy. Chủ tịch xã Lương Đức Giang nói. Cái nghèo đời nọ truyền đời kia là ở cái nguyên nhân ngập lụt này, ông Giang tiếp tục câu chuyện- vậy mà ở cái nơi ấy lại sinh lời hơn làm lúa thì cái khó muôn đời đã được giải quyết nên cán bộ vững tin lắm… Chính vì sự vững tin này mà cán bộ xã là những người đi tiên phong thuê vùng trũng làm lúa không hiệu quả để nuôi cá; và dần biến những vùng này thành các gia trại nuôi cá, vịt, lợn. Cũng phải nói thêm rằng, với những người dũng cảm dám nghĩ, dám làm xã đã đứng ra bảo lãnh cho họ vay vốn từ 100-200 triệu đồng/hộ để nuôi cá và phát triển các gia trại, đến nay toàn bộ số vốn vay đều trả đúng kỳ hạn, 18 hộ trả trước hạn. Hiện 48 ha gia trại của 20 hộ (mỗi hộ từ 1-3 ha) cho thu nhập cao hơn 500 ha trồng lúa của toàn xã. Những gia trại này còn là nơi giải quyết việc làm cho nhiều lao động lúc nông nhàn. “Nhưng quan trọng hơn, những gia trại này đã đi tiên phong đặt nền móng cho một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa của xã, cũng là một khuôn mẫu về việc dồn điền đổi thửa, thoát khỏi cách làm ăn manh mún và tìm ra cung cách làm ăn mới có hiệu quả cao”, ông Giang nhận xét. Có thể nói, chương trình XDNTM ở Lão Hộ bắt đầu từ việc đột phá vào điểm yếu nhất của xã là biến vùng úng lụt thành lợi thế. Nếu căn cứ vào 19 tiêu chí XDNTM thì việc này chính là tiêu chí tổ chức lại sản xuất. Và đối với Lão Hộ tiêu chí này là quan trọng nhất, vì có tổ chức lại sản xuất thì mới nâng cao hiệu quả để thực hiện được tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân. Cũng chính từ suy nghĩ và kinh nghiệm này nên đồng thời lãnh đạo xã đưa vùng đất không thể cấy trồng chuyên canh vào làm gạch. Đến Công ty cổ phần Hải Hà của ông chủ là cựu chiến binh Nguyễn Văn Thắng chuyên sản xuất gạch tiêu thụ khắp trong Nam ngoài Bắc với công suất 80 triệu viên/năm, chúng tôi thấy cơ ngơi rất lớn. Hầu hết các khâu sản xuất đã được cơ giới hóa, với 140 công nhân; tất cả những người bị thu hồi đất cho dự án này đều vào làm công nhân với mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Ông Trần Tân Hợi nói: Toàn xã có 2 khu sản xuất gạch tuy-nen đều là vùng ven sông, canh tác kém hiệu quả và một nhà máy may công nghiệp. Có kinh nghiệm xử lý vùng trũng nên xã có kế hoạch biến các mỏ đất sau khi đã khai thác hết thành các ao hồ nuôi cá và du lịch sinh thái. - Với việc phát triển các ngành nghề như vậy đời sống nhân dân tăng lên nhiều không? Tôi hỏi ông Hợi. - Tất cả các dự án làm gạch hay gia trại chỉ mới cho hiệu quả ban đầu, một số chủ gia trại đã khá giả nuôi được con cái đi học Đại học, Cao đẳng nhưng nhìn chung đời sống bà con toàn xã mới giảm nghèo chứ chưa thực sự hết nghèo, cụ thể tỷ lệ hộ nghèo năm 2005 là 57% thì năm 2010 chỉ còn 17% (tiêu chí mới là 20%). Ông Hợi nói tiếp, ví dụ như năm 2008 thu nhập bình quân đầu người là 9,7 triệu đồng/năm thì năm 2010 đã tăng lên 16,8 triệu đồng. Hay như về giáo dục thì năm 2006 cả xã chỉ có 7 sinh viên đại học, cao đẳng thì nay đã có 30 sinh viên. Và quan trọng nhất là cùng với tổ chức lại sản xuất, xã đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 500 lao động và có việc làm. Theo đó, tỷ lệ lao động nông nghiệp đã giảm xuống còn 39,55%, và theo đà này tỷ lệ lao động nông nghiệp còn tiếp tục giảm. Tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm chứng tỏ sự biến chuyển về chất của việc tổ chức lại sản xuất; chính xác hơn đó là kết quả của việc tổ chức lại sản xuất đúng hướng. Nhờ tổ chức lại lao động mà ở Lão Hộ xuất hiện một cục diện mới “ly nông bất ly hương”, không có người đi buôn bán, làm thuê khắp nơi mà thay vào đó là đào tạo nghề để xuất khẩu lao động; để sau khi những lao động này về nước sẽ là nguồn lực bổ sung cho việc chuyển đổi và phát triển ngành nghề mới. Về Lão Hộ trong những ngày cả nước chung sức đồng lòng XDNTM mới thấy khí thế tưng bừng từ cán bộ đến mỗi người dân. Tất cả đều cởi mở chia sẻ và sẵn sàng bàn luận phương hướng làm giàu. Sự vui mừng và tự tin đó dường như là kết quả của việc chinh phục thành công vùng trũng, biến khó khăn thành thuận lợi, tạo tiềm lực để hướng đến sự phát triển vững bền. “XDNTM không phải là phép màu mà là sự phấn đấu tích cực chủ động của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã, không thể trông chờ ỷ lại vào Trung ương hay tỉnh, huyện. Tuy nhiên, sự đầu tư theo chương trình là vô cùng quan trọng. Ví dụ, nếu không có hệ thống thủy lợi tốt thì làm sao nuôi cá trong mùa lũ hay mùa khô, nếu không có đường giao thông thì doanh nghiệp nào đến đầu tư? Nhưng sự đầu tư đó chỉ thật sự phát huy hiệu quả khi mỗi người nông dân và cán bộ biết phát hiện và nắm lấy cơ hội để làm một cuộc đổi đời”, Chủ tịch xã Lương Đức Giang khẳng định. Thực tế cho thấy, ở xã Lão Hộ - từ cán bộ đến người dân – chương trình XDNTM thật sự đã là cơ hội đổi đời. Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng - Bắc Giang: Lão Hộ là một xã nghèo của huyện Yên Dũng, trước đó vào năm 2005 xã có trên 57% hộ nghèo. Nhưng từ 2005-2010 Lão Hộ đã có bước đột phá trong phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân. Do đó tỷ lệ hộ nghèo của Lão Hộ đã giảm còn 17%. Có được thành công này là do cấp ủy chính quyền địa phương là một tập thể mạnh, đoàn kết đáp ứng tốt được yêu cầu nhiệm vụ. Xã đã xác định được nhiệm vụ trọng tâm cho việc phát triển kinh tế của địa phương, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như thu hút đầu tư của các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn; thu hút đầu tư cho phát triển các mô hình trang trại nuôi trồng thủy sản; tập trung cho xuất khẩu lao động, đào tạo nghề cho lao động địa phương. Từ đó góp phần tăng thu nhập cho người dân, giảm hộ nghèo trong nông thôn. Đặc biệt Lão Hộ đã tranh thủ rất tốt nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình dự án từ Trung ương đến địa phương và sử dụng vốn của các chương trình này rất hiệu quả. Quang Vinh - Viết Tôn Bài 3: Ba vấn đề khó

Nguồn TTXVN: http://baotintuc.vn/129n20110701091930572t0/xay-dung-nong-thon-moi-nhin-tu-bac-giangbai-2-cach-lam-tu-lao-ho.htm