Xây dựng nông thôn mới: Hãy đặt người dân vào vị trí trung tâm

Trong những ngày đầu đông, chúng tôi đến với huyện Quản Bạ và thấy được diện mạo dần đổi thay của một trong 6 huyện nghèo nhất tỉnh Hà Giang. Những con đường bê tông, kênh mương nội đồng, những căn nhà khang trang mọc lên ngày càng nhiều... Sự no ấm đang dần dần đến với mọi người, mọi nhà.

Cách thức thực hiện với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân ở nhiều thôn bản đã đóng góp công sức làm nên những đường bê tông giao thông nông thôn như thế này. Trong ảnh: Con đường bê tông dài hàng km ở thôn Tùng Vài Phìn (xã Tùng Vài,

Tuy nhiên, rời khu trung tâm của nhiều thôn, bản, chúng tôi thấy cái nghèo vẫn hiện diện khắp nơi. Công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Quản Bạ nói riêng và Hà Giang nói chung vẫn còn gian nan và cần những đột phá để vượt khó trên con đường dài này.

Những thành tựu đạt được

Chương trình xây dựng NTM là một chương trình trọng tâm của Nghị quyết số 26-NQ/TW, nghị quyết toàn diện nhất về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ trước tới nay. Hồi đầu năm 2016, thông tin từ hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015 của Hà Giang cho thấy, diện mạo nhiều vùng thôn, bản của tỉnh được đổi thay, hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu được nâng cấp, đời sống đa số nông dân được cải thiện, hộ nghèo giảm, nhiều nét đẹp văn hóa được phát huy, tình làng nghĩa xóm được vun đắp, đội ngũ cán bộ trưởng thành một bước.

Tính đến hết năm 2015, toàn tỉnh Hà Giang có 11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, xếp thứ 33/63 tỉnh thành trong cả nước. Có 1 xã đạt 18/19 tiêu chí; 25 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí; 121 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí và 18 xã đạt dưới 5 tiêu chí; bình quân mỗi xã đạt 7,9 tiêu chí.

Trong công tác chỉ đạo điều hành, Hà Giang thực hiện mô hình Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia (CT MTQG) xây dựng NTM các cấp đặt dưới sự lãnh đạo của Bí thư cấp ủy đã huy động được toàn thể hệ thống chính trị thực hiện chương trình, thống nhất được công tác chỉ đạo, điều hành nhằm triển khai thực hiện xây dựng NTM hiệu quả tốt hơn... Tổng nguồn lực huy động thực hiện chương trình là trên 2.900 tỉ đồng, trong đó: Vốn CT MTQG là 377 tỉ đồng, vốn lồng ghép trên 2.000 tỉ đồng, vốn huy động đóng góp của các tổ chức cá nhân trên 479 tỉ đồng.

Trong 5 năm, Hà Giang đã nâng cấp và làm mới 1.512km đường giao thông nông thôn; làm mới, cải tạo, nâng cấp được 670 công trình thủy lợi; đầu tư, cải tạo 508 công trình lưới điện 0,4kV; cải tạo, nâng cấp 415 trường học; 460 nhà văn hóa xã, thôn; nhân dân hiến trên 1,6 triệu mét vuông đất, đóng góp trên 1,8 triệu ngày công để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Giai đoạn 2016 - 2020, Hà Giang phấn đấu có thêm 27 xã hoàn thành 19 tiêu chí; các xã còn lại phấn đấu mỗi xã hàng năm tăng từ 1 - 2 tiêu chí. Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao: Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân toàn tỉnh 4%/năm, trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Đó là những kết quả đáng ghi nhận vì Hà Giang có 11 huyện, thành phố song có tới 7 huyện biên giới trong đó 6 huyện biên giới đều nằm trong diện nghèo với 135 xã nghèo. Đó là con số lớn, khiến lãnh đạo tỉnh Hà Giang luôn trăn trở, bà Tô Thị Giang- Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang - cho chúng tôi hay.

4 mục tiêu lớn: Điện - đường - trường - trạm

Chương trình xây dựng NTM có thể khái quát theo 5 nội dung cơ bản như sau: Thứ nhất, đó là làng, xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại. Thứ hai, sản xuất phải phát triển bền vững theo hướng kinh tế hàng hóa. Thứ ba, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, nông thôn ngày càng nâng cao. Thứ tư, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn. Thứ năm, xã hội nông thôn an ninh tốt, quản lý dân chủ.

Trên cơ sở bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, Chính phủ đã ban hành Quyết định 800 QĐ-TTg, ngày 4.6.2010 về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020, nêu rõ 19 tiêu chí và 7 nhóm giải pháp. 19 tiêu chí bao quát hầu hết các lĩnh vực, cả về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, môi trường, an ninh… Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn lực có hạn, Hà Giang đã cụ thể hóa thành 4 mục tiêu lớn: Điện - đường - trường - trạm để đánh giá công tác xã hội hóa của địa phương.

Ví như tuyến đường trục chính nối thôn Nà Khà (xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên) thường bị cô lập vào mùa mưa lũ khiến đời sống của nhân dân bị ảnh hưởng, trẻ nhỏ thường xuyên phải nghỉ học. Sau khi họp thôn lấy ý kiến của nhân dân để triển khai, việc xây dựng 2 cây cầu bản đã được khởi công ngay sau cuộc họp này. Với nguồn vốn sự nghiệp giao thông hàng năm của xã, xã đã trích 60 triệu đồng để mua ximăng, sắt, đá hộc để xây dựng 2 cây cầu. Nhân dân đóng góp vật liệu cát, sỏi, công lao động quy ra tiền khoảng 55,63 triệu đồng. Tổng kinh phí xây dựng 2 cây cầu tại thôn Nà Khà (một chiếc cầu dài 15m, rộng 5m; chiếc còn lại dài 5m, rộng 3m) là 115,63 triệu đồng. Chỉ trong khoảng gần hai tháng thi công, 2 cây cầu đã được khánh thành vào tháng 5.2016. Mặc dù mạch vữa còn cong queo, những viên đá xây móng còn chưa đẹp, nhưng qua đó thấy được hiệu quả của việc xã hội hóa cũng như sự đồng thuận của người dân trong công cuộc xây dựng NTM.

Hay như với khoảng thời gian chỉ 2 năm thuộc giai đoạn 2011 - 2015, vùng quê nghèo Bắc Mê đã có những thay đổi rõ nét. Những con đường bê tông nội thôn trải dài, những ngôi nhà mới khang trang bên lưng chừng núi; làng văn hóa du lịch cộng đồng đậm đà bản sắc; cụm quy tụ dân cư ấm tình đoàn kết và những mô hình kinh tế hiệu quả... Những thôn điểm xây dựng NTM trên địa bàn huyện Bắc Mê như Nà Xá, Bắc Bừu (Yên Định); Nà Vuồng, Bản Đuốc, Bản Lầng (Yên Phong); làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Bản Lạn (thị trấn Yên Phú)... với nhiều cách làm mới hiệu quả đạt nhiều kết quả ấn tượng. 56 đợt ra quân xây dựng NTM đã thu hút gần 9.000 người tham gia; làm mới trên 13,79km đường bê tông; tu sửa và nâng cấp gần 39km đường giao thông liên thôn; di dời 4.446 chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở; bó láng 673 nền nhà; xây dựng 157 công trình vệ sinh, 127 bể nước sinh hoạt; cứng hóa nhiều công trình sân trường học, nhà văn hóa, chuồng trại chăn nuôi; hàng trăm hộ được gắn biển “Nhà sạch, vườn đẹp”, gần 2.000 hộ gia đình có hàng rào, khuôn viên đẹp; đào tạo nghề cho 2.918 người... và tạo việc làm cho 3.716 người.

Xã Quang Minh (huyện Bắc Quang) cũng bám theo 4 mục tiêu then chốt này để thực hiện chương trình xây dựng NTM. Trong đó, giáo dục là “chìa khóa” và được xã xem là mục tiêu hàng đầu của chương trình. Theo đó, trong năm học 2013 - 2014, kết quả bước đầu rất tích cực: 96% số học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên THPT, qua đó nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo lên 39%; có 6 trường học (1 trường mầm non, 4 trường tiểu học, 1 trường THCS). Các trường học hầu hết được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học. Hiện, 2 trường của xã đạt chuẩn quốc gia là trường mầm non và trường THCS Quang Minh.

Trạm y tế xã Quang Minh cũng duy trì tốt công tác khám, chữa bệnh và cấp thuốc đầy đủ cho người dân nên được công nhận là trạm y tế đạt Bộ tiêu chí Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020.

Hiểu được lòng dân, dân ủng hộ

Thực tế thành công của nhiều xã, thôn bản cho thấy, các cấp chính quyền đặt người dân vào vị trí trung tâm theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi" thì các mục tiêu, chương trình sẽ sớm hoàn thành như việc xây dựng cầu ở thôn Nà Khà nêu trên hay nhiều địa phương đã đạt chuẩn NTM khác.

Ban chỉ đạo CT MTQG xây dựng NTM tỉnh Hà Giang cũng từng đúc rút ra các bài học kinh nghiệm như sau: Thứ nhất, xây dựng, triển khai, thực hiện phong trào thi đua phải tạo được động lực, khí thế thi đua mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân giữa các thôn bản, xã và các địa phương, gắn các tổ chức đoàn thể quần chúng xã hội và cả hệ thống chính trị. Thứ hai, phong trào thi đua phải gắn với chủ đề, nội dung cụ thể của các đối tượng thực hiện phong trào. Thứ ba, gắn công tác vận động, tuyên truyền với việc triển khai thực hiện chương trình, đảm bảo tính thường xuyên, liên tục của phong trào mọi lúc mọi nơi. Thứ tư, thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện, phát hiện kịp thời nhân tố mới, gương điển hình tiên tiến để tuyên truyền, nhân rộng, kịp thời điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp, tạo nền tảng vững chắc cho phong trào thi đua đạt kết quả cao. Thứ năm, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở trong xây dựng và vận động thực hiện phong trào thi đua xây dựng NTM. Thứ sáu, thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, đảm bảo khen thưởng phải chính xác, công khai, công bằng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu về động viên, học tập, nhân rộng, nêu gương các tập thể, cá nhân điển hình trong xây dựng NTM.

"Người dân sẵn sàng góp công sức để làm. Khi cộng đồng cùng chia sẻ, giúp đỡ thì sẽ vượt qua mọi khó khăn", anh Lý Tào Quốc, 33 tuổi (SN 1982), Bí thư Chi bộ thôn Trúc Sơn (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ), đúc kết.

GIA MINH

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/xay-dung-nong-thon-moi-hay-dat-nguoi-dan-vao-vi-tri-trung-tam-615287.bld