Xây dựng nông thôn mới: Chỉ chú ý cơ thể, chưa quan tâm tới tâm hồn

Xây dựng nông thôn mới mới chỉ chú ý đến cơ thể mà chưa quan tâm tới tâm hồn, tức là chỉ chú ý đến xây dựng kết cấu hạ tầng mà chưa quan tâm đến tổ chức sản xuất, tăng giá trị, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người nông dân.- Đó là ý kiến của Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn (đại biểu tỉnh Bạc Liêu) trong phiên thảo luận toàn thể tại hội trường sáng nay 4-11 về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đại biểu Lại Xuân Mônđánh giá: Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả quan trọng, người dân thay đổi nhận thức, phấn khởi tin tưởng vào chủ trương, chính sách.

Chương trình này huy động nguồn lực lớn nhất trong tất cả chương trình. Kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, thuận lợi cho sản xuất và mưu sinh của người nông dân, giá trị xuất khẩu tăng thu nhập người nông dân cũng tăng.

Tuy nhiên, trong xây dựng nông thôn mới không ít địa phương còn nóng vội và chạy theo số lượng và thành tích cho đủ 19 tiêu chí, ít quan tâm chất lượng. Một số nơi hoàn thành xây dựng nông thôn mới nhưng không thay đổi về hình thức sản xuất, chưa tạo ra giá trị mới, con người mới, cốt cách mới.

Hay nói cách khác, xây dựng nông thôn mới mới chỉ chú ý đến cơ thể mà chưa quan tâm tới tâm hồn, tức là chỉ chú ý đến xây dựng kết cấu hạ tầng mà chưa quan tâm đến tổ chức sản xuất, tăng giá trị, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người nông dân.

Cũng như đại biểu Lại Xuân Môn, nhiều đại biểu trong phiên thảo luận sáng nay nhận định, tái cơ cấu chưa tạo ra sự tăng trưởng bền vững, thiếu các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Chất lượng và giá trị sản phẩm, sức cạnh tranh thấp, vệ sinh an toàn thực phẩm, phân bón, thức ăn chăn nuôi giả, kém chất lượng diễn biến phức tạp. Việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận nông dân còn khó khăn.

Đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) cho rằng, nông nghiệp nông thôn hiện nay cần phải có sự chuyển biến về chất. Cần phải tìm động lực mới cho phong trào nông thôn mới.

Theo đại biểu Ngô Sách Thực, tại Điểm 1dự thảo nghị quyết nông thôn mới, cần phải xem lại đánh giá “xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng khắp cả nước”. Theo đại biểu, “rộng khắp cả nước thì có nhưng sâu thì chưa đúng”. Bởi giai đoạn vừa qua xây dựng nông thôn mới chủ yếu hạ tầng, còn phương thức sản xuất, năng suất lao động và nông nghiệp cơ bản vẫn manh mún và thiếu tính bền vững. Ông cho rằng, nếu không tập trung vào nội dung này, nông thôn mới cũng chưa có cái mới.

Đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định) nêu ý kiến, trong chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cần tránh tư tưởng nóng vội, chạy theo thành tích. Biểu hiện ở đây là huy động quá sức dân, là việc đánh giá kết quả thực hiện không sát các tiêu chí. Có tình trạng công nhận xã nông thôn mới nhưng cho nợ tiêu chí. Có xã được công nhận nông thôn mới nhưng lại trở thành con nợ lớn. Vì vậy, chính quyền lo, nhân dân lo, kém hẳn đi phần phấn khởi.

Đáng chú ý, nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới của cả nước hiện này là 15,2 ngàn tỷ đồng, đây là một con số lớn so với kinh tế nông thôn.

Khắc phục hai mâu thuẫn, 6 điểm nghẽn và 5 khó khăn

Phân tích về những khó khăn, thách thức trong xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian tới, đại biểu Lại Xuân Môn nêu cụ thể: Đối với nông nghiệp có hai mâu thuẫn lớn là sản xuất nhỏ mà thị trường rộng lớn, đầu tư thấp mà rủi ro rất cao. Đối với nông thôn thì đang gặp 6 điểm nghẽn là đất đai, chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch sản xuất, liên kết vùng và doanh nghiệp trong nông thôn. Đối với nông dân thì có 5 khó khăn: thiếu vốn, khoa học kỹ thuật, thị trường, ô nhiễm môi trường và lúng túng trong xây dựng thương hiệu.

Từ tình hình trên, đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung các nội dung: Thứ nhất rà soát lại các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới cho phù hợp và khả thi.

Xây dựng nông thôn mới phải đi vào thực chất, tập trung vào chất lượng, không chạy theo số lượng, đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu.

Nông thôn mới phải tạo ra sinh kế mới, giá trị mới, con người mới và đời sống mới, dinh dưỡng mới. Phát huy được quyền chủ thể của nông dân, nếu phát huy được chủ thể của nông dân sẽ tạo ra động lực, nguồn lực để huy động toàn xã hội.

Tái cơ cấu nông nghiệp phải đi bằng hai chân: bênh cạnh việc tổ chức lại sản xuất, phải tích tụ ruộng đất, gắn với liên kết sản xuất và thị trường, cần tập trung vào khoa học, công nghệ.

“Khoa học, công nghệ ở đây nhà nước phải đầu tư tín dụng cho cơ sở nghiên cứu khoa học để khoa học thực sự dẫn dắt, là đầu tàu tạo ta các loại giống đồng nhất và chất lượng cao để thích ứng với biến đổi khí hậu”- đại biểu Lại Xuân Môn nói.

Cũng như đại biểu Lại Xuân Môn, nhiều đại biểu kiến nghị ưu tiên tăng vốn đầu tư cho tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ nguồn lực cho các tỉnh đặc biệt khó khăn, các xã vùng núi, vùng bãi ngang, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ.

“Phải đầu tư phát triển cho nông thôn để giữ dân, đồng thời thu hút người dân ở thành thị về với nông thôn. Nếu nông thôn nghèo đói, bất ổn định thì ai cũng tìm cách để lên thành phố”. Và như vậy, thì công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp sẽ khó để đạt mục tiêu như mong muốn.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/31169502-xay-dung-nong-thon-moi-chi-chu-y-co-the-chua-quan-tam-toi-tam-hon.html