Xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Trên cơ sở đồng thuận của các thành viên Chính phủ, ngày 13/6/2017, Văn phòng Chính phủ có công văn số 6102/VPCP-KTTH thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính tại Tờ trình 48/TTr-BTC, giao Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thay thế Nghị định số 90/2011/NĐ-CP, trình Chính phủ xem xét ban hành vào quý III/2017.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nội dung Nghị định được xây dựng tập trung vào những nhóm chính sách lớn như:

Thứ nhất, nhóm chính sách về hoàn thiện điều kiện phát hành, hồ sơ phát hành và thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành TPDN

Nghị định số 90/2011/NĐ-CP được ban hành năm 2011, trong giai đoạn đầu thị trường trái phiếu doanh nghiệp đi vào hoạt động, đến nay, thị trường đã có những bước phát triển nhất định, do đó cần có các bổ sung, sửa đổi về điều kiện phát hành, hồ sơ phát hành và thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cho phù hợp.

Bên cạnh đó, do quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhỏ, doanh nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh nên để thúc đẩy các doanh nghiệp huy động vốn qua phát hành trái phiếu, cần thiết phải hoàn thiện quy định về điều kiện phát hành, hồ sơ phát hành, thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong việc huy động vốn trái phiếu của doanh nghiệp.

Thứ hai, nhóm chính sách về tăng cường công khai thông tin, hoàn thiện chế độ thông tin, báo cáo về phát hành TPDN

Xuất phát từ thực tế hiện nay việc huy động vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ tương đối khép kín, các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành trái phiếu, các nhà đầu tư có nhu cầu mua – bán trái phiếu không có thông tin về các đợt phát hành cũng như tình hình hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, điều này đã hạn chế hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hầu hết các trái phiếu doanh nghiệp sau khi phát hành được nắm giữ đến ngày đáo hạn, không có giao dịch trên thị trường thứ cấp, tính thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư.

Do đó, nhằm thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, tăng quy mô và tính thanh khoản của thị trường bên cạnh việc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về điều kiện phát hành, hồ sơ phát hành cũng như quy định đồng bộ về thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành TPDN cần thiết phải thực hiện các giải pháp tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường thông qua việc hoàn thiện chế độ thông tin, báo cáo để góp phần phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động an toàn, hiệu quả, thu hút được sự tham gia ngày càng đông đảo của các doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư.

Trên cơ sở các định hướng chính sách đã được Chính phủ phê duyệt nêu trên, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 90/2011/NĐ-CP ngày 14/11/2011 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo đúng quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật để trình Chính phủ ban hành nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu để phát triển sản xuất kinh doanh.

Ngày 14/10/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp làm cơ sở pháp lý cho việc huy động vốn của doanh nghiệp thông qua phát hành trái phiếu.

Theo đó, quá trình triển khai thực hiện Nghị định 90 từ năm 2011 cho đến nay có thể thấy bên cạnh những kết quả đã đạt được, Nghị định đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần phải sửa đổi để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế và thị trường tài chính, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu.

Ngày 16/05/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, theo đó mục tiêu của Nghị quyết là đến năm 2020 xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.

Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, Chính phủ đã đưa ra các nhóm giải pháp khác nhau, trong đó phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ và giải pháp để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn để phát triển sản xuất kinh doanh (Điểm 3 phần II Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ).

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ và thực hiện theo quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các tổ chức có liên quan tổng kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 90.

Căn cứ nội dung tổng kết, đánh giá, Bộ Tài chính dự thảo Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 90, dự thảo đề nghị xây dựng Nghị định đã được lấy ý kiến các Bộ, ngành, đồng thời đăng lên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và tổ chức hội thảo để lấy ý kiến thành viên thị trường trái phiếu và công chúng.

Ý kiến các Bộ, ngành, ý kiến của thành viên thị trường trái phiếu và công chúng đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ thay thế Nghị định số 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Theo mof.gov.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/xay-dung-nghi-dinh-thay-the-nghi-dinh-90-2011-ndcp-ve-phat-hanh-trai-phieu-doanh-nghiep-115801.html