Xây dựng nền tảng vững chắc cho phát triển du lịch

(baodautu.vn) Nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và việc Việt Nam đăng cai tổ chức Diễn đàn Đầu tư - Du lịch ASEAN, phóng viên Báo Đầu tư đã trao đổi với ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về một số vấn đề liên quan đến thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

Bộ trưởng đánh giá về những lợi thế trong phát triển du lịch của nước ta hiện nay? Đến nay, chúng ta có 11 di sản văn hóa thế giới. Mới đây nhất, Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận di tích Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bên cạnh đó, trong nhiều nhiều năm qua, chúng ta đã xây dựng được nền tảng cơ sở vật chất cho phát triển du lịch. Hiện nay, chúng ta có khoảng 50 khách sạn 5 sao, hơn 100 khách sạn 4 sao và 200 khách sạn 3 sao. Nước ta hiện có trên 11.000 cơ sở lưu trú và gần 200.000 tour du lịch, đảm bảo để có thể tiếp nhận 7 - 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế và khoảng 30 triệu lượt khách nội địa. Bộ trưởng có thể cho biết những kết quả mà ngành du lịch đã đạt được trong công tác quy hoạch phát triển trong 10 năm qua? Năm nay, chúng ta kết thúc quy hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2001 – 2010, triển khai tại 21 tỉnh, thành phố. Chúng tôi đang chỉ đạo xây dựng quy hoạch giai đoạn 2011 - 2020 và dự thảo về chiến lược phát triển du lịch từ nay đến năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ. Trong giai đoạn mới, quy hoạch sẽ mở rộng địa bàn tới 40 tỉnh, thành phố trong cả nước; chú trọng liên kết du lịch giữa vùng, miền; đồng thời tập trung vào đặc trưng của từng địa phương. Đặc biệt, trong quy hoạch giai đoạn này, sẽ đầu tư mạnh vào phát triển cơ sở hạ tầng - một điểm yếu mà lâu nay chúng ta còn chậm triển khai. Trong khối ASEAN, thu hút khách du lịch của Việt Nam hiện được xếp ở vị trí nào, thưa Bộ trưởng? Hiện Việt Nam đứng thứ 5 trong ASEAN. Malaysia đứng đầu, với trên 23 triệu lượt khách quốc tế mỗi năm; Thái Lan xếp thứ 2, với 15 triệu lượt khách; Singapore đứng thứ ba, với khoảng 8 triệu, thứ 4 là Indonesia,với khoảng 5,5 triệu lượt khách. Chúng ta xếp thứ 5, với khoảng 5 triệu lượt khách. Việt Nam hiện được đánh giá là có cơ hội để vươn lên vị trí cao hơn. Cụ thể, chúng ta sẽ làm gì để vươn lên vị trí cao hơn? Thứ nhất, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới. Thứ hai, đào tạo nguồn nhân lực để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của du khách ngày càng cao. Thứ ba, đẩy mạnh liên kết trong ngành du lịch, như liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành, liên kết giữa các địa phương, đồng thời tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng. Chúng ta đang tổ chức Hội chợ triển lãm “Ba quốc gia một điểm đến” tại TP.HCM. Tuy nhiên, Myanmar cũng muốn tham gia chương trình này. Bộ trưởng đánh giá thế nào về việc đó? Tại Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa vừa diễn ra tại Myanmar, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Myanmar đã đề nghị để nước này được tham gia Chương trình “Ba quốc gia một điểm đến” (bao gồm Việt Nam, Lào và Campuchia). Như vậy, 4 quốc gia sẽ trở thành một điểm đến. Trước hết, phải thấy được sức hấp dẫn của 4 quốc gia này, với điều kiện thiên nhiên hết sức đa dạng và phong phú. Nếu như Campuchia nổi tiếng với Angkor Wat, thì Việt Nam có vịnh Hạ Long; nếu như Myanmar là đất nước có rất nhiều chùa chiền và nền văn hóa tín ngưỡng phát triển, thì Lào là đất nước triệu voi, với những nét văn hóa độc đáo. Các quốc gia này có sự tương đồng về văn hóa, nên có thể bổ sung, hỗ trợ nhau. Thứ hai, 4 quốc gia liền kề nhau, nên du khách dễ dàng dịch chuyển từ nước này sang nước khác. Thêm vào đó, chính phủ 4 nước đã cam kết đẩy mạnh phát triển giao thông kết nối giữa các quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho ngành du lịch phát triển.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baiviettieudung/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/tieudung/dulich/7501df367f000001003c8c06a36c82db