Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ ở Tây Ninh (bài 3)

Bài 3: Những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn

Từ xây dựng điểm đến trở thành mô hình điểm là quá trình nỗ lực, phấn đấu rất lớn. Bên cạnh những thành công, những mặt làm tốt, việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ ở Tây Ninh còn bộc lộ những hạn chế, bất cập từ cơ sở. Hoạt động của lực lượng DQTV ở Tây Ninh ngày càng đa dạng, tích cực, dần tạo sự hoàn thiện trong thế trận QP-AN của khu vực phòng thủ. Tuy nhiên, thông qua hoạt động thực tiễn cũng bộc lộ những hạn chế và những bất hợp lý cần sớm củng cố và sửa đổi phù hợp. Trước hết là nói về lực lượng dân quân trên các chốt biên giới. 28 chốt trên toàn tuyến đang phối hợp với các đồn, trạm biên phòng tuần tra, canh gác giữ gìn an ninh trật tự vùng biên giới với nước bạn Cam-pu-chia. Trước đây, từ sáng kiến lập chốt dân quân biên giới của tỉnh Tây Ninh, Quân khu 7 đã chỉ đạo các tỉnh biên giới làm theo. Trên các chốt, lực lượng dân quân là những thanh niên được tuyển chọn tại chỗ, gồm nhiều dân tộc khác nhau, gắn bó, thân thuộc với vùng biên giới, am hiểu phong tục tập quán và địa hình địa vật, thuận tiện cho hoạt động tuần tra, tác chiến tại chỗ. Tuy vậy, khi chúng tôi cùng Trung tá Ngô Thành Đồng, chỉ huy trưởng cơ quan quân sự huyện Bến Cầu kiểm tra đột xuất hai chốt trong đêm và thăm Đồn biên phòng 847 gần đó thì thấy có những điều chưa ổn. Cả hai chốt Bàu Năng (xã Long Phước) và Gò Da (xã Long Khánh) đều chưa có đảng viên, kể cả chốt trưởng cũng là đoàn viên. Vì sao không có đảng viên lên chốt? Bao giờ chốt mới có tổ đảng trực thuộc chi bộ quân sự? Thiết nghĩ chốt dân quân biên giới phải là những người đủ tiêu chuẩn về chính trị và văn hóa để phát triển Đảng, đồng thời ở đó phải có tổ Đảng mạnh trong chi bộ quân sự. Vai trò lãnh đạo của Đảng không thể phát huy tốt khi tại đây không có những đảng viên trực tiếp hoạt động! Đây là nội dung cần sớm được củng cố. Thêm nữa, mối quan hệ phối hợp công tác giữa chốt với đồn biên phòng có đặt ra, song thiếu sự gặp gỡ giao lưu, thường xuyên. Để khắc phục hạn chế đó, Đảng ủy, UBND xã và chi bộ quân sự các địa phương cần tạo điều kiện để các chốt mở rộng hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao với các đồn, trạm biên phòng, qua đó tạo tình cảm thân tình, hiểu biết lẫn nhau, hỗ trợ nhau trong việc nắm vững tình hình, giải quyết các vụ việc, bảo đảm tốt an ninh trật tự trong khu vực đảm nhiệm. Hiện nay, các chốt đều được giao đất để sản xuất, cải thiện đời sống, tạo điều kiện cho dân quân có thu nhập, yên tâm gắn bó với công việc. Có chốt còn làm ăn giỏi, như chốt Đập Đá xã Tân Lập, huyện Tân Biên, trích quỹ xây dựng 3 nhà tình nghĩa cho gia đình dân quân nghèo. Tuy nhiên, chúng tôi thấy chính quyền các địa phương cần tạo điều kiện giao cho chốt dân quân phối hợp với lực lượng kiểm lâm quản lý bảo vệ rừng, vừa giúp cho dân quân chốt có thu nhập, đồng thời tạo điều kiện để họ hoạt động thường xuyên bám sát tuyến biên giới, phù hợp với chức năng nhiệm vụ. Đối với tiểu đội dân quân thường trực tại các xã, phường, cần được quan tâm củng cố nhiều mặt hơn nữa. Làm việc với Ban CHQS phường 4, thị xã Tây Ninh và gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ tiểu đội dân quân thường trực ở đây, chúng tôi không nhận ra những nét tiêu biểu của đơn vị được Cục DQTV (Bộ Tổng tham mưu) chọn xây dựng điểm. Từ đồng chí tiểu đội trưởng đến chỉ huy trưởng quân sự phường đều phải tiếp nhận quá nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ thị xây dựng điểm, song điều kiện để thực hiện thì khó khăn, thiếu thốn. Nếu theo yêu cầu của trên, tiểu đội trưởng phải duy trì nhiều chế độ trong ngày, từ tập thể dục buổi sáng đến giao nhiệm vụ, thông báo thời sự, rồi làm nhiều công việc khác… là quá sức. Có những việc như xây dựng kế hoạch chiến đấu bảo vệ trụ sở phường, lập chương trình huấn luyện, phải là việc của chỉ huy trưởng quân sự xã, phường thì lại xác định là việc của tiểu đội trưởng. Mặt khác, tiểu đội trưởng ở đây (đồng chí Từ Anh Tuấn) chưa qua huấn luyện lớp tiểu đội trưởng, mới học hết trung học phổ thông... Xem ra, cấp ủy, chính quyền địa phương còn thiếu sự quan tâm lãnh đạo, đầu tư về nhân lực cho đơn vị xây dựng điểm. Có điểm chung là các đơn vị DQTV đều kiến nghị thiếu kinh phí hoạt động và mức phụ cấp sinh hoạt ít ỏi. Nhiều nơi còn đề nghị thực hiện chế độ bảo hiểm y tế cho lực lượng dân quân thường trực. Theo chúng tôi, đó là những nguyện vọng chính đáng. Thực tế vừa qua, một số địa phương ở Tây Ninh thực hiện tốt Chương trình 12 kết hợp quân-dân y, mỗi khi dân quân thường trực và dân quân trên chốt bị đau ốm đều được điều trị miễn phí tại bệnh viện đa khoa của huyện. Việc chăm sóc sức khỏe cho DQTV liên quan trực tiếp đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Đối với chức danh phó chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, nhiều ý kiến cho rằng cần phải đưa vào diện cán bộ công chức để hưởng chế độ, nhằm bảo đảm công bằng xã hội và khích lệ họ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bởi theo quy định tại Điều 61, Luật Cán bộ công chức thì chức danh này không phải là công chức, trong khi trách nhiệm của họ với công tác quân sự địa phương khá nặng nề. Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn hoạt động của DQTV và công tác quân sự địa phương ở Tây Ninh rất cần các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, nhằm hoàn thiện dần các quy chế, mô hình tổ chức xây dựng lực lượng và hoạt động huấn luyện, tác chiến ở cơ sở. Bài và ảnh: Đào Văn Sử, Phan Tùng Sơn Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ ở Tây Ninh (bài 2) Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ ở Tây Ninh (bài 1)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/4/39/39/93506/Default.aspx