Xây dựng lòng tin và tôn trọng luật pháp quốc tế

QĐND - Trao đổi bên lề Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 4 đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, nhiều học giả quốc tế cho rằng, các bên trực tiếp và không trực tiếp liên quan đến tranh chấp Biển Đông cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Theo các học giả, đối thoại hòa bình, xây dựng lòng tin và tôn trọng luật pháp quốc tế là những biện pháp phải được ưu tiên thực hiện.

QĐND - Trao đổi bên lề Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 4 đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, nhiều học giả quốc tế cho rằng, các bên trực tiếp và không trực tiếp liên quan đến tranh chấp Biển Đông cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Theo các học giả, đối thoại hòa bình, xây dựng lòng tin và tôn trọng luật pháp quốc tế là những biện pháp phải được ưu tiên thực hiện.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

* Đại sứ Rô-đô-phô C.Xê-vơ-ri-nô (Rodolfo C.Severino), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Xin-ga-po):

Xây dựng lòng tin cho các bên liên quan

Đại sứ Rô-đô-phô C.Xê-vơ-ri-nô cho biết, các bên trực tiếp và không trực tiếp liên quan đến tranh chấp Biển Đông có lúc còn thiếu lòng tin với nhau trong việc giải quyết các tranh chấp. Qua các hội thảo khoa học như Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần này sẽ góp phần xây dựng lòng tin giữa các bên có tranh chấp ở Biển Đông. Nguyên tổng thư ký ASEAN nhấn mạnh: “Tại Hội thảo, chúng tôi không kỳ vọng sẽ giải quyết quyền thực thi pháp lý xung quanh các vấn đề tranh chấp và các tuyên bố đối lập. Điều chúng tôi muốn làm là xây dựng lòng tin giữa các bên liên quan”.

Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, để xây dựng lòng tin sẽ cần nhiều thời gian cũng như sự cố gắng và nỗ lực của tất cả các bên có liên quan. Tại các hội thảo khoa học về Biển Đông trước đó cũng có các tham luận đã đề cập tới giải pháp xây dựng lòng tin và nhận được nhiều sự chú ý của dư luận. Nhiều học giả tại Hội thảo khoa học lần này cũng cho rằng, các biện pháp xây dựng lòng tin an ninh biển như việc thiết lập đường dây nóng, tổ chức tuần tra hải quân chung ít nhiều đã cải thiện được môi trường và quản lý vấn đề tranh chấp Biển Đông dễ dàng hơn.

* Đại sứ Ha-xdim Da-lan (Hasjim Djalal), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (In-đô-nê-xi-a):

Hãy làm từ những việc dễ dàng nhất

Đại sứ Ha-xdim Da-lan cho biết, để giải quyết các tranh chấp và xung đột giữa các bên liên quan trong vấn đề Biển Đông nên đi từ những việc đơn giản nhất. Theo ông, có ba vấn đề chính liên quan đến tranh chấp Biển Đông: Thứ nhất là các vấn đề về khoa học, nghiên cứu; thứ hai là vấn đề về các tài nguyên; thứ ba là vấn đề tranh chấp lãnh thổ. ông Ha-xdim Da-lan nhấn mạnh: “Theo tôi, hãy giải quyết các vấn đề về khoa học trước vì nó dễ dàng nhất, đó cũng là lý do tại sao chúng ta lại tổ chức Hội thảo khoa học này”.

Ông Ha-xdim Da-lan cũng cho biết, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 4 có quy mô lớn và mang tính chất học thuật cao hơn so với các hội thảo về Biển Đông trước đó được tổ chức ở In-đô-nê-xi-a và Phi-líp-pin. Tại Hội thảo lần này, Đại sứ Ha-xdim Da-lan có tham luận “Biển Đông từ khía cạnh pháp lý” đề cập đến các nội dung: Công ước, Hiệp ước luật; tranh chấp ở Biển Đông; các công cụ pháp lý giải quyết tranh chấp. ông hy vọng, các học giả sẽ có thêm các kiến thức khoa học về tranh chấp Biển Đông cũng như nâng cao sự hiểu biết giữa các bên thông qua Hội thảo.

* Phó giáo sư Rô-bớt Bếch-man (Robert Beckman), Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế - Đại học Quốc gia Xin-ga-po:

Các bên cần tôn trọng luật pháp quốc tế

Phó giáo sư Rô-bớt Bếch-man đánh giá cao tầm quan trọng của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) trong việc giải quyết những tranh chấp Biển Đông. Theo ông, việc không tuân thủ luật pháp quốc tế mà đặc biệt là UNCLOS 1982 là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng ở Biển Đông. Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế - Đại học Quốc gia Xin-ga-po, cũng bày tỏ sự đồng tình với quan điểm: Các bên liên quan phải thực thi đúng Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC) và cùng nhau xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Ông Rô-bớt Bếch-man cũng cho biết, trong thời gian gần đây, các hội thảo khoa học và các công trình nghiên cứu về Biển Đông được tổ chức khá thường xuyên ở nhiều quốc gia có liên quan đến vấn đề Biển Đông như: Thái Lan, Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, Trung Quốc và Việt Nam. Các hoạt động như vậy đang mang lại những kết quả tích cực, giúp mọi người hiểu rõ và chính xác về những tranh chấp Biển Đông.

Ngày 20-11, Hội thảo diễn ra với 4 phiên thảo luận về các chủ đề: Hiện đại hóa quân sự và tác động; lợi ích và chính sách của các cường quốc ngoài khu vực; Biển Đông trong quan hệ ASEAN - Mỹ - Trung Quốc; những khía cạnh pháp lý của vấn đề Biển Đông. Các học giả đã trình bày 11 tham luận đề cập nhiều vấn đề liên quan tới các chủ đề trên và đề xuất một số giải pháp giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Ngày 21-11, các đại biểu tiếp tục tham gia 4 phiên thảo luận cuối trước khi Lễ bế mạc Hội thảo được tổ chức vào chiều cùng ngày.

Bài và ảnh: MINH DUY

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/3/102/102/216731/Default.aspx