Xây dựng lôgô cho các điểm bán thực phẩm an toàn

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tại Việt Nam, cứ 69.000 người mới có một cửa hàng tiện ích trong khi con số này tại Hàn Quốc là 1.800 người. Hiện nay, nguồn cung cấp thực phẩm chủ yếu của người dân vẫn là chợ cóc, chợ truyền thống, trong khi các nhà phân phối bán lẻ vẫn chưa có sự liên kết trong khâu tiêu thụ.

Thông tin được đưa ra tại Hội nghị “Kết nối các doanh nghiệp sản xuất phân phối thực phẩm Việt an toàn, chất lượng” do Bộ Công Thương phối hợp với Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội và Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức.

Khó kết nối sản xuất - phân phối

Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, hiện Hà Nội đã hình thành 157 cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao; 157 ha cây ăn quả và trên 80 ha chè đạt tiêu chuẩn VietGap. Diện tích rau an toàn được quản lý, chỉ đạo và cấp giấy chứng nhận đạt 5.000 ha. Diện tích giám sát sản xuất theo VietGap đạt 352,7 ha và trên 40 ha rau hữu cơ. Hà Nội đã hình thành 76 xã chăn nuôi trọng điểm và 3.232 trại quy mô lớn ngoài khu dân cư.

Ngoài ra, thành phố đã xây dựng được 11 chuỗi liên kết sản phẩm rau an toàn, 21 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Tổng sản lượng sản phẩm các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ đạt hàng nghìn tấn rau; 4.500 tấn thịt lợn; 3.100 tấn thịt gia cầm, 140 triệu quả trứng gia cầm, 29.000 tấn sữa tươi.

Theo bà Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thời gian qua, nhiều hoạt động kết nối cung cầu đã được triển khai và đến nay, hơn 10.000 điểm bán hàng bình ổn đã được xây dựng trên cả nước, trong đó có trên 90% là hàng Việt Nam. 12 tỉnh thành phố đã xây dựng được điểm cung ứng vật tư nông sản cho bà con nông dân hoặc điểm tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân, hàng nghìn hợp đồng tiêu thụ hàng hóa đã được ký kết…

Tuy nhiên, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, còn nhiều khó khăn, hạn chế trong việc tiêu thụ thực phẩm ở cả kênh bán lẻ hiện đại và truyền thống. Đơn cử như hàng hóa còn hạn chế về thương hiệu; sản lượng hàng chưa đảm bảo cung ứng thường xuyên, liên tục cho các kênh phân phối; hàng hóa chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo an toàn do hạn chế về công nghệ…

Ông Nguyễn Huy Đăng cũng thừa nhận, việc liên kết giữa các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp khi đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị còn nhiều khó khăn. Hiện nay trên trị trường nhiều sản phẩm khó phân biệt được thật giả, thậm chí còn giả cả giấy chứng nhận VietGAP.

Sẽ có nhãn hiệu chứng nhận an toàn

Để hạn chế tình trạng này, Hiệp hội các nhà bán lẻ đề xuất xây dựng một trung tâm giao dịch thực phẩm an toàn; hỗ trợ tài chính để vận động các doanh nghiệp, tổ chức tham gia trung tâm giao dịch này. Đồng thời xây dựng cơ chế mua chung/mua theo nhóm cho các nhà bán lẻ thành viên nhằm đảm bảo nguồn cung dồi dào cho các điểm bán.

Bà Lê Việt Nga chia sẻ thêm, với hệ thống phân phối thực phẩm an toàn đang có sẵn, Bộ Công Thương sẽ xin ý kiến Chính phủ xây dựng nhãn logo riêng cho các điểm bán đảm bảo an toàn nhằm giúp người tiêu dùng nhận diện chính xác các điểm bán, bên cạnh đó sẽ thúc đẩy phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích giúp quản lý chất lượng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tiện lợi khi mua sắm. Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị quản lý cạnh tranh, quản lý thị trường... tích cực triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại, chống hàng giả, hàng nhái, trên thị trường.

Linh Linh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/xay-dung-logo-cho-cac-diem-ban-thuc-pham-an-toan-599275.bld