Xây dựng Lai Châu thành tỉnh trung bình của khu vực

Năm 2004, khi tái lập tỉnh, tổng thu ngân sách của Lai Châu chỉ đạt 23 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người là 4,6 triệu đồng/năm. Đến hết tháng 9-2016, con số đó lần lượt là 1.300 tỷ đồng và 18,2 triệu đồng. Dự kiến năm 2016, thu ngân sách của tỉnh đạt 1.500 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng/người. Đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm thấp như Lai Châu, kết quả đáng mừng đó là của cả quá trình nỗ lực phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đồng thời là động lực để Lai Châu phấn đấu trở thành tỉnh phát triển trung bình của khu vực miền núi phía bắc vào năm 2020.

Nỗ lực giảm nghèo, phát triển bền vững

Sau 12 năm tái lập tỉnh, nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu tự hào đã cơ bản thoát khỏi tình trạng kém phát triển, bộ mặt đô thị, nông thôn đổi thay rõ rệt. Hệ thống đường giao thông, điện lưới quốc gia từng bước được hoàn thiện; hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục được chú trọng, nhất là bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa. Các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp được thực hiện có hiệu quả, đã thúc đẩy liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, sản lượng và giá trị nông sản. Chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện quyết liệt, đem lại bộ mặt mới cho vùng nông thôn, miền núi của tỉnh. Đến tháng 9-2016, Lai Châu có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới; nếu tính bình quân, mỗi xã đạt 12,4 tiêu chí, không còn xã dưới năm tiêu chí. Các cấp, ngành trong tỉnh huy động, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực để xóa đói, giảm nghèo. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm thực hiện; mỗi năm giải quyết việc làm mới cho hơn 6.300 lao động; cơ cấu lao động chuyển dịch đúng hướng. Nhờ đó, Lai Châu vinh dự là một trong 13 tỉnh được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng nhất trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Tập trung phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, Lai Châu đã hình thành các vùng sản xuất tập trung với hơn 18.300 ha lúa, 12.500 ha ngô; phát triển vùng chè nguyên liệu hơn 4.100 ha tại các huyện Tân Uyên, Tam Đường, Sìn Hồ, Nậm Nhùn và TP Lai Châu với năng suất trung bình hơn 86 tạ/ha. Các doanh nghiệp đã liên kết với hộ nông dân trong trồng, chế biến và tiêu thụ nông sản. Công tác khoanh nuôi, bảo vệ tái sinh rừng gắn với trồng rừng kinh tế có hiệu quả; diện tích cây ăn quả và một số cây trồng mới có giá trị kinh tế cao ngày càng được mở rộng... Việc chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang phát triển hơn 13.000 ha cao-su, trong đó có 2.000 ha đến kỳ khai thác là mô hình xóa đói, giảm nghèo thành công lớn nhất tại Lai Châu, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 46,7% năm 2011 xuống 20,7% năm 2015. Hiện nay, hơn 10 nghìn hộ ở các vùng tái định cư các công trình thủy điện Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát và các thủy điện khác đã có đời sống khá ổn định.

Hướng đến mục tiêu là tỉnh trung bình của khu vực

Lai Châu nằm trong nhóm tỉnh thu ngân sách thấp nhất của cả nước (thu dưới 1.500 tỷ đồng/năm) và vì vậy đã ảnh hưởng phần nào tới đầu tư vào các dự án trọng điểm. Tìm hướng phát triển trong điều kiện ấy, đòi hỏi các cấp ủy ở Lai Châu phải đổi mới tư duy và lựa chọn chính xác những giải pháp mang tính đột phá, chú trọng liên kết phát triển với các tỉnh trong vùng Tây Bắc và các vùng kinh tế trên cả nước. Tỉnh ủy Lai Châu đã đánh giá đúng những hạn chế, khó khăn, thách thức đang phải đối diện vận dụng đúng đắn chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước, từ đó xác định mục tiêu, giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, giữ vững an ninh - quốc phòng, từng bước nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa 13, nhiệm kỳ 2015 - 2020, đã chỉ rõ mục tiêu của tỉnh là phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, đưa Lai Châu trở thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía bắc với tốc độ tăng trưởng GRDP hơn 10%/năm; GRDP bình quân đầu người 40 triệu đồng; thu ngân sách trên địa bàn hơn 2.000 tỷ đồng… Để đạt mục tiêu đề ra, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, tỉnh Lai Châu tập trung vào các giải pháp cụ thể sau:

Trước hết là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, bảo đảm các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong Đảng bộ và sự đồng thuận trong xã hội. Cụ thể hóa từng mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết thành các chương trình, kế hoạch của tỉnh và của từng ban, ngành, đoàn thể, địa phương để tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện, nhằm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống.

Hai là, nâng cao chất lượng quy hoạch, thực hiện quy hoạch. Khai thác hiệu quả, hợp lý tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành kinh tế. Tập trung lãnh đạo bổ sung và ban hành mới các chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hướng tới nhu cầu của thị trường, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cần tập trung nguồn lực để lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện và hiệu quả.

Ba là, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược. Hoàn thành đầu tư các dự án, công trình hạ tầng tạo động lực cho phát triển, nhất là hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối nhanh hơn với các địa bàn trọng điểm trong cả nước. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng áp dụng và phát huy vai trò tích cực của chính quyền điện tử gắn với hoạt động hiệu quả của các cơ quan hành chính công, lấy hiệu quả phục vụ, sự hài lòng của nhân dân, doanh nghiệp làm thước đo. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức từng bước chuyên nghiệp, lịch sự, hiệu quả gắn với tăng cường kỷ cương công chức, đổi mới chế độ công chức, công vụ.

Bốn là, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội; bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Năm là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; phát huy vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, nhất là vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Kịp thời phát hiện, nhân rộng những điển hình tiên tiến, thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng.

Với tinh thần đoàn kết thống nhất, với ý chí vượt khó cao độ, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Lai Châu vững bước về đích như mục tiêu đề ra, trở thành tỉnh trung bình của khu vực miền núi phía bắc vào cuối nhiệm kỳ 2015 - 2020.

ĐỖ NGỌC AN

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31177402-xay-dung-lai-chau%c2%a0thanh-tinh-trung-binh-cua-khu-vuc.html