Xây dựng huyện nông thôn mới Phong Điền

Các nhà thầu khảo sát tại khu dự án Trung tâm thương mại Phong Điền

Phong Điền là huyện ngoại thành của thành phố Cần Thơ được thành lập từ năm 2004, với diện tích tự nhiên 12.360 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 10.634 ha, dân số toàn huyện là 99.468 người với khoảng 65% số dân có thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp. Với điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội khá thuận lợi trong việc phát triển nông nghiệp và du lịch sinh thái miệt vườn cho nên ngay từ khi thành lập huyện đã được Thành ủy, UBND thành phố định hướng phát triển thành quận sinh thái của thành phố Cần Thơ. Sau sáu năm thành lập, huyện Phong Điền đã đạt được nhiều thành quả quan trọng và tương đối toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2010 ước đạt 17,5%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ và nông nghiệp - xây dựng, thu nhập bình quân 17 triệu đồng/người/năm, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển nhanh và đồng bộ, các mặt xã hội đều có bước phát triển, an ninh - quốc phòng được giữ vững, đời sống đại bộ phận nhân dân được cải thiện đáng kể. Hệ thống chính trị được củng cố vững mạnh. Là 'lá phổi xanh' của thành phố Cần Thơ, huyện có sáu nghìn ha vườn cây, chiếm 60% diện tích toàn huyện và chiếm một phần ba diện tích vườn toàn thành phố Cần Thơ. Hiệu quả một ha vườn gấp ba lần so với trồng lúa. Hàng hóa nông, hải sản của huyện khá phong phú từ thương hiệu dâu Hạ Châu được xuất khẩu qua Cam-pu-chia, rồi vùng trồng những trái cây đặc sản như vú sữa Lò Rèn, sầu riêng, cam sành... Thế nhưng, nông nghiệp của huyện Phong Điền phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, sức cạnh tranh thấp, việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất còn hạn chế, kinh tế tiểu nông, tự phát, quy mô nhỏ, manh mún. Dịch vụ thương mại nhỏ lẻ, dịch vụ du lịch sinh thái 'miệt vườn sông nước' phát triển chậm, chưa có sản phẩm đặc thù. Kinh tế hợp tác và hợp tác xã hoạt động yếu, chưa đạt về chất lượng. Nước sạch nông thôn tuy có cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của nhân dân; hệ thống thủy lợi đã khép kín nhưng cơ bản chỉ đáp ứng được yêu cầu sản xuất lúa, chỉ mới cải tạo thông thoáng cho hệ thống thủy lợi tạo nguồn, chưa đáp ứng yêu cầu cho vùng sản xuất chuyên. Cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư nhưng thiếu đồng bộ. Thu nhập của một số hộ nông dân còn thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Chủ trương xây dựng huyện nông thôn mới được huyện Phong Điền triển khai khá bài bản, trước nhất thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới cấp huyện gồm 39 thành viên do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, Phó Trưởng ban thường trực gồm một Phó Chủ tịch UBND huyện, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa và thông tin, Kinh tế hạ tầng, thành viên gồm lãnh đạo các phòng, ban có liên quan và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo. Theo đó, các xã thành lập Ban quản lý thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới cấp xã do Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, Phó Chủ tịch xã làm phó trưởng ban và thành viên gồm các ban có liên quan của địa phương. Cùng với công tác tổ chức, nhân sự, Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới cấp huyện phối hợp với Chi cục HTX phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ và UBND các xã tiến hành rà soát, khảo sát thực trạng theo 19 tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn sáu xã; xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện những chỉ tiêu chưa đạt theo nội dung của bộ tiêu chí. Đồng thời thường xuyên tổng hợp báo cáo kết quả mỗi tháng một lần trình huyện ủy và UBND huyện xem xét cho ý kiến và chỉ đạo trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, việc rà soát đánh giá thực trạng theo bộ tiêu chí quốc gia và theo bộ tiêu chí của thành phố Cần Thơ được thực hiện ở một số xã chưa chính xác, chưa phản ánh được đầy đủ và toàn diện thực trạng nông thôn. Cùng với đó, có một số tiêu chí giải thích chưa rõ, chưa phù hợp với điều kiện của vùng nên việc đánh giá gặp nhiều khó khăn, vướng mắc (tiêu chí về thu nhập, tiêu chí về cung cấp dịch vụ công, giao thông...). Hiện nay, Ban chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Phong Điền thuê tư vấn khảo sát và xây dựng quy hoạch cho các xã trên toàn huyện. Dự kiến sẽ hoàn thành quy hoạch trong quý II năm 2011. Dự toán nguồn vốn cần để hoàn thành quy hoạch trên toàn huyện (sáu xã) là 1.307.638.000 đồng. Trước mắt Ban chỉ đạo chọn xã Mỹ Khánh làm xã điểm của huyện và thành phố thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua khảo sát, xã Mỹ Khánh đạt được 12/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia; 12/20 tiêu chí theo bộ tiêu chí thành phố Cần Thơ về nông thôn mới. Các tiêu chí chưa đạt được như tiêu chí số 1 (quy hoạch), số 2 (giao thông), số 5 (trường học), số 6 (cơ sở vật chất văn hóa), số 7 (chợ nông thôn), số 9 (nhà ở dân cư), số 17 (môi trường - nước sạch nông thôn), số 20 (cung cấp dịch vụ công). Về quy hoạch, sẽ điều chỉnh quy hoạch tại ấp Mỹ Thuận thành khu du lịch sinh thái trong tương lai và khu vực trồng hoa kiểng chuyển sang dự án khu dịch vụ đa chức năng. Trên cơ sở hoàn thành đề án xây dựng nông thôn mới, kế hoạch vốn xây dựng trong năm 2011 của xã Mỹ Khánh và trình BCĐ thành phố xem xét. Ngày 11-1-2011, Ban chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Phong Điền tổ chức lễ phát động xây dựng nông thôn mới tại xã điểm Mỹ Khánh với khoảng 750 đại biểu là các doanh nghiệp, hộ dân, cán bộ tham gia. Trên thực tế tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới khá toàn diện phát triển kinh tế - xã hội, trật tự trị an, bao hàm cả nội dung xây dựng xã văn hóa trong đó. Phong Điền đang khơi dậy nét tinh tế và thuần khiết của người dân vùng sông nước, miệt vườn, với tính cách chung của con người Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với những phẩm chất 'trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp và thanh lịch' vào công cuộc xây dựng Phong Điền trở thành quận đô thị - văn hóa - sinh thái. Phong Điền nhân lên sức mạnh từ việc kết hợp ba phong trào, đó là hộ gia đình chấp hành pháp luật, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đây cũng chính là cái gốc của nông thôn mới, xã nào kết hợp được ba phong trào này thì đời sống văn hóa ở xã đó nâng lên trông thấy. Tại huyện Phong Điền, xã nào cũng thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình, các ấp thành lập Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình. Nghề truyền thống tại huyện Phong Điền khá phong phú với các nghề đan lát như đan lục bình xuất khẩu, cần xé, thúng, lờ, lọp bắt cá, các nghề khác như chằm nón, đóng ghe xuồng, tráng bánh tráng, nấu rượu... Tuy nhiên quy mô hoạt động của nghề mang tính nhỏ lẻ tại địa phương nhằm giải quyết lao động nhàn rỗi. Đảng bộ huyện phấn đấu đến cuối năm 2011 hoàn thành huyện nông thôn mới, là điều kiện để huyện Phong Điền đạt tiêu chí đô thị sinh thái. Là vùng đất đậm đặc tính chất 'sông nước, miệt vườn', nơi hấp dẫn du khách với 'Một ngày làm nông dân Nam Bộ', chính quyền huyện thực hiện quy hoạch và nhân rộng mô hình nhà vườn, các làng nghề truyền thống tại địa phương, duy trì nghề đan lát để phục vụ khách tham quan. Lãnh đạo huyện Phong Điền cho rằng, với những quyết tâm quy hoạch và đầu tư đúng hướng thì sẽ tạo lối ra cho làng nghề truyền thống tại địa phương, thế nhưng chỗ khó hiện nay là chưa có sản phẩm đặc thù và chưa tạo được biểu trưng của Phong Điền cho hàng lưu niệm. Ngoài sự đóng góp về kinh tế, về giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông thôn, làng nghề truyền thống Phong Điền hiện đang gìn giữ những giá trị văn hóa - lịch sử về đất nước và con người vùng sông nước, miệt vườn Nam Bộ. Sẽ hợp lý hơn chung quanh quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, trong đó có việc khôi phục và phát huy làng nghề truyền thống, trù tính thêm việc quy tụ các nghệ nhân nhằm tránh mai một về nghề thủ công mỹ nghệ, đồng thời bảo tồn giá trị thẩm mỹ của những hoa văn, họa tiết trên sản phẩm truyền thống, tránh sự pha tạp. Việc quy hoạch phát triển làng nghề truyền thống Tây Nam Bộ cần lồng ghép với các chính sách và giải pháp phát triển đời sống văn hóa cơ sở, xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xây dựng xã nông thôn mới. Tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, việc kết hợp nhà vườn, tập tục dân dã, dấu ấn thời khẩn hoang, nghề truyền thống (nghề nấu rượu, làm bánh tráng), ẩm thực Nam Bộ, đờn ca tài tử đang là một điểm đến trong tour du lịch sông nước, miệt vườn, thông qua đó có sự lưu giữ, chọn lọc, kết hợp những giá trị nhân văn đặc sắc của vùng đất để giới thiệu cho du khách và thêm thu nhập cho gia đình. Để thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Phong Điền đang tập trung hoàn thiện quy hoạch các xã như: phân vùng sản xuất, chợ nông thôn, các công trình văn hóa, phúc lợi công cộng, trường học, trạm y tế, quốc phòng - an ninh. Việc quy hoạch phải bảo đảm thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, quốc phòng và bảo tồn được bản sắc văn hóa. Tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, Ban chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Phong Điền lập đề án huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, như: giao thông các tuyến kênh chính phải từ 3,5 m trở lên; chợ nông thôn phải bảo đảm có nơi tập trung hàng hóa, thuận tiện giao thông, vệ sinh môi trường và cảnh quan văn hóa; khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, bảo đảm sử dụng điện an toàn, nước sạch... Ban chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Phong Điền phối hợp các phòng chức năng, UBND các xã, thị trấn chỉ đạo sản xuất, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện khép kín hệ thống thủy lợi nội đồng, bảo đảm kênh mương nội đồng thông thoáng phục vụ bơm tưới sản xuất nông nghiệp; tổ chức củng cố, nâng cao chất lượng các hợp tác xã, câu lạc bộ, tổ sản xuất nông nghiệp. Phong Điền hiện đang tổng kết các mô hình sản xuất tiên tiến, củng cố các hợp tác xã, tổ đoàn kết sản xuất, hệ thống khuyến nông, thú y... nâng cao trình độ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thực hiện công nông liên minh - liên kết bốn nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, Nhà nước) tạo điều kiện để hình thành các hoạt động dịch vụ tư nhân. Hỗ trợ chuyển dịch lao động nông nghiệp sang khu vực thương mại - dịch vụ, công nghiệp. Xây dựng 'nông thôn mới' có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và việc thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng quận 'Đô thị sinh thái'. Phong Điền phấn đấu đến năm 2015, tất cả các xã trong huyện đạt tiêu chí nông thôn mới, cụ thể là xây dựng nền nông nghiệp sinh thái chất lượng cao gắn với du lịch sinh thái. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn hiện đại, thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao đời sống văn hóa cơ sở. Huyện Phong Điền hiện có năm điểm sạt lở nghiêm trọng trên tỉnh lộ 923 cặp sông Cần Thơ, bao gồm bờ kè chợ Phong Điền, cầu Trà Niền, gần chợ Mỹ Khánh, cầu Trường Tiền và cầu Rạch Kè. Chính quyền huyện Phong Điền phấn đấu đến tháng 9-2011 sẽ di dời khoảng 200 hộ dân thuộc khu vực cảnh báo nguy hiểm ở các điểm sạt lở trên đến khu tái định cư, cao nhất tại khu vực bờ kè chợ Phong Điền có tới 148 hộ dân thuộc diện phải di dời. Bảy năm kể từ khi thành lập huyện Phong Điền, bình quân mỗi năm có 200 hộ dân nghèo gặp khó khăn về nhà ở của huyện được cấp nhà đoàn kết. Bình quân mỗi căn nhà đoàn kết trị giá 15 triệu đồng. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% kinh phí xây nhà đoàn kết, phần kinh phí còn lại do Đảng bộ và chính quyền huyện vận động các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/doi-song/i-s-ng-tin-chung/xay-d-ng-huy-n-nong-thon-m-i-phong-i-n-1.298655