Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở

ND- Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là một trong những giải pháp lớn thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) hướng tới mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở là điều kiện tiên quyết để tạo dựng phong trào đó.

Từ lâu nước ta đã có những thiết chế văn hóa cơ sở để xây dựng đời sống văn hóa mới như: Nhà văn hóa, thư viện, nhà truyền thống, bảo tàng, công viên văn hóa... Những thiết chế đó đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân về hưởng thụ, sáng tạo và bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam. Thực tiễn đã khẳng định hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở không thể thiếu trong đời sống văn hóa của nhân dân, giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội của đất nước, khẳng định vai trò chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động văn hóa - văn nghệ ở cơ sở và là bộ mặt văn hóa của địa phương. Đảng và Nhà nước luôn luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Ngày 31-10-2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở đến năm 2010 và mới đây trong chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nêu mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2015 và 2020 có từ 90% đến 100% số quận, huyện, thị xã có nhà văn hóa và thư viện, từ 80% đến 90% số xã và thị trấn có nhà văn hóa; 60 đến 70% số làng, bản, ấp có nhà văn hóa. Để triển khai tốt việc xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở cần có sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo các cấp ở địa phương, có thể coi đó là yếu tố quyết định. Hiện nay còn một số địa phương chưa nghiêm túc triển khai tổ chức thực hiện Quy hoạch thiết chế văn hóa cơ sở, chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò của văn hóa, mối quan hệ gắn bó giữa kinh tế, văn hóa và chính trị, chưa coi phát triển văn hóa là trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Sự quan tâm ấy phải được thể hiện bằng chương trình hành động cụ thể như quy hoạch đất đai, đầu tư kinh phí để xây dựng thiết chế văn hóa. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra giải pháp về nguồn kinh phí xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trước hết sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác xã hội hóa văn hóa, thực hiện cơ chế "Nhà nước và nhân dân cùng làm" đối với thiết chế văn hóa, thông tin cấp xã. Đối với thiết chế làng, thôn, ấp, bản, khu phố chủ yếu do nhân dân đóng góp, Nhà nước hỗ trợ một phần, đối với vùng đặc biệt khó khăn ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% kể cả xây dựng lẫn trang thiết bị. Huy động các doanh nghiệp, các ngành nghề, các tổ chức kinh tế xã hội... dành quỹ đầu tư, xác định trách nhiệm, nghĩa vụ tích cực đóng góp xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng. Thiết chế văn hóa cơ sở là tổ chức hoạt động nghiệp vụ văn hóa, vì vậy việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa phải đồng thời nhằm vào hai nội dung: Xây dựng cơ sở vật chất và nguồn nhân lực sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất ấy. Nếu chỉ chạy theo xây dựng cơ sở vật chất đơn thuần sẽ dẫn đến chạy theo hình thức, hoạt động kém hiệu quả. Trong thực tế đã xảy ra hiện tượng nhà văn hóa xây dựng xong thi thoảng mới có sinh hoạt văn hóa, biểu diễn văn nghệ còn thường xuyên bỏ không, lãng phí. Không ít thư viện chỉ lèo tèo vài ba cuốn sách, bụi bám đầy không có người đọc... Cán bộ điều hành các thiết chế văn hóa phải có kiến thức, trình độ văn hóa đồng thời phải có khả năng tổ chức, tập hợp quần chúng gây dựng phong trào. Hiện nay, về bộ máy quản lý cán bộ theo báo cáo của 26 tỉnh, thành phố, số cán bộ viên chức có trình độ đại học và trên đại học mới đạt 53% (chỉ tiêu đề ra là 70%), một số tỉnh, thành phố đã cố gắng phổ cập trong cấp quản lý văn hóa tại chức cho trưởng ban văn hóa hoặc trưởng ban văn hóa-xã hội, còn hầu hết chưa có đội ngũ cán bộ chuyên môn về văn hóa - thông tin ở cấp xã (chỉ tiêu đề ra là 30% số cán bộ cấp xã có trình độ đại học và chuyên môn nghiệp vụ). Thực tế đó đòi hỏi tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở, tương ứng với quy hoạch của thiết chế. Các trường: Đại học Văn hóa, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, các trường văn hóa - nghệ thuật địa phương có vai trò quan trọng trong vấn đề này. Các trường cần gắn liền công tác đào tạo với tình hình thực tế đời sống văn hóa của các địa phương, đáp ứng nhu cầu của thiết chế văn hóa cơ sở. Mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ văn hóa- thông tin, thể thao và du lịch cho cán bộ xã, phường, thị trấn, làng thôn, ấp bản, khu phố tại huyện hoặc tỉnh. Bổ sung hoàn thiện chế độ chính sách về lương, chế độ thù lao đối với đối tượng làm công tác văn hóa - thông tin cơ sở các lĩnh vực mang tính đặc thù như: Đội thông tin lưu động, đội chiếu bóng lưu động, công tác thông tin, cổ động những vùng đặc biệt khó khăn. Xây dựng chế độ chính sách ở một số lĩnh vực văn hóa cơ sở như: Chính sách kinh tế của tổ chức hoạt động văn hóa cơ sở cấp xã, phường từ ngân sách của xã, phường; chính sách ưu tiên hoạt động văn hóa vùng miền núi, hải đảo; chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, tổ chức xã hội tham gia đóng góp nguồn lực để xây dựng hệ thống thiết chế và tham gia hoạt động văn hóa cơ sở... Tất cả những giải pháp nêu trên đều nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa. Đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở có trình độ chuyên môn nghiệp vụ lại năng động, sáng tạo chắc chắn sẽ sử dụng tốt cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đưa đời sống văn hóa ở các địa phương không ngừng phát triển. NGUYỄN THU HIỀN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=159315&sub=78&top=43