Xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ nước mắm truyền thống

Sau “cơn bão” truyền thông "bẩn" về “nước mắm truyền thống chứa arsen”, nhiều doanh nghiệp nước mắm truyền thống mất khá nhiều thời gian để giải thích với khách hàng.

Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC) phối hợp với Trung tâm Truyền thông Pháp luật Việt Nam tổ chức hội thảo “Bàn về yêu cầu xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ nước mắm truyền thống” vào ngày 11/11.

Liên kết để phát triển bền vững

Có mặt tại hội thảo, nhiều DN nước mắm truyền thống cho biết kể từ khi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố kết quả khảo sát về nước mắm, thực hiện trên 150 mẫu thuộc 88 nhãn hiệu, đến nay thì việc bán hàng của nhiều DN, cơ sở kinh doanh nước mắm bị ngưng trệ, giảm sút. Bà Trần Dương Ngân Hạ, đại diện Cơ sở nước mắm Nam Phan (Ninh Thuận), cho biết: “Từ khi Vinastas công bố “kết quả khảo sát”, đồng thời một số cơ quan truyền thông đăng tải thông tin không đúng sự thật đã gây thiệt hại khá lớn cho các DN nước mắm truyền thống.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Dù chưa chưa tới một tháng, nhưng chúng tôi phải mất khá nhiều thời gian để giải thích cho khách hàng, còn thiệt hại kinh tế chưa thống kê được”. Còn bà Hồ Mỹ Phượng, đại diện nước mắm Ông Kỳ (Phú Quốc) khẳng định: “Nước mắm Ông Kỳ có từ lâu, cũng không ảnh hưởng gì lớn trong vụ Vinastas công bố kết quả khảo sát sai sự thật về nước mắm truyền thống. Nhưng ảnh hưởng khá lớn đến các DN sản xuất nước mắm truyền thống trên cả nước. Vì vậy để tồn tại, phát triển bền vững, các DN cần liên kết lại”.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch VLCAC, trước những thiệt hại vừa qua của ngành nước mắm truyền thống, VLCAC sẽ kiến nghị sửa đổi một số quy định trong Luật cạnh tranh về hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Trường hợp nếu có một bên thứ ba “đứng sau” thao túng đưa thông tin không trung thực, nói xấu DN thì có thể bị xử lý hành chính về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, mức xử phạt từ 10 đến 50 triệu đồng, thậm chí lên tới 100 triệu đồng. “Ngoài việc bị xử phạt, có thể tịch thu phương tiện vi phạm gồm khoản lợi nhuận thu được từ hành vi vi phạm; buộc cải chính thông tin, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm”, luật sư Hậu khẳng định.

Cần ban hành quy chuẩn nước mắm, nước chấm

Đồng tình với luật sư Nguyễn Văn Hậu, tại hội thảo các DN, nhà khoa học, cán bộ quản lý nhà nước cũng kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành quy chuẩn nhận biết đâu là nước mắm, đâu là nước chấm, cả hai loại này có bao nhiêu độ đạm nhằm tránh nhập nhằng. Riêng ông Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận, chỉ rõ: “Ở tỉnh Ninh Thuận, chúng tôi gọi thẳng là nước mắm hóa chất chứ không gọi là nước mắm công nghiệp. Mỗi năm người dân đánh bắt khoảng 31.000 – 36.000 tấn cá cơm, nếu đem sản xuất nước mắm sẽ đạt khoảng 30 triệu lít, nhưng người dân còn phải dùng để sản xuất các sản phẩm khác. Vì vậy các làng nước mắm truyền thống sản xuất khoảng trên 10 triệu lít nước mắm/năm, nên nước mắm hóa chất hoàn toàn không có chỗ đứng tại Ninh Thuận”.

Còn ông Trần Giang Khuê, Phó Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) TP.HCM, đặt câu hỏi và trả lời tại hội thảo: “Nước mắm hóa chất là gì? Là nước pha muối rồi thêm hóa chất. Hóa chất được gọi với cái tên mỹ miều là “phụ gia”. Hiện nay các trung tâm xét nghiệm cho biết trong nước mắm hóa chất có đến 18 loại phụ gia khác nhau.

Khi Vinastas cho rằng nước mắm truyền thống có arsen, gia đình tôi tự hỏi vậy hàng chục năm nay mình dùng nước mắm sao không chết, nay tự dưng cho rằng có nhiễm độc? Cái quan trọng ở đây là người tiêu dùng cần tỉnh táo trước những thông tin không đúng”.

Sẵn sàng hỗ trợ pháp lý cho DN nước mắm truyền thống

Tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Thị Nam Giang, Giám đốc Trung tâm SHTT thuộc Trường Đại học Luật TP.HCM, cho biết trong thời buổi hiện nay, để phát triển bền vững, các DN cần đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. “Điều này là hết sức cần thiết và rất có lợi cho DN truyền thống. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ làm gia tăng giá trị thương mại cho sản phẩm Chẳng hạn chè Mộc Châu giá cao hơn 1,7-2 lần so với sản phẩm cũng sản xuất tại Mộc Châu nhưng không đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Đó là lý do vì sao trên khắp châu Âu các nhà sản xuất hầu hết đều đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đối với nước mắm, hiện nay chỉ có nước mắm Phú Quốc và nước mắm Phan Thiết đã đăng ký và được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Với việc gia tăng giá trị thương mại thì các làng nghề truyền thống khác cũng nên sớm đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý”.

Liên quan đến vấn đề pháp lý để DN bảo vệ trước những cạnh tranh không lành mạnh, luật sư Nguyễn Văn Hậu, khẳng định: “Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam hiện có khoảng 80 trọng tài viên công tác ở các lĩnh vực. Chúng tôi sẽ giúp các DN nước mắm về mặt pháp lý để tự bảo vệ mình trước những cạnh tranh không lành mạnh, cạnh tranh bẩn”.

Đồng quan điểm với luật sư Hậu, nhà báo Hà Quang Ngọc (Báo Pháp luật Việt Nam), cho biết Trung tâm Truyền thông Pháp luật Việt Nam cũng sẽ sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn cho các DN hoàn tất các thủ tục pháp lý cho sản phẩm của mình.

Nguyễn Cảnh Uyên Thương / KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/de-phat-trien-ben-vung-nuoc-mam-truyen-thong-can-lien-ket-lai-p43064.html