Xây dựng gia đình là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc

VH- LTS: Ngày 27.6.2011 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Lễ gặp mặt nhân kỷ niệm 10 năm ngày Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận ngày 28.6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam (28.6.2001 - 28.6.2011).

Nhân dịp này, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Khánh đã có bài viết về vấn đề gia đình trong sự phát triển hiện nay và những giải pháp để triển khai công tác quản lý nhà nước về gia đình. Xin trân trọng trích giới thiệu dưới đây bài viết của nguyên Phó Thủ tướng (đầu đề do Tòa soạn rút). … Từ 10 năm nay, nước ta có một Ngày gia đình Việt Nam, điều đó chứng tỏ nhân dân ta, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng vấn đề gia đình trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và xây dựng, phát triển đất nước ta, nhận rõ trách nhiệm và những việc phải làm để xây dựng gia đình Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong Thông báo số 26 ngày 9.5.2011 về việc sơ kết Chỉ thị số 49 năm 2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã nhắc lại rằng: Phải khẳng định xây dựng gia đình là vấn đề lớn, hết sức hệ trọng của dân tộc và của cả thời đại. Đó là sự khẳng định hoàn toàn chính xác. Tôi xin phép nói thêm: Xây dựng gia đình là vấn đề hết sức hệ trọng của mọi dân tộc và của mọi thời đại. Từ xa xưa, các nhà hiền triết phương Đông đã viết: “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”; khẩu hiệu chung của nước Cộng hòa Pháp sau cách mạng 1789 là: Tự do, Bình đẳng, Bác ái và Cần lao, Gia đình, Tổ quốc. Hiến pháp Việt Nam năm 1992 xác định: Gia đình là tế bào của xã hội. Mọi người chúng ta đều biết: Trong cơ thể con người, tế bào giữ vai trò như thế nào, khi tế bào hư hỏng thì con người đi đến thảm họa gì. Trong xã hội cũng vậy, khi gia đình - tế bào của xã hội - tốt, mạnh thì xã hội tốt đẹp, phồn vinh, khi những tế bào ấy không được tốt thì không thể có xã hội phát triển bền vững, không thể có xã hội giàu mạnh, văn minh, nhân dân hạnh phúc. Trong bản Thông báo số 26 ngày 9.5.2011, Ban Bí thư đã nhận định rằng, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 49 của Ban Bí thư, công tác xây dựng gia đình đã đạt được một số thành tựu nhất định. Những thành tựu ấy đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi. Tôi xin phép nói thêm: Trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, hàng vạn gia đình Việt Nam ở cả nông thôn và thành thị đã là những đơn vị kinh tế giỏi, có công lớn trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, đóng góp rất nhiều vào xây dựng và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ. Rất nhiều người chủ gia đình đã trở thành những doanh nhân giỏi, những “Sao Vàng đất Việt”. Trong bản thông báo, Ban Bí thư cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém của công tác gia đình mà theo ý tôi đáng chú ý nhất là: Đã để cho mặt trái của cơ chế thị trường, của hội nhập quốc tế tác động xấu, làm băng hoại, phá vỡ giá trị văn hóa dân tộc, trong đó có vấn đề gia đình truyền thống… Đây là nhận xét rất nghiêm khắc và rất đúng của Đảng đối với sự lãnh đạo, quản lý công tác xây dựng gia đình ở các cấp, các ngành. Tôi xin phép nói thêm: Đây là một trong những khuyết điểm nặng nhất của công tác lãnh đạo sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta trong 10 năm qua, kể từ khi có Ngày Gia đình Việt Nam. Trách nhiệm trong vấn đề này thuộc về nhiều ngành, nhiều cấp... Về vấn đề gia đình Việt Nam hiện nay, bên cạnh sự phê bình, tự phê bình và định ra những biện pháp khắc phục cụ thể, còn cần phải dành công sức cho việc nghiên cứu những vấn đề cơ bản về gia đình Việt Nam. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các viện Nghiên cứu, các trường đại học với một số cơ quan của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ và của các đoàn thể nhân dân để khảo sát, nghiên cứu kỹ hơn về sự biến đổi của gia đình Việt Nam sau 25 năm đổi mới và sau 10 năm có Ngày Gia đình Việt Nam. Đây là loại công việc khó, cần có nhiều công sức và có kiến thức cao về các vấn đề xã hội, có phương pháp nghiên cứu xã hội học thật tốt. Để đánh giá đúng được sự biến đổi chung và về từng mặt của gia đình Việt Nam là tốt hay là xấu thì phải có những chuẩn mực đúng và rõ, phải có những quan niệm đúng và rõ về các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, về mẫu mực của gia đình Việt Nam trong xã hội Việt Nam dân chủ, hiện đại và văn minh. Tôi được biết, Bộ VHTTDL đang chuẩn bị để Chính phủ ban hành Nghị định mới về công tác gia đình. Và Bộ cũng đang chuẩn bị để Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Hai văn bản quy phạm pháp luật này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Tôi hiểu rằng trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ và các Bộ, các cấp chính quyền địa phương trong vấn đề gia đình thể hiện chủ yếu ở việc nghiên cứu, ban hành các chính sách, biện pháp cụ thể để thực hiện chính sách của Đảng và luật pháp Nhà nước về bảo vệ các giá trị đích thực của gia đình Việt Nam và phát triển gia đình Việt Nam trong hoàn cảnh mới, điều kiện mới. Gia đình là một thực thể gồm những thành viên gắn kết với nhau về huyết thống, về tình cảm, về văn hóa, về lợi ích, có liên quan với rất nhiều lĩnh vực, nhiều thành phần xã hội, nhiều thế hệ con người Việt Nam. Cho nên, các mục tiêu và chính sách về gia đình phải nằm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước và phải được tổ chức thực hiện với sự liên kết, phối hợp rất chặt chẽ các ngành nội chính, kinh tế, văn hóa xã hội, giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức của Đảng và các đoàn thể nhân dân. Thông báo số 26 của Ban Bí thư có nhận xét rằng, thời gian vừa qua mục tiêu của chiến lược xây dựng gia đình chưa gắn với kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, chưa ưu tiên tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng gia đình. Có lẽ đó là một trong những lý do chính của những hạn chế, yếu kém và khuyết điểm trong sự quản lý nhà nước về vấn đề gia đình như ta đã thấy. Không gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và ngắn hạn thì làm sao tính được nhu cầu cụ thể ở từng ngành, từng lĩnh vực, làm sao tạo ra được những điều kiện cụ thể về cơ chế, chính sách, về nhân lực và về tài chính để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu cụ thể về xây dựng gia đình. Trong Bản dự thảo Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tôi thấy đề ra rất nhiều mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể mang tính định lượng về xây dựng gia đình. Tôi hoan nghênhviệc đặt ra các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể để phấn đấu thực hiện từ nay đến 2015 và đến 2020. Nhưng xin nói thật lòng: Tôi còn chưa tin vào những căn cứ làm cơ sở để định ra các chỉ tiêu cụ thể ấy, và chưa tin vào những điều kiện nhất thiết phải có để thực hiện được các chỉ tiêu cụ thể ấy. Tôi nghĩ rằng, Bộ VHTTDL với tư cách và trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác gia đình trong phạm vi toàn quốc cần có một kế hoạch chi tiết phối hợp với Bộ LĐ,TB&XH, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và một số cơ quan, đoàn thể hướng dẫn việc thực hiện từng mục tiêu cụ thể, từng chỉ tiêu cụ thể trong chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam. Tôi xin nói một ý cuối là: Cần làm xong ngay trong năm 2011 việc xây dựng, hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý nhà nước về công tác gia đình, kiện toàn cơ quan chuyên trách làm công tác gia đình, thành lập Ban chỉ đạo công tác gia đình cấp tỉnh, huyện và xã. Đây là Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng ghi trong Thông báo số 26 ngày 9.5.2011. Đây là thuận lợi lớn đối với Bộ VHTTDL, cũng là điều kiện tiên quyết của Bộ để đảm đương được nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay và những năm sắp tới, một nhiệm vụ cao quý và hết sức khó khăn.

Nguồn Báo Văn hóa: http://www.baovanhoa.vn/doisong/37017.vho