Xây dựng cụm dân cư vượt lũ giai đoạn 2 ở ĐBSCL: Vắt chân lên cổ

7 tỉnh vùng lũ Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang và Hậu Giang đang khẩn trương triển khai Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 2 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với tổng vốn đầu tư 2.387 tỉ đồng, để bố trí 52.300 hộ dân có nơi ở an toàn.

Những ngày đầu mùa mưa bão này, về các tỉnh đều bao trùm một không khí khẩn trương giải phóng mặt bằng, tôn nền để đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch. Giai đoạn 2 có nhiều nét mới hơn giai đoạn 1 như: Các cụm tuyến đều thực hiện xây dựng bờ kè chống sạt lở, tiêu chí nhà ở do hộ dân tự xây cất theo ý thích nhưng phải có nhà vệ sinh tự hoại, phía tỉnh chỉ giao nền. Ngoài ra, các cụm, tuyến đều có bãi thu gom rác thải nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường. Đồng thời các tỉnh còn lồng ghép các chương trình y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm. Giai đoạn 2, An Giang xây dựng 42 cụm tuyến dân cư, bố trí chỗ ở cho trên 11.300 hộ dân. Theo đó, vốn của Chính phủ phân bổ cho An Giang là 406 tỷ đồng. Hiện An Giang có 25 cụm, tuyến đang hoàn thành phần tôn nền và xây dựng phần hạ tầng điện, cấp thoát nước, giao thông, dự kiến đến cuối năm 2009 sẽ hoàn thành tiếp các cụm tuyến còn lại. Ông Trần Trung Nghĩa, GĐ Sở Xây dựng tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đang rà soát lại các hộ nghèo bị loại ở giai đoạn 1 và ưu tiên cho những hộ nằm trong vùng sạt lở, sau đó đến các hộ có sổ nghèo. Khó khăn hiện nay là phần giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ. Tuy nhiên, tỉnh cũng tìm mọi cách để hoàn thành, nếu có chậm cũng chỉ 1 đến 2 tháng. Từ nay đến cuối năm 2009, tỉnh sẽ bố trí được từ 5.000- 6.000 hộ dân vào ở trong 30 cụm, tuyến dân cư đã hoàn thành cơ bản. Còn lại sang quý II/2010 sẽ bố trí hết các hộ dân còn lại - ông Nghĩa nói. Ông Nghĩa cho biết thêm: Chủ trương của An Giang trong giai đoạn 2 khi bố trí hết các hộ dân vào ở còn dư mới tính đến chuyện bán nền linh hoạt để lấy kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng được Chính phủ cho phép. Chính sách ban đầu của Chính phủ đưa ra mỗi nền nhà trong cụm, tuyến dân cư là 18 triệu đồng/căn (23m2). Do trượt giá nên mỗi nền sau khi hoàn thành san lấp mặt bằng giá đội lên 22- 23 triệu đồng/nền. Bán cho dân trả chậm trong vòng 10 năm, với lãi suất 3%/năm. Trong giai đoạn 2, nếu hộ nào xây dựng trên 18 triệu đồng thì tự bỏ thêm tiền ra xây theo ý thích chứ Nhà nước không xây nhà sẵn như giai đoạn 1. Ở tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2 xây dựng 29 cụm và 16 tuyến dân cư với kinh phí 830 tỷ đồng. Mặt bằng các cụm tuyến dân cư đảm bảo vượt đỉnh lũ năm 2000. Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã hoàn thành 20% việc tôn nền, giải phóng mặt bằng. Tỉnh Vĩnh Long cũng đang chạy đua với thời gian để giải phóng mặt bằng, tôn nền. Tỉnh Hậu Giang trong giai đoạn 2 đầu tư 77 tỷ đồng cho các dự án cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ. Nguồn vốn này được ưu tiên để xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu san lấp mặt bằng, đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước. Tại cuộc họp BCĐ Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2 đầu tháng 7 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Thành Lập đã đồng ý cho huyện Châu Thành A điều chỉnh 1 dự án, nhưng phải khẩn trương hoàn thành các thủ tục quy hoạch, thu hồi đất trong tháng 7 này. Ông Lập cũng yêu cầu, các địa phương khẩn trương lập phương án bồi hoàn và hỗ trợ tái định cư.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/61/158/1/15/15/36931/default.aspx