Xây dựng cơ chế phát huy nguồn lực kiều bào

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ như vậy vào chiều 11-11, trong buổi gặp gỡ đại biểu kiều bào dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài.

Tham dự buổi gặp gỡ có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam và Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung.

Cần chú trọng nghiên cứu phát triển

TPHCM có mối liên hệ với hơn 50% trong tổng số hơn 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài và cũng là nơi thí điểm, đưa ra nhiều chính sách quan trọng liên quan đến kiều bào, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định và cho biết lãnh đạo TP luôn cầu thị, tận dụng mọi cơ hội để lắng nghe ý kiến góp ý của trí thức, doanh nhân kiều bào nhằm hiến kế cho TP phát triển nhanh, bền vững.

Tại hội nghị, các đại biểu trí thức, doanh nhân kiều bào đã thẳng thắn chia sẻ nhiều tâm huyết, ý tưởng. Ông Lê Văn Cường (kiều bào Pháp) chỉ rõ, một trong những lỗ hổng của giáo dục Việt Nam là các giảng viên rất ít nghiên cứu khoa học.

Theo ông Lê Văn Cường, lương của các thầy cô rất thấp so với công việc họ phải làm, thành ra đa số thầy cô phải chạy sô dạy còn ít thời giờ để nghiên cứu. Ông Cường cho rằng TP cần khắc phục bằng cách cho một số trường đại học được phép nâng mức học phí, lấy thu bù chi, đảm bảo thu nhập cho thầy cô yên tâm giảng dạy và đầu tư nghiên cứu khoa học. Từ đó tạo ra những cơ sở đào tạo tầm cỡ quốc tế, cạnh tranh với các nước; không làm chảy máu chất xám, thu hút chất xám là kiều bào và người nước ngoài về.

TS Nguyễn Trí Dũng (kiều bào Nhật) nhận xét, nhiều doanh nghiệp trong nước làm nhiều, nhưng rất ít đầu tư cho nghiên cứu phát triển. Trong khi đó, luật cho phép mở doanh nghiệp lại cũng không yêu cầu, không đề cập đến khía cạnh nghiên cứu. Điều này dẫn đến nhiều lĩnh vực, nhiều mặt hoạt động của chúng ta tuy đã đạt kết quả, song ít bước đột phá, thậm chí chưa chọn trúng lĩnh vực để có thể phát triển bền vững.

TS Nguyễn Trí Dũng gợi mở, vấn đề lớn nhất của loài người trong thời gian tới là lương thực. Việt Nam chỉ có thể phát triển bền vững được khi chúng ta khai thác được tiềm năng nông nghiệp. “Nước Nga đang nhập lương thực. Chúng ta có quan hệ với Nga hơn nửa thế kỷ nhưng tôi qua Nga, chỉ thấy vài gói mì Việt Nam. Chúng ta cần phải làm được hơn thế” - TS Nguyễn Trí Dũng mong mỏi.

Tâm đắc với chủ đề nghiên cứu, TS Võ Quang Huệ (kiều bào Đức) cho rằng, cả giảng viên và doanh nghiệp cần quan tâm công tác nghiên cứu và TPHCM cần phải đi đầu trong việc kết hợp giáo dục với kỹ nghệ. Nhà trường và nhà máy cần phối hợp thực hiện, đặt hàng rồi hiện thực hóa các công trình nghiên cứu.

Theo TS Võ Quang Huệ, TPHCM muốn trở thành đô thị hàng đầu song không có tri thức thì không thể vượt lên nhanh được. Trí tuệ là quan trọng nhất, có được trí tuệ thì phải bắt đầu từ giáo dục và tốt nhất là kết hợp giữa giáo dục và kỹ nghệ.

Cùng xây dựng TPHCM “thông minh”, “sống tốt”

Góp phần xây dựng TP thông minh, TS Nguyễn Thanh Mỹ (kiều bào Canada) phân tích: ở lĩnh vực cấp nước sạch, lượng nước thất thoát rất lớn và ngành nước hàng năm phải chi nhiều tiền để in hóa đơn, chi cho người đi thu tiền nước. Ông và đồng nghiệp trẻ vừa nghiên cứu được đồng hồ thông minh để đo nước, rất nhỏ gọn. Thiết bị này gắn với từng hộ gia đình sẽ tự động đo khối lượng nước rồi gửi luôn tín hiệu về. Thiết bị cũng đo lượng nước cấp ra, lượng nước người dân sử dụng để biết nước thất thoát chảy đi đâu, từ đó khắc phục.

“Sản phẩm 100% Việt Nam, có đăng ký đàng hoàng. Chúng tôi hy vọng TPHCM quan tâm, xài thử xem hiệu quả thế nào rồi sản xuất hàng loạt thì tiết kiệm được sức lực của cả ngàn lao động. Thu tiền điện cũng vậy” - ông Mỹ gợi ý.

GS-TS Đặng Lương Mô (kiều bào Nhật) phản ánh, ông đã tiên phong trong nghiên cứu, sản xuất chip điện tử nhưng… không bán được, trong khi các doanh nghiệp ở Việt Nam đang dùng chip tương tự. Sau đó, ông phải tự tìm thị trường.

Từ câu chuyện của mình và nhiều gợi mở của các trí thức kiều bào trong buổi gặp gỡ, GS-TS Đặng Lương Mô phân tích, cả nước hơn 22 triệu hộ dân với khoảng 90 triệu dân. Mỗi gia đình 1 đồng hồ điện, mỗi đồng hồ thọ khoảng 5 năm thì mỗi năm ít nhất cả nước cần 4 triệu đồng hồ điện. Nếu TPHCM chú trọng thì riêng sản xuất đồng hồ điện, đồng hồ nước đã trở thành một ngành công nghiệp lớn, tạo công ăn việc làm cho cả ngàn kỹ sư, công nhân.

Chăm chú lắng nghe từng ý kiến, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhận xét, các ý kiến của kiều bào hoàn toàn xác đáng, rất tâm huyết và trách nhiệm. Trao đổi cụ thể, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, TP đã nhận thức được vấn đề trong việc thành lập trung tâm đào tạo chất lượng cao và đã giao Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM lập đề án phát triển ngành giáo dục TP đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Trong khởi nghiệp, lãnh đạo TP sẽ gặp gỡ các doanh nghiệp đang trong quá trình triển khai các dự án đổi mới sáng tạo để tiếp tục lắng nghe ý kiến của họ.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, trong mục tiêu, định hướng và cơ cấu phát triển của TPHCM, TP luôn nỗ lực làm sao phát triển ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, hạn chế thâm dụng lao động. Vì thế, cùng với phát huy nguồn lực trí thức trong nước, TP đang nghiên cứu cơ chế để mời gọi và phát huy nguồn lực trí thức kiều bào.

“Hàng năm nếu chỉ gặp gỡ, nghe ý kiến thì không giải quyết được chuyện gì lớn, chỉ là góp ý cho lãnh đạo TP thôi. Nên TPHCM sẽ nghiên cứu cơ chế” - Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết. Đồng chí Nguyễn Thành Phong mong mỏi các trí thức, doanh nhân kiều bào dành thời gian cho lãnh đạo TP nghiên cứu, từng bước biến các ý tưởng, gợi mở kế sách của trí thức kiều bào thành hiện thực.

MẠNH HÒA

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161112/xay-dung-co-che-phat-huy-nguon-luc-kieu-bao.aspx