Xây dựng chuỗi nông sản an toàn (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Khi doanh nghiệp đóng vai trò đầu tàu - Muốn xây dựng được chuỗi nông sản an toàn, trước hết chúng ta phải xây dựng được nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tăng cường tính ràng buộc trách nhiệm và quyền lợi trong hợp đồng liên kết nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò quyết định...

* Bài 1: Nhiều trở ngại và rào cản

Tập hợp, kết nối và dẫn dắt các “vệ tinh”

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp chủ yếu do các hộ nông dân tiến hành, khâu sơ chế hoặc chế biến nông sản do các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiến hành, còn khâu cung ứng cho người tiêu dùng có thể do các siêu thị, các cửa hàng nhỏ và cả người buôn bán nhỏ ở chợ thực hiện. Chỉ một số ít doanh nghiệp lớn mới có thể xây dựng và kiểm soát được tiêu chuẩn nông sản an toàn (NSAT) trong toàn bộ chuỗi nuôi trồng - sản xuất - chế biến - buôn bán cung ứng sản phẩm.

Đi tìm mô hình của chuỗi dạng liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, chúng tôi về Bắc Ninh tham quan khu trang trại trồng rau của Công ty Hương Việt Sinh, thuộc Khu nông nghiệp công nghệ cao xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du. Chị Nguyễn Thị Luyên ( thôn Dền, xã Cảnh Hưng) cho biết, gia đình chị có bốn sào, trước đây phải trồng gối đầu từng sào vì phải tự đi bán, thu nhập khoảng năm triệu đồng/sào. Sau khi tham gia dự án của Công ty Hương Việt Sinh, cả bốn sào rau của gia đình chị luôn “hoạt động hết công suất”, cho thu nhập gấp đôi trước kia. Đến nay, doanh nghiệp này đã liên kết với hàng chục hộ nông dân cung cấp nguồn rau, thịt an toàn cho “đầu vào” để chế biến khoảng 40 nghìn suất ăn/ngày cung cấp cho học sinh 40 trường tiểu học bán trú tại Hà Nội và Bắc Ninh.

Tại Hà Nội, có tới 19 doanh nghiệp kết nối - hợp tác với 40 cơ sở sản xuất ở địa phương để đưa hơn 40 chủng loại nông sản tiêu thụ trên địa bàn thủ đô, như: Na Chi Lăng, rau cải, hạt dẻ (Lạng Sơn), nhãn lồng, chuối tiêu hồng, thịt, giò (Hưng Yên), bưởi da xanh, thanh long (Tiền Giang), nho (Ninh Thuận)… Từ chỗ chỉ có 180 dòng sản phẩm, đến nay thành phố có khoảng 1.800 mặt hàng nông sản sạch của các địa phương được bày bán ở 142 điểm phân phối tại 12 quận, với sự tham gia của 52 doanh nghiệp, phần nào đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho rằng, mặc dù bước đầu đạt được những tín hiệu vui, song để phát triển chuỗi và điểm bán NSAT đạt hiệu quả hơn nữa, cần phải coi doanh nghiệp là “hạt nhân”, là “đầu tàu”, đóng vai trò quyết định từ liên kết sản xuất gắn với sơ chế, chế biến đến tiêu thụ, phân phối trực tiếp nông sản, thực phẩm sạch trên thị trường.

Không chịu đứng ngoài cuộc, gần đây, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam đã khai trương một loạt siêu thị tiêu thụ NSAT Việt Nam (UCA) bằng cách liên kết với gần 50 HTX sản xuất NSAT trên toàn quốc, từ các tỉnh Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh đến Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Phước… để có những vùng nguyên liệu lớn, quy mô lớn nhằm phục vụ thị trường ngày càng tốt hơn, nhất là các sản phẩm luôn bảo đảm chất lượng, an toàn, có truy xuất nguồn gốc. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt, tập hợp các vệ tinh để xây dựng nên chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông sản này.

Khẳng định vị thế của doanh nghiệp

Chiến lược phát triển sản xuất xanh và tiêu dùng bền vững không chỉ tập trung vào các công ty lớn hay những chủ thể sản xuất xanh mà còn khuyến khích người dân tự sản xuất, chế biến, tiêu dùng nông sản sạch. Ở các đô thị nước ta hiện nay, tình trạng thực phẩm thiếu an toàn đã dẫn tới nhiều người tự cấp, tự túc một phần nông sản sạch bằng cách trồng trọt rau quả, chăn nuôi trên đất tận dụng. Nhưng nếu không được hướng dẫn đúng cách thì hoạt động “nông nghiệp hóa đô thị" cũng có thể gây ra một số phiền toái như ô nhiễm không khí, tạo chất thải, nước thải làm ảnh hưởng môi trường và cuộc sống cộng đồng… Vì vậy, việc gia tăng giá trị, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, xây dựng chuỗi NSAT thành công hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân. Muốn vậy, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp thực tế để thu hút đầu tư, hỗ trợ áp dụng các biện pháp tiên tiến trong kinh doanh nông sản: vốn, kỹ thuật chăn nuôi, công tác sơ chế, chế biến, bảo quản, lưu thông; đồng thời cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tiếp cận đất đai, hạ tầng thương mại phục vụ nông sản sạch; tổ chức liên kết sản xuất và lưu thông.

Ở đây chúng tôi nhấn mạnh chính sách hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Từ trước đến nay, tuy các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng luôn cam kết dành một khoản tín dụng đáng kể cho khu vực này, tuy nhiên trên thực tế các doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hộ kinh doanh cá thể rất khó tiếp cận vốn vì những yêu cầu khắt khe của phía cho vay về “sổ đỏ”, nhà xưởng thế chấp, về phương án kinh doanh, thậm chí các loại “phí” không tên để “bôi trơn” cho quá trình vay tiền. Vì bấy nhiêu lý do, dòng vốn tín dụng giá rẻ chảy được đến đội ngũ doanh nghiệp làm nông nghiệp không nhiều. Để cải thiện tình hình này, thời gian gần đây một số ngân hàng thương mại tiếp tục cam kết hỗ trợ nhiều hơn, mạnh hơn. Mới đây nhất, lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cam kết dành gói tín dụng lên tới 50 nghìn tỷ đồng với nhiều ưu đãi về thời hạn vay, lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất NSAT.

Mặt khác, cần tăng cường sự gắn kết giữa doanh nghiệp kinh doanh NSAT với các viện, trung tâm nghiên cứu nông nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, các tổ chức nước ngoài... để trao đổi thông tin, chuyển giao, tiếp nhận tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh tuyên truyền để người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng có thêm kiến thức về sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nông sản sạch… Đặc biệt, cần coi trọng khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và xây dựng chuỗi NSAT nói riêng. Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng: Chính phủ nhấn mạnh việc kiến tạo, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển là một tín hiệu rất tốt. Song cần có những giải pháp quyết liệt để chính sách thật sự đi vào cuộc sống. Vấn đề vốn, công nghệ… là những điểm cần tháo gỡ để các doanh nghiệp tư nhân phát triển, tuy nhiên trước khi đi vào các vấn đề cụ thể này, cần ưu tiên tháo gỡ về mặt cơ chế, chính sách. Giải quyết những điểm này, nền nông nghiệp Việt Nam mới mong có sự đột phá…

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 16-11-2016.

“Nhiều doanh nghiệp quyết định đầu tư vào nông nghiệp như Dabaco ở Bắc Ninh, mỗi năm sản xuất tới 45 triệu con giống, mỗi ngày một triệu quả trứng thương phẩm, được tám siêu thị phân phối sản phẩm; Công ty Vĩnh Hoàn, Công ty Minh Phú gia tăng đầu tư vào chuỗi sản xuất, kinh doanh cá tra, tôm nước lợ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với mục tiêu xuất khẩu hàng trăm triệu USD hằng năm. Điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp với vai trò đầu tàu trong chuỗi giá trị nông sản đã nhìn thấy tiềm năng, khả năng sinh lời trong đầu tư sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Nguyễn Xuân Cường

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/31290702-xay-dung-chuoi-nong-san-an-toan.html